📞

Cập nhật Covid-19 ngày 15/4: Campuchia phong tỏa Phnom Penh; Ấn Độ sát mốc kỷ lục một ngày 200.000 ca nhiễm; châu Âu buồn vui lẫn lộn

Huyền Trâm 11:24 | 15/04/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 138,83 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 2,99 triệu ca tử vong và xấp xỉ 111,6 triệu bệnh nhân bình phục.
Cập nhật Covid-19 ngày 15/4: Campuchia phong tỏa thủ đô Phnom Penh; Indonesia xếp thứ 9 thế giới về tiêm vaccine; buồn vui lẫn lộn ở châu Âu.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi Covid-19 vẫn là Mỹ với 578.086 ca tử vong trong tổng số 32.149.214 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 173.152 ca tử vong trong số 14.070.890 ca mắc. Brazil đứng thứ 3 với 362.180 ca tử vong trong số 13.677.564 bệnh nhân.

Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh tại 3 nước trên đều diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất thế giới với 199.569 ca trong một ngày qua, trong khi Brazil ghi nhận số ca tử vong mới cao nhất là 3.462 ca và số ca mắc mới là 75.998 ca. Mỹ có thêm 78.430 ca mắc mới trong 24 giờ qua.

* Tại châu Âu, tình hình dịch vẫn phức tạp, trong đó phải kể đến Pháp khi đứng đầu châu lục này về số ca mắc mới là 43.505 ca. Tiếp đó là Đức và Ba Lan lần lượt có thêm 32.546 ca và 21.283 ca mắc. Các nước khác như Italy, Tây Ban Nha, Ukraine chứng kiến số ca mắc mới vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày.

Số liệu từ các cơ quan y tế Đức tối 14/4 cho biết, trong 24 giờ qua, trên cả nước đã ghi nhận gần 25.800 ca nhiễm mới, con số lây nhiễm cao nhất trong ngày kể từ giữa tháng 1.

Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), biến thể ở Anh hiện chiếm đa số các ca nhiễm mới ở Đức, cụ thể là chiếm tới gần 85% tổng số ca nhiễm mới.

Tuy vậy, tình hình dịch bệnh khả quan hơn ở vài nơi là cơ sở để một số quốc gia quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế. Chính phủ Thụy Sỹ ngày 14/4 đã quyết định cho phép nhà hàng và quán bar khai thác bàn ngoài trời trở lại kể từ ngày 19/4 tới, sau khi đóng cửa tạm thời 4 tháng. Tuy nhiên, các quy tắc làm việc tại nhà sẽ vẫn được áp dụng trong thời gian này và việc nới lỏng không được xem là tín hiệu cho thấy đại dịch đã kết thúc.

Tại Bỉ, kể từ ngày 8/5 tới, Bỉ sẽ cho phép các dịch vụ có tiếp xúc nhưng không mang tính y tế được hoạt động trở lại cùng với việc mở cửa cho lĩnh vực du lịch không thiết yếu từ ngày 19/4.

Ủy ban tham vấn quốc gia về Covid-19 của Bỉ đã quyết định cho phép các nhà hàng, quán bar được đón khách trở lại kể từ ngày 8/5 nhưng chỉ phục vụ ở bên ngoài. Các sự kiện tổ chức ngoài trời như tiệc, hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động giải trí, sẽ được tập trung tối đa 50 khách. Chợ trời cũng sẽ được mở cửa trở lại.

Cho đến nay, Bỉ vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ người tử vong do Covid-19 tính trên số dân cao nhất thế giới, với dân số trên 11,5 triệu người, có 903.603 người nhiễm bệnh, trong đó 23.566 người tử vong. Hiện có hơn 1,92 triệu người Bỉ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19.

* Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC Châu Phi) chi biết châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 4.369.844 ca mắc Covid-19. Theo CDC châu Phi, tính đến thời điểm hiện tại, đại dịch này cũng đã khiến 116.265 người tử vong ở 55 quốc gia "Lục địa Đen", trong khi hơn 3,924 triệu bệnh nhân đã được chữa khỏi.

