📞

Cập nhật Covid-19 ngày 16/5: Điểm nóng Ấn Độ đang ổn định; Thái Lan một ngày hơn 1.200 tù nhân dương tính; thời điểm ‘phức tạp nhất’ ở Cuba

M.Khôi 09:49 | 16/05/2021
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 16/5, trên toàn thế giới có tổng cộng 163.165.573 ca mắc Covid-19 và 3.383.230 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi hiện là 141.462.146 ca.
Cập nhật Covid-19 ngày 16/5: Điểm nóng Ấn Độ đang ổn định; Indonesia tăng đột biến; thời điểm ‘phức tạp nhất’ ở Cuba.

Tại Ấn Độ - điểm nóng của dịch bệnh trên toàn cầu, tình hình đang ổn định và chính phủ nước này cam kết nỗ lực để mang lại sự ổn định hơn nữa.

Nhiều bang từng là tâm dịch như Maharashtra, Gujarat, Delhi, Haryana và Madhya Pradesh đang báo cáo tỷ lệ ca mắc Covid-19 giảm đáng kể. Đơn cử, thủ đô New Delhi ngày 15/5 ghi nhận 6.430 ca mắc Cpvid-19 mới (bằng 25% lúc đỉnh điểm 3 tuần trước) và 11.592 người phục hồi trong 24 giờ qua, mặc dù số ca tử vong vẫn ở mức cao 337 ca so với 1 ngày trước đó.

Cho đến nay, Ấn Độ ghi nhận 24.683.065 ca mắc COVID-19, cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ (33.695.916 ca), và 270.319 ca tử vong.

Tại Pháp, tình hình dịch bệnh cũng đang có chiều hướng lắng dịu khi số ca Covid-19 phải điều trị tích cực trong ngày 14/5 đã giảm xuống còn 4.352 ca, thấp hơn nhiều so với giai đoạn cao điểm khoảng 6.000 ca trong làn sóng lây nhiễm thứ ba bùng phát hồi tháng 3 vừa qua.

Hiện Pháp đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine trên toàn quốc. Ngày 15/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết 20 triệu người - tương đương 30% dân số Pháp, đã được tiêm ít nhất 1 mũi vacine ngừa Covid-19 và gần 9 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi.

Tại khu vực Mỹ Latinh, Cuba ngày 15/5 ghi nhận 1.383 ca mắc mới Covid-19, mức cao kỷ lục kể từ khi bùng phát dịch, và 11 ca tử vong. Thủ đô La Habana là địa phương có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất cả nước, với 446,6 ca mắc trên 100.000 dân. Giám đốc Cơ quan vệ sinh và dịch tễ quốc gia Cuba Francisco Duran nhận định nước này đang phải đối mặt với thời điểm "phức tạp nhất về dịch tễ".

Theo Bộ Y tế Cuba, cho đến nay, nước này có tổng cộng 123.221 ca mắc Covid-19, trong đó có 796 ca tử vong.

Indonesia khởi động chiến dịch xét nghiệm ngẫu nhiên

Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19, ngày 15/5, Indonesia đã khởi động chiến dịch xét nghiệm ngẫu nhiên và kiểm tra bắt buộc đối với những người trở về thành phố sau kỳ nghỉ lễ xả chay Idul Fitri của người Hồi giáo.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Phục hồi Kinh tế Quốc gia và Giảm nhẹ Covid-19, cho biết các cuộc xét nghiệm ngẫu nhiên sẽ được thực hiện tại 21 địa điểm đối với các hành khách đến thủ đô Jakarta từ các tỉnh trên đảo Java.

Trong khi đó, tất cả du khách đến thủ đô từ đảo Sumatra – điểm nóng lây lan dịch bệnh Covid-19 hiện nay ở Indonesia - qua cảng biển Bakauheni ở tỉnh Lampung cũng bắt buộc phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Phát biểu trong một chương trình truyền hình, Bộ trưởng cấp cao này cho hay các biện pháp trên được kỳ vọng có thể giúp theo dõi sự di chuyển của người dân và ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca lây nhiễm tại thủ đô Jakarta và các khu vực khác.

Kết quả xét nghiệm ngẫu nhiên trước kỳ nghỉ Idul Fitri cho thấy có tới 4.123 trong số 6.742 hành khách được lấy mẫu dương tính với Covid-19. Từ đầu đến giữa tháng 5, các địa phương trên đảo Sumatra chiếm tới 27,22% các ca nhiễm mới và 17,18% các ca tử vong trên toàn quốc. Ngược lại, tỷ trọng tương ứng của Java - hòn đảo đông dân nhất Indonesia - đã giảm xuống còn 11,06% và 16,07%.

Theo Bộ trưởng Airlangga, mặc dù các số liệu này "tương đối có thể quản lý được", song sự gia tăng các ca nhiễm mới, tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sử dụng giường bệnh chữa trị Covid-19 cần phải được theo dõi chặt chẽ.

Indonesia có 270 triệu dân, trong đó 90% là người Hồi giáo. Cuối tháng nhịn chay Ramadan hàng năm, hàng triệu người sinh sống tại thủ đô Jakarta và các khu vực thành thị khác thường đổ về các vùng quê để ăn tết Idul Fitri. Năm nay, chính quyền nước này đã quyết định cấm người dân về quê trong khoảng thời gian từ ngày 6-17/5 nhằm hạn chế sự lây lan của virus.

Ông Airlangga khẳng định rằng một loạt biện pháp mạnh tay đã được triển khai trong năm nay nhằm hạn chế dòng người di cư ồ ạt. Tổng cộng, hơn 155.000 cảnh sát, binh sĩ, nhân viên trật tự công cộng và nhân viên giao thông đã được huy động tại ba hòn đảo lớn của Indonesia là Sumatra, Java và Bali.

Riêng trong ngày 13/5 – ngày bắt đầu lễ Idul Fitri, lực lượng hỗn hợp đã ngăn chặn và buộc quay đầu hàng chục nghìn phương tiện, trong đó hơn 64.000 phương tiện tại thủ đô Jakarta. Tuy nhiên, theo thống kê chính thức, khoảng 1,5 triệu người vẫn vẫn lọt được về quê qua các chốt kiểm soát dày đặc.

Thái Lan: Số ca mắc vượt ngưỡng 100.000

Số ca mắc Covid-19 tại Thái Lan đã vượt ngưỡng 100.000 khi giới chức nước này ngày 16/5 thông báo thêm 2.302 ca nhiễm mới cùng 24 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này.

Như vậy, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Thái Lan đầu năm ngoái, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 101.447 ca nhiễm, trong đó có 589 người không qua khỏi.

Về ổ dịch trong các nhà tù ở Thái Lan, Cục Cải huấn tối 15/5 cho biết đã có thêm 1.219 tù nhân được phát hiện nhiễm Covid-19 tại 3 trại giam ở vùng Bangkok mở rộng. Đến nay, đã có gần 5.000 tù nhân trên toàn quốc được xác nhận nhiễm COVID-19.

Trong khi đó, Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã điều chỉnh bản đồ phân vùng các tỉnh có bệnh nhân Covid-19, giảm số lượng các tỉnh thuộc Vùng đỏ xẫm thuộc kiện kiểm soát tối đa xuống còn 4 tỉnh là Bangkok, Nonthaburi, Samat Prakan và Pathum Thani. Các tỉnh còn lại gồm 17 tỉnh thuộc Vùng đỏ và 56 tỉnh thuộc Vùng da cam.

(tổng hợp)