Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 398.268 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới (68.924 ca), tiếp sau là Brazil (51.350 ca), Pháp có 22.501 ca, Tây Ban Nha có 14.515 ca, Italy có 13.762 ca, Nga có 13.447 ca. Hiện tổng số ca nhiễm tại Mỹ đã lên tới 28,51 triệu ca.
* Với những con số nêu trên, châu Âu vẫn là điểm nóng của dịch Covid-19 bất chấp nỗ lực đẩy mạnh chương trình tiêm chủng ở các nước trong khu vực này.
Hạ viện Czech đã từ chối dỡ bỏ ngay lập tức tình trạng khẩn cấp mới mà chính phủ đã tuyên bố vào ngày 14/2 vừa qua theo yêu cầu của các thống đốc vùng.
Theo đó, quyết định của chính phủ Czech sẽ kết thúc theo nghị quyết đã được phê duyệt về hiệu lực áp dụng theo Luật chống đại dịch.
CH Czech hiện ghi nhận tổng cộng hơn 1,1 triệu ca nhiễm, trong đó 18.739 ca tử vong do Covid-19.
* Tại châu Á, dịch Covid-19 tiếp tục lây lan.Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 12.643 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 10,96 triệu ca. Indonesia và Iran cũng là 2 điểm nóng của dịch Covid-19, với số ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua lần lượt là 9.039 ca và 8.066 ca.
Trong khi đó, các nước khu vực Trung Đông như Iraq, Israel và UAE ghi nhận trung bình hơn 3.500 ca trong ngày qua.
Israel cho biết sẽ gia hạn 14 ngày quy định đóng cửa các đường biên giới trên bộ và trên không nhằm nỗ lực ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Được cho là nước tiến hành chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 nhanh nhất trên thế giới tính theo đầu người, nhưng Israel vẫn ghi nhận trung bình 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, giảm từ khoảng 8.000 ca/ngày hồi giữa tháng 1 vừa qua.
* Khu vực châu Phi, theo số liệu của hãng tin AFP tổng hợp từ các nguồn chính thức, tính tới ngày 18/2, số ca tử vong do Covid-19 đã vượt 100.000 người, trong tổng số 3.341.197 ca mắc bệnh.
Châu Phi có số ca tử vong do Covid-19 thấp hơn so với châu Âu, khu vực Mỹ Latinh và Bắc Mỹ, mặc dù Nam Phi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ dịch bệnh, với nửa số ca tử vong tại châu Phi được ghi nhận tại nước này.
* Mặc dù vậy, nhìn chung, kể từ đầu tháng 2, tổng số ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm. Theo số liệu của Reuters, các ca nhiễm mới Covid-19 được báo cáo hàng ngày trong một tháng trên toàn thế giới đã giảm và xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10 vào ngày 18/2.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế tiếp tục cảnh báo không nên chủ quan với việc đối phó với đại dịch Covid-19 ngay cả khi vaccine ngừa đại dịch này đang được lưu hành trên toàn thế giới.
Chính phủ các nước đã tiến hành nhiều biện pháp phù hợp để ngăn chặn các đợt lây lan của dịch bệnh. Nhưng sự xuất hiện của các biến thể mới của virus đã làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của vaccine.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến tại đây, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về Covid-19 Maria Van Kerkhove nhấn mạnh "bây giờ không phải là lúc để mất cảnh giác, không thể để các ca nhiễm mới tăng trở lại".
* Liên quan tình hình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, hãng tin Reuteurs cho biết, 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân và đã tiêm ít nhất 187.892.000 liều.
Gibraltar, một lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở cực Nam của Tây Ban Nha, hiện đang dẫn đầu thế giới và đã tiêm đủ liều vaccine cho 40% dân số.
Ngày 18/2, hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) tuyên bố đã bắt đầu dự án nghiên cứu quốc tế với sự tham gia của 4.000 tình nguyện viên nhằm đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn của vaccine Covid-19 đối với các phụ nữ mang thai khỏe mạnh.