Nam Phi, Morocco, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập là 5 quốc gia châu Phi có số ca mắc Covid-19 cao nhất trên lục địa này. Trong đó, Tunisia và Ethiopia là hai quốc gia đang có số ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh.

Tunisia đã ghi nhận tổng cộng 276.727 ca mắc và 9.840 ca tử vong, trong đó 2.123 ca mắc mới và 84 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Ethiopia cũng ghi nhận thêm 1.893 ca mắc mới và 22 ca tử vong trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên 234.405 ca mắc và 3.252 ca tử vong.

* Tại châu Á, ngoài Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng chứng kiến tình hình dịch nghiêm trọng hơn khi tiếp tục ghi nhận 62.797 ca mắc mới trong khi Iran xác nhận có thêm 25.582 ca mới.

Ngày 14/4, Campuchia quyết định phong tỏa thủ đô Phnom Penh lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi cuối năm ngoái.

Theo thông báo từ chính phủ, khu vực thủ đô cùng thành phố lân cận Takmao sẽ bị phong tỏa trong 14 ngày kể từ ngày 15/4. Thông báo nêu rõ các hoạt động đi lại không thiết yếu sẽ bị hạn chế.

Bộ Y tế Campuchia thông báo ngày 14/4 nước này ghi nhận tới 178 ca mắc mới Covid-19 trong vòng 24 giờ, trong đó riêng tại thủ đô Phnom Penh ghi nhận 149 ca.

Trong khi đó, Hàn Quốc ngày 15/4 ghi nhận 698 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới ở mức khoảng 700 ca, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến nhà chức trách phải cân nhắc siết chặt các biện pháp phòng chống.

Giới chức y tế Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ 4 khi người dân lơ là cảnh giác và gia tăng các hoạt động thường ngày, đồng thời cảnh báo có thể siết chặt các quy định tại những nơi đông người và các hoạt động của doanh nghiệp nếu xu hướng này tiếp diễn.

Tại Malaysia, do số ca mắc Covid-19 mới tăng mạnh trong 2 tuần qua, 7/10 quận thuộc bang Kelantan sẽ phải thực hiện trở lại Lệnh hạn chế di chuyển (MCO) từ ngày 16-29/4 tới.

Trong thời gian MCO, giữa các quận thuộc Kelantan và ranh giới Kelantan với các bang khác sẽ được thiết lập chướng ngại vật, tất cả các hoạt động kinh tế thương mại đều phải được cấp phép mới được vận hành.

Ngày 14/4, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto cho biết Indonesia hiện đứng thứ 9 thế giới về số lượng tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân với tổng cộng 15,6 triệu liều đã được tiêm tính đến ngày 13/4.

Theo ông Airlangga, tỷ lệ dương tính với Covid-19 của Indonesia hiện thấp hơn mức trung bình toàn cầu nhờ thực hiện lệnh hạn chế xã hội quy mô vi mô nhỏ (PPKM).

* Tại châu Mỹ

Ngày 14/4, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cảnh báo việc giảm hoạt động phân bổ vaccine ngừa Covid-19 cho các nước châu Mỹ cho thấy sự cần thiết phải tìm ra những biện pháp khác để ứng phó với dịch bệnh trong bối cảnh các ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng đáng lo ngại ở khu vực này.

Bà Etienne nhấn mạnh rằng chỉ biện pháp tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 không đủ để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm hiện nay trong khu vực, vì không có đủ vaccine để bảo vệ tất cả mọi người ở những nước có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.

Do đó, người đứng đầu PAHO kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp khác để giảm thiểu lây nhiễm như sử dụng khẩu trang và tuân thủ khuyến cáo giãn cách xã hội, đồng thời cảnh báo việc các nước nới lỏng các biện pháp đã áp dụng trong nhiều tháng qua có thể khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

(tổng hợp)