Cập nhật Covid-19 ngày 23/3: Vaccine AstraZeneca đạt hiệu quả 79%; Đức nợ nần chồng chất vì Covid-19; Tổng thống Hàn Quốc tiêm vaccine trước thềm G7 |
Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới 30,57 triệu ca, tiếp sau là Brazil 12,05 triệu ca và Ấn Độ 11,68 triệu ca.
Ngày 22/3, AstraZeneca thông báo vaccine của công ty này có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa Covid-19 trong thử nghiệm giai đoạn 3 ở Mỹ mà không phát hiện mối lo ngại nào về vấn đề an toàn.
AstraZeneca cho biết vaccine, được phát triển với sự phối hợp của Đại học Oxford, cũng được chứng minh là có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng lên và bệnh nhân phải nhập viện. AstraZeneca dự kiến sẽ trình kết quả này lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Trước đó, AstraZeneca đã tiêm vaccine cho 32.449 tình nguyện viên, trong đó có 141 trường hợp có triệu chứng Covid-19. Tất cả những người này đều được tiêm 2 liều cách nhau 4 tuần hoặc nhiều hơn 4 tuần và đều chứng minh là tăng tỷ lệ hiệu quả.
* Tại châu Âu, trong 24 giờ qua, Pháp, Ba Lan và Italy là 3 nước có số nhiễm mới cao nhất châu lục, lần lượt ở mức 15.792 ca, 14.578 ca và 13.846 ca.
Ngày 22/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang đã nhất trí kéo dài