Dự án sắp tiến hành sẽ nghiên cứu hiệu quả vaccine đối với phụ nữ có thai từ 18 tuổi trở lên ở Mỹ, Canada, Argentina, Brazil, Chile, Mozambique, Nam Phi, Anh và Tây Ban Nha. Họ sẽ được tiêm chủng trong khoảng từ tuần 24-34 của thai kỳ, với 2 mũi tiêm cách nhau 21 ngày theo phác đồ đã được áp dụng trong thử nghiệm lâm sàng chung.
Trong khi đó, một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet số ra cùng ngày cho biết, vaccine của hai hãng Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả 85% trong liều tiêm đầu tiên đối với người khỏe mạnh trong khoảng từ 15-28 ngày sau khi họ được tiêm. Đối với những người mắc bệnh, gồm cả những người không có triệu chứng, tỷ lệ này là 75%.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7 gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italy, Nhật Bản, Canada) vận dụng “sự khéo léo tập thể” để cắt ngắn 2/3 thời gian phát triển vaccine ngừa Covid-19, từ khoảng 300 xuống còn 100 ngày.
Chính phủ Anh cũng cho biết, nước này sẽ chia sẻ số vaccine ngừa Covid-19 dư thừa trong tương lai cho chương trình phân phối vaccine COVAX do WHO đứng đầu trong nỗ lực giúp các nước đang phát triển.
Ngoài Anh, Mỹ dự kiến sẽ gửi một khoản tiền khoảng 4 tỷ USD cho Liên minh toàn cầu về vaccine (Gavi) để hỗ trợ sáng kiến hợp tác vaccine toàn cầu COVAX nhằm tăng tốc phát triển và phân phối vaccine cho các nước có thu nhập thấp.
Cùng ngày, trả lời Tờ Financial Times (Anh) trước thềm Hội nghị trực tuyến G7 do Anh tổ chức vào ngày 19/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi phương Tây chuyển ngay 5% số lượng vaccine ngừa Covid-19 hiện có cho các nước châu Phi.
* Liên quan nguồn gốc virus SARS-CoV-2, ngày 18/2, truyền thông Đức dẫn một nghiên cứu của nhà khoa học nano và là giáo sư Đại học Hamburg Roland Wiesendanger kết luận rằng, mầm bệnh SARS-CoV-2 đã thoát ra do "tai nạn" từ phòng thí nghiệm Vũ Hán (Trung Quốc) và đây không phải là một thảm họa tự nhiên.
Theo ông Wiesendanger, SARS-CoV-2 không có nguồn gốc tự nhiên mà được sản xuất nhân tạo trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Nhà khoa học Đức đã thu thập thông tin trong khoảng thời gian từ tháng 1-12/2020 và đi đến kết luận rằng "có rất nhiều bằng chứng cho thấy một vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm tại Viện virus học Vũ Hán cho đến nay là nguyên nhân rất có thể gây ra đại dịch Covid-19".
Trong một diễn biến khác liên quan, cùng ngày, Hãng thông tấn Czech (ČTK) đưa tin, Đại sứ quán Trung Quốc tại Prague đã phản đối tuyên bố của Hồng y, Tổng Giám mục Prague Dominik Duka khi cho rằng, SARS-CoV-2 là một vũ khí sinh học của Trung Quốc, trong bài giảng tại Nhà thờ St.Vitus vào đầu tháng 2.
Đại sứ quán Trung Quốc cho biết, các chuyên gia từ WHO đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, rất khó có khả năng SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm, do đó phát biểu của Hồng y Duka phớt lờ quan điểm của các nhà khoa học và không dựa trên bất kỳ cơ sở thực tế nào.
Tuy nhiên, ngày 18/2, Hồng y Dominik Duka nói ý định gắn nhãn vũ khí sinh học của Trung Quốc khi phát biểu về SARS-CoV-2 là một sự phóng đại để khuấy động và tăng sự chú ý của người nghe.