Tình hình dịch Covid-19
Số ca nhiễm tại Mỹ hiện chiếm 1/5 tổng số ca thế giới với hơn 37,7 triệu người mắc bệnh, trong khi số ca tử vong là 638.728 trường hợp, chiếm khoảng 1/7 số người thiệt mạng do Covid-19 trên toàn cầu.
Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm, hiện đã lên tới 32.249.900 ca, trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong, với 569.581 ca.
Trong nhóm 10 nước bị ảnh hưởng nhất còn có Nga, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỹ (đều đã trên 6 triệu ca nhiễm), Argentina (hơn 5 triệu ca), Colombia và Tây Ban Nha (hơn 4,7 triệu ca).
Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 66.273.214 ca, nhưng số ca tử vong ở châu Âu và Nam Mỹ cao nhất, đều đã hơn 1,1 triệu ca.
Đáng chú ý, số ca trong tình trạng nguy kịch ở châu Á hiện là 40.431 ca, trong khi con số này của Bắc Mỹ là 27.370 ca, của Nam Mỹ là 24.475 ca. Châu Âu có 9.680 ca trong tình trạng nguy kịch.
* Tại Đông Nam Á, tính đến ngày 17/8, Indonesia có nhiều ca nhiễm và tử vong nhất, với lần lượt 3.871.738 và 118.833 ca. Philippines đứng thứ hai với các con số tương ứng là 1.755.846 và 30.366 ca. Malaysia xếp thứ ba với 1.424.639 ca nhiễm và 12.784 ca tử vong.
Trong ngày 16/8, Thái Lan ghi nhận 21.882 ca nhiễm mới. Indonesia và Malaysia ghi nhận số người mắc mới trong khoảng từ 17.000 đến gần 20.000 ca, trong khi Philippines có thêm 14.369 trường hợp.
Về số ca tử vong mới được ghi nhận trong ngày, Indonesia xác nhận số người không qua khỏi ở mức cao nhất khu vực với 1.222 ca.
Thái Lan đã gia hạn phong tỏa đến cuối tháng này đối với 29 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ 3, trong đó có cả thủ đô Bangkok.
Tại Nhật Bản, đài truyền hình NHK đưa tin, chính phủ nước này sẽ tiếp tục mở rộng lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp sang 7 tỉnh từ ngày 20/8-12/9 gồm Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka.
Các tỉnh đã áp dụng tình trạng khẩn cấp từ trước gồm Tokyo, sẽ gia hạn đến ngày 31/8, và các tỉnh Kanagawa, Chiba, Saitama, Osaka và Okinawa sẽ được gia hạn đến ngày 12/9.
* Toàn châu Âu đã ghi nhận thêm 104.946 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Quốc gia có nhiều ca tử vong nhất châu lục hiện là Nga với 171.305 trường hợp.
Tại Anh, con số này là 130.979 ca, Italy 128.456 ca và Pháp 112.753 ca. Tuy nhiên, Nga cũng là nước có số ca bình phục nhiều nhất châu lục (5.899.917 ca) trong khi con số này ở Anh là hơn 4,8 triệu ca, và Italy hơn 4,1 triệu ca.
* Tại châu Mỹ, Mexico ghi nhận nhiều ca tử vong thứ ba châu lục (sau Mỹ và Brazil), hiện là 248.380 ca. Tiếp đến là Peru (197.393 ca), Colombia (123.580 ca) và Argentina (109.105 ca).
* Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn, song cũng đã ghi nhận tổng cộng 7.360.189 ca nhiễm, trong đó có 184.831 ca tử vong.
Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất châu lục, với 2.613.569 ca nhiễm và 77.440 ca tử vong. Tiếp theo là Morocco (763.353 ca nhiễm), Tunisia (625.688 ca), Ethiopia và Ai Cập đều có hơn 285.000 ca nhiễm.
Vaccine Covid-19
Ngày 16/8, hãng tin AFP cho biết, hãng dược Pfizer và công ty liên kết BioNTech đã đệ trình giới chức y tế Mỹ dữ liệu kết quả thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả của mũi thứ 3 vaccine Covid-19 Pfizer/BioNTech.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla nói: "Các dữ liệu chúng tôi có được đến nay cho thấy, liều tiêm thứ 3 làm tăng đáng kể lượng kháng thể so với kháng thể tạo ra sau 2 liều đầu tiên".
Thông cáo của đồng sáng lập BioNTech Ugur Sahin cũng cho biết: "Liều vaccine tăng cường có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh và bệnh nặng ở những người đã tiêm chủng trước đó và giúp kiểm soát tốt hơn đà lây lan của các biến chủng SARS-CoV-2 trong mùa Thu tới".
Pfizer và BioNTech cũng dự kiến sẽ gửi những dữ liệu thử nghiệm lâm sàng mới nhất cho giới chức châu Âu trong những tuần tới.
Tại Đức, tiếp tục các nỗ lực tìm kiếm vaccine Covid-19 sau thất bại với loại đầu tiên CVnCoV, công ty công nghệ sinh học CureVac có trụ sở tại Tübingen đang trông đợi vào vaccine thế hệ thứ hai, được hợp tác bào chế cùng công ty dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh.
Thông báo của CureVac cho biết, ứng cử viên vaccine thế hệ thứ hai có tên gọi CV2CoV đã chứng tỏ phản ứng miễn dịch và hiệu quả bảo vệ tốt hơn trong các thử nghiệm tiền lâm sàng với khỉ.
Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy vaccine thế hệ mới đạt khả năng trung hòa kháng thể mạnh hơn đối với các biến thể virus nghiên cứu (gồm cả biển thể Delta, Beta hay Lambda) so với thế hệ đầu tiên.
Dự kiến, nghiên cứu lâm sàng đầu tiên với các tình nguyện viên sẽ bắt đầu vào quý IV năm nay.
Ở Tây Ban Nha, cùng ngày, chính phủ thông báo sẽ đẩy nhanh việc chuyển giao 6 triệu liều vaccine cho khu vực Mỹ Latinh và Caribbean trong những tuần tới. Đây là phần lớn trong tổng số 7,5 triệu liều mà Madrid trước đó cam kết viện trợ cho khu vực này.
Cũng trong ngày 16/8, Indonesia đã tiếp nhận thêm 5 triệu liều vaccine thành phẩm của hãng Sinovac (Trung Quốc), nâng tổng số vaccine Covid-19 mà quốc gia này đang sở hữu lên thành 190 triệu liều, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ tiêm lên 2 triệu liều vaccine mỗi ngày trong tháng 8.
Cho đến nay, hơn 53 triệu người Indonesia đã được tiêm mũi vaccine thứ nhất, đạt 25% mục tiêu trong tổng số 208 triệu người nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Tại Campuchia, nước này tiếp tục đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường thứ ba bằng vaccine của hãng AstraZeneca cho lực lượng tuyến đầu đã tiêm 2 mũi vaccine của Sinopharm hoặc Sinovac trước đó.
Tính đến ngày 15/8, Campuchia đã tiêm vaccine Covid-19 cho tổng cộng 9.020.990 người.