📞

Cập nhật Covid-19 ngày 19/4: Ấn Độ tiếp kỷ lục sốc; Hong Kong cấm chuyến bay từ nhiều nước châu Á; Tổng thống Pháp nghi ngờ vaccine Nga

Thế Việt 11:12 | 19/04/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 142 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 3,03 triệu ca tử vong và hơn 120,5 triệu bệnh nhân bình phục.

Trong 24 giờ qua, toàn cầu ghi nhận tổng cộng 709.437 triệu ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận kỷ lục sốc với 275.306 bệnh nhân mới. Ấn Độ đang trải qua những ngày khủng khiếp nhất của đại dịch Covid-19 kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, với trung bình hơn 200.000 ca mới mỗi ngày.

Trong 7 ngày qua, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng hơn 1,5 triệu ca nhiễm mới, tăng 63% so với tuần trước đó.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 581.061 ca tử vong trong tổng số 32.404.454 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 178.793 ca tử vong trong số 15.057.767 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 373.442 ca tử vong trong số 13.943.071 bệnh nhân.

Xét theo khu vực, châu Âu hiện vẫn là lục địa có số ca nhiễm cao nhất thế giới, với 42.838.075 ca, trong đó có 975.509 bệnh nhân tử vong. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 846.962 bệnh nhân không qua khỏi trên tổng số 37.418.951 ca nhiễm bệnh.

Châu Á hiện có 33.804.901 người đã mắc bệnh, trong đó có 467.566 trường hợp không qua khỏi, trong khi Nam Mỹ ghi nhận 23.406.805 trường hợp nhiễm với 623.435 ca tử vong.

Châu Phi đến nay đã có hơn 4,46 triệu ca nhiễm, trong đó có 118.202 bệnh nhân tử vong, trong khi châu Đại Dương hiện ghi nhận 61.225 người mắc bệnh, với 1.173 ca thiệt mạng.

* Tại Anh, số liệu chính thức được chính phủ công bố cho thấy, nước này ghi nhận thêm 10 ca tử vong trong 24 giờ qua, là mức thấp nhất kể từ ngày 9/9/2020.

Trong khi đó, nước này có thêm 1.882 ca mắc mới, thấp hơn so với con số 2.206 ca mắc một ngày trước. Như vậy đến nay, Anh ghi nhận tổng cộng 4.387.820 ca mắc, trong đó ca 127.270 ca không qua khỏi.

Giới chức y tế Anh đang điều tra về một biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Ấn Độ, tuy nhiên chưa có đủ bằng chứng để nhận định biến thể này nguy hiểm đến đâu.

Giáo sư Susan Hopkins, Giám đốc của Cơ quan Y tế công của Anh (PHE) cho biết như trên, trong cuộc phỏng vấn với kênh BBC ngày 18/4.

Giáo sư Hopkins cho biết: “Chúng tôi hiện chưa có đủ dữ liệu về biến thể này để biết biến thể có đáng lo ngại hay không. Để xác định, chúng tôi phải xem xét mức độ làm tăng lây nhiễm, tăng độ trầm trọng của các triệu chứng cũng như khả năng kháng vaccine. Chúng tôi hiện vẫn đang theo dõi các dữ liệu hằng ngày”.

PHE cho biết, đã ghi nhận 77 ca nhiễm biến thể này tại Anh.

* Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 318 ca và thêm 55.802 ca mắc. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ có tổng cộng 35.926 ca tử vong trong số 4.268.447 ca mắc.

Theo hãng tin Reuters (Anh), quốc gia này hiện đứng thứ 4 trên thế giới về số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua.

* Bộ Y tế Công cộng Cuba công bố thêm 1.037 ca mắc và 13 ca không qua khỏi, là số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Theo bộ này, tổng số ca mắc tại Cuba tăng lên 93.511 ca và tổng số ca tử vong tăng lên 525 ca.

* Ngày 18/4, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong đã ra tuyên bố, sẽ đình chỉ các chuyến bay từ Ấn Độ, Pakistan và Philippines từ ngày 20/4 trong vòng 2 tuần sau khi biến thể N501Y của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 lần đầu tiên được phát hiện tại trung tâm tài chính châu Á.

Chính quyền Hong Kong cho hay, 3 quốc gia nói trên sẽ bị coi là "có nguy cơ cực kỳ cao" sau khi có nhiều ca bệnh "ngoại nhập" mang chủng biến thể nói trên vào Hong Hong trong vòng 14 ngày qua.

Các hãng hàng không bị ảnh hưởng từ lệnh cấm nói trên của Hong Kong, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ như Cathay Pacific, Hong Kong Airlines, Vistara và Cebu Thái Bình Dương.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, Ủy viên châu Âu về thị trường nội khối Thierry Breton để ngỏ khả năng Liên minh châu Âu (EU) có thể quyết định không tiếp tục đặt hàng vaccine của AstraZeneca do việc giao hàng đợt 1 chậm trễ hơn thỏa thuận.

Ban đầu, EU đặt mua 120 liều vaccine AstraZeneca cho 27 nước thành viên trong quý I/2021 và 180 triệu liều trong quý II/2021. Tuy nhiên, đến nay AstraZeneca mới chuyển giao 30 triệu liều, và dự kiến trong quý tiếp theo chỉ có thêm 70 triệu liều.

Ông Breton khẳng định, hiện chưa có gì chắc chắn và EU vẫn đang đàm phán với AstraZeneca. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, dù quyết định thế nào cũng không xuất phát từ lý do y tế hay dịch tễ học, đồng thời khẳng định, vaccine AstraZeneca mang lại nhiều lợi ích hơn là nguy cơ.

Trước đó, ngày 16/4, Bộ trưởng công nghiệp Pháp Agnes Pannier-Runacher cũng đề cập khả năng EU sẽ không gia hạn hợp đồng với AstraZeneca và cả Johnson&Johson trong năm 2022.

Một số nước EU đã ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca do lo ngại nguy cơ xảy ra phản ứng phụ xuất hiện huyết khối. Tuy nhiên, phần lớn các nước đã nối lại chương trình tiêm chủng bằng vaccine AstraZeneca sau khi cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vaccine này.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh CBS News, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, ông "không nghĩ vaccine của Nga là một giải pháp để tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vì sẽ cần thời gian để có sự cho phép” của EU.

Ông Macron lưu ý, Sputnik V vẫn chưa được Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận.

Trước đó, chủ tịch vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur ở Đông Nam nước Pháp Renaud Muselier cho biết, đã đặt hàng trước nửa triệu liều vaccine Sputnik V.

Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu Clément Beaune đã bày tỏ sự không hài lòng về quyết định trên. Theo quan chức này, cần phải chờ quyết định của EMA về vaccine của Nga.

EMA đã bắt đầu xem xét đánh giá Sputnik V từ ngày 4/3. Tuy nhiên, một số quốc gia EU, bao gồm Slovakia và Hungary, đã chấp thuận việc sử dụng vaccine này mà không đợi sự cho phép của EMA. Sputnik V đã được phê duyệt ở 60 quốc gia trên toàn thế giới.

(tổng hợp)