📞

Cập nhật Covid-19 ngày 2/3: Tình hình 'cực kỳ nghiêm trọng' ở Czech; WHO báo tin buồn và Venezuela triển khai vaccine của Trung Quốc

Thục Anh 11:17 | 02/03/2021
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 115 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 2,55 triệu ca tử vong và hơn 90,7 triệu bệnh nhân bình phục.

* Tại châu Mỹ, Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của dịch Covid-19, tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất, lần lượt ở mức 49.658 ca nhiễm và 1.370 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 29,31 triệu ca.

Ngày 1/3, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky cảnh báo các bang không nên dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19, chỉ ra mối đe dọa của các biến thể và sự sụt giảm chậm lại gần đây trong các trường hợp nhiễm bệnh mới.

Bà Walensky cho biết trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng rằng sự sụt giảm các ca nhiễm mới Covid-19 gần đây tại Mỹ dường như đang chững lại, ở mức hơn 70.000 trường hợp mỗi ngày.

Với những số liệu thống kê mới này, Giám đốc CDC Mỹ lo lắng về các báo cáo rằng nhiều bang đang lùi lại các biện pháp y tế công cộng chính xác mà chính quyền đã khuyến nghị để bảo vệ mọi người khỏi Covid-19.

Brazil tiếp tục chứng kiến dịch bệnh lây lan mạnh với số ca nhiễm mới 38.349 ca và 818 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Ngày 1/3, Bộ Y tế Venezuela ra thông báo về việc cấp phép sử dụng vaccine Sinopharm ngừa Covid-19 của Trung Quốc để đưa vào chương trình tiêm chủng cho toàn dân và đây là loại vaccine thứ hai được phê duyệt tại quốc gia Nam Mỹ, sau vaccine Sputnik V của Nga.

Tổng thống Nicolas Maduro hy vọng với nguồn vaccine nhập từ Nga, Trung Quốc và thông qua cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu, Venezuela sẽ có thể thực hiện thành công chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 cho toàn dân.

Theo thống kê chính thức, đến nay Venezuela đã ghi nhận 139.116 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 1.344 ca tử vong.

Trong khi đó, ngày 1/3, Colombia đã trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Mỹ được tiếp nhận vaccine trong khuôn khổ COVAX. Theo Tổ chức y tế liên Mỹ (PAHO), Colombia đã tiếp nhận 117.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech trong chương trình này.

* Tại châu Âu, trong 24 giờ qua, Italy ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục với 13.114 ca, tiếp sau là Nga (11.571 ca), Tây Ban Nha (6.308 ca), Anh (5.455 ca), Đức (5.200 ca).

Tại Trung và Đông Âu, các nước thuộc khu vực này như Áo, Hungary, Ba Lan, Slovakia, và Czech đang phải đối mặt với làn sóng thứ 3 của đại dịch Covid-19 khi đứng đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiễm và tử vong. Trong bối cảnh này, chính phủ các nước đã đưa ra các biện pháp hạn chế mới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy định y tế và đoàn kết chống dịch bệnh.

Ba Lan đã ghi nhận khoảng 12.000 ca nhiễm trong 2 ngày liên tiếp cuối tháng 2 vừa qua. Trước tình hình này, chính phủ áp dụng các quy định chặt chẽ hơn, bắt buộc đeo khẩu trang tại khu vực công cộng kể từ ngày 27/2, thay vì các lựa chọn thay thế được phép trước đây như đeo khăn quàng cổ và khăn che mặt.

Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski nhận định, tình hình dịch bệnh đặc biệt nghiêm trọng bên ngoài biên giới Ba Lan, đặc biệt là ở phía Nam. Tại Czech và Slovakia, số liệu về dịch bệnh đang cao gấp 3-4 lần so với Ba Lan. Vì vậy, Ba Lan quyết định áp dụng biện pháp cách ly đối với những người đến từ những nước này.

Czech đã ghi nhận trung bình gần 1.000 ca nhiễm mới trên 1 triệu dân mỗi ngày. Thủ tướng Andrej Babis đánh giá tình hình dịch bệnh tại nước này "cực kỳ nghiêm trọng", lưu ý rằng các biện pháp chống dịch hiện có phải được thắt chặt.

Chính phủ Czech tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp mới trong 30 ngày, kể từ ngày 27/2. Hạ viện cũng đã thông qua Luật về đại dịch, cho phép Bộ Y tế và các cơ sở y tế có nhiều lựa chọn hơn trong việc áp đặt các hạn chế.

Tại Áo, chính phủ đã áp đặt 2 đợt phong tỏa liên tiếp để kiềm chế đại dịch, người dân dần mất kiên nhẫn, trong khi thiệt hại về kinh tế và xã hội ngày càng trầm trọng. Dưới áp lực đó, Chính phủ Áo đã thận trọng thực hiện nới lỏng phong tỏa ở một số khu vực, trong khi vẫn duy trì các hạn chế ở những khu vực khác.

Trong khi đó, Hungary tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế hiện tại cho đến ngày 15/3. Các hạn chế bao gồm giới nghiêm từ 8h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau; bắt buộc đeo khẩu trang; đóng cửa các nhà hát, rạp chiếu phim và khách sạn,.. Các nhà hàng chỉ bán hàng qua cửa sổ phục vụ khách mang đi.

Liên quan vấn đề tiêm chủng ngừa Covid-19, Czech đã tiến hành tiêm chủng cho người dân, nhưng số lượng vaccine hiện không đủ đáp ứng nhu cầu. Cho đến nay, chỉ có gần 582.000 liều vaccine đã được tiêm, trong đó có khoảng 221.000 người đã được tiêm mũi thứ hai.

Hungary đầu sử dụng vaccine Sinopharm của Trung Quốc để đối phó với làn sóng đại dịch thứ 3. Tính đến ngày 25/2, hơn 508.000 người đã được tiêm ít nhất một mũi, trong khi khoảng 211.000 người đã được tiêm hai mũi.

Tại Slovakia, trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo EU ngày 25-26/2, Thủ tướng Igor Matovic đã yêu cầu các nước thành viên khác hỗ trợ vaccine cũng như nhân viên y tế cho Slovakia. Ngày 28/2, Chính phủ Slovakia đã thông qua các biện pháp hạn chế mới đến ngày 21/3 nhằm kiềm chế sự lây lan của Covid-19.

* Tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận thêm 10.930 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 11,12 triệu ca, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ.

Papue New Ghuine đang trở thành điểm nóng dịch bệnh tại châu Đại Dương, khi số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 90 ca trong tổng số 97 ca toàn châu lục. 7 ca còn lại gồm 5 ca tại Australia và 2 ca tại New Zealand.

* Tại châu Phi, trong phiên khai mạc Diễn đàn Aswan về Hòa bình và Phát triển bền vững lần thứ hai được tổ chức ngày 1/3 bằng hình thức trực tuyến và có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo châu lục, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi khẳng định các hậu quả của đại dịch Covid-19 không thể ngăn cản lộ trình nghị sự của Liên minh châu Phi (AU).

Ông El-Sisi cũng nhắc lại mong muốn của châu Phi đối với cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 trên toàn thế giới một cách công bằng, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo châu lục thống nhất nỗ lực chung nhằm ngăn chặn hoặc giải quyết những cuộc xung đột ở châu Phi và nâng cao năng lực đối phó với các mối đe dọa đang diễn ra.

* Trong cuộc họp báo ngày 1/3 tại trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sỹ, Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cảnh báo đại dịch chưa thể kết thúc vào cuối năm 2021.

Ông Ryan cho rằng nhận định lạc quan nhất lúc này là thế giới có thể khống chế đại dịch, và bằng việc giảm số bệnh nhân Covid-19 nhập viện điều trị và tử vong để giảm thiểu những tác động của cuộc khủng hoảng y tế này.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại về sự gia tăng số ca nhiễm mới tại châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á và khu vực Địa Trung Hải.

(tổng hợp)