📞

Cập nhật Covid-19 ngày 21/12: Hơn 77,1 triệu ca nhiễm toàn cầu; Mỹ thận trọng, thế giới sốt xình xịch vì biến thể mới của virus ở Anh

Thế Việt 11:02 | 21/12/2020
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận 77.167.679 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.699.498 trường họp tử vong và 54.086.803 bệnh nhân bình phục.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh với 18.267.579 ca nhiễm, trong đó có 324.857ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 10.056.248 ca nhiễm và 145.843 ca tử vong, Brazil với 7.238.600 ca nhiễm và 186.764 ca tử vong.

Xét theo khu vực, châu Âu hiện đang là tâm dịch của thế giới với 21.329.429 ca nhiễm bệnh, trong đó có 492.125 trường hợp tử vong; Bắc Mỹ xếp thứ 2 với 21.010.740 ca nhiễm bệnh, trong đó có 475.835 người không qua khỏi.

Châu Á có số ca nhiễm cao thứ 3 thế giới, 19.782.510 trường hợp, trong đó có 322.437 bệnh nhân tử vong; Nam Mỹ nối tiếp với 12.473.430 ca nhiễm, trong đó có 348.845 bệnh nhân không qua khỏi. Châu Phi và châu Đại Đương ghi nhận lần lượt 2.523.478 và 47.371 ca nhiễm, 59.195 và 1.046 ca tử vong.

* Trong những ngày này, toàn thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào các thông tin liên quan biến thể mới của SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng gốc, được phát hiện lần đầu tiên ở Anh.

Tại Mỹ, ngày 20/12, các quan chức y tế hàng đầu nước này cho biết đang xem xét "rất thận trọng" biến thể mới. Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN, cố vấn khoa học trong Chiến dịch Thần tốc, Tiến sĩ Moncef Slaoui cho biết, các quan chức Mỹ "vẫn chưa biết biến thể trên đã có tại Mỹ hay không".

Theo ông Moncef Slaoui, cho đến nay, dường như chưa có biến thể nào của virus SARS-CoV-2 kháng lại được các loại vaccine hiện có. Ông cũng lưu ý rằng, loại biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Anh rất khó có thể kháng lại khả năng miễn dịch của vaccine.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của hãng tin ABC News khi được hỏi về việc, liệu Mỹ có thể tạm dừng các chuyến bay từ Anh như một số nước châu Âu đang xem xét hay không, Đô đốc Brett Giroir - Trợ lý Bộ trưởng Y tế Mỹ cho rằng, Mỹ chưa cần phải áp dụng biện pháp này.

Thông tin của ông Giroir được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước châu Âu và trên thế giới đã quyết định tạm ngừng hoặc hạn chế hoạt động đi lại với Anh, trong đó có Pháp, Bulgaria, Thụy Điển, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nước ở châu Á, gồm Iran, Kuwait, Saudi Arabia và Israel cũng ra quyết định tương tự.

Đáng chú ý, ngoài Anh, Đan Mạch ghi nhận 9 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Hà Lan đã ghi nhận 1 ca, Italy ghi nhận 2 ca và Australia ghi nhận 1 ca nhiễm biến thể này.

Tuy nhiên, giới chức y tế Đức cho biết các loại vaccine hiện có cũng có hiệu quả phòng ngừa đối với biến thể virus tại Anh.

Trước tình hình này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước ở châu Âu tăng cường các biện pháp đối phó với đại dịch.

* Tại châu Á, Iran đã ghi nhận thêm 6.312 ca nhiễm mới, mức thấp nhất theo ngày kể từ ngày 26/10, theo đó tổng số ca nhiễm tại nước này tăng lên 1.158.384 ca, trong đó có 53.6252 người tử vong.

Theo Thứ trưởng Y tế Alireza Raisi, số ca nhiễm mới tại Iran đã giảm 50% mỗi ngày kể từ khi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn được áp đặt vào ngày 21/11.

Tuy nhiên, giới chức Iran cảnh báo xu hướng đi xuống này có thể bị đảo ngược một cách dễ dàng, đồng thời khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc quá nhiều trong dịp lễ Yalda.

Tại Hàn Quốc, theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KDCA), phát hiện thêm 926 ca Covid-19, trong đó có 892 ca lây nhiễm trong nước và 34 ca từ nước ngoài, nâng tổng số ca nhiễm lên 50.591 ca.

Trong số các trường hợp lây nhiễm tại địa phương, thủ đô Seoul có 327 ca, tiếp theo là tỉnh Gyeonggi, bao quanh Seoul với 237 ca; và thành phố Incheon với 85 ca.

Trong số 34 ca mới được xác nhận từ nước ngoài, 10 ca được phát hiện trong quá trình kiểm dịch tại sân bay hoặc cảng biển, số còn lại được phát hiện trong khi tự cách ly.

KDCA thông báo có thêm 24 người tử vong do dịch bệnh này, nâng tổng số người thiệt mạng do Covid-19 ở Hàn Quốc lên 698 người.

* Liên quan tình hình tiêm vaccine ngừa Covid-19, ngày 20/12, tại Mỹ, Ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị, những người từ 75 tuổi trở lên và một số nhân viên quan trọng ở tuyến đầu nên là những đối tượng được tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 trong giai đoạn 1b của quá trình tiêm chủng.

Mục tiêu của giai đoạn 1b là tiêm chủng cho khoảng 50 triệu người trước cuối tháng 2/2021.

ACIP cũng quyết định, các nhóm cần được ưu tiên tiêm vaccine trong giai đoạn 1c là người lớn từ 65 đến 74 tuổi và những người từ 16 đến 64 tuổi có các bệnh lý nền. Một số đối tượng nằm trong diện ưu tiên tiêm vaccine của giai đoạn này còn bao gồm các nhân viên bưu điện, nhân viên vận chuyển công cộng và nhân viên cung cấp thực phẩm.

Tại Chile, Tổng thống Sebastian Pinera cho biết, nước này có khả năng sẽ bắt đầu tiêm những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên do hãng dược Pfizer sản xuất cho các nhân viên y tế trong tuần tới.

Trước đó vào ngày 16/12, cơ quan quản lý y tế Chile thông báo, đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer sau khi hãng này khẳng định sẽ gửi 20.000 liều đầu tiên tới quốc gia Nam Mỹ trong tháng 12.

Tổng thống Pinera cho hay, Chile sẽ nỗ lực đạt được mục tiêu tiêm chủng cho phần lớn dân số trước khi kết thúc nửa đầu năm 2021, với khoảng 15 triệu dân được chủng ngừa trên tổng số 18 triệu người.

Tại Israel, Văn phòng Tổng thống ngày 20/12 thông báo, Tổng thống Reuven Rivlin đã được tiêm chủng vaccine Covid-19 ngay trong ngày đầu tiên chương trình tiêm chủng chính thức được triển khai tại Israel.

Israel đã ký hợp đồng mua 8 triệu liều vaccine của do 2 hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech phối hợp sản xuất, đồng thời đặt mua thêm vaccine của một số hãng dược phẩm khác.

(tổng hợp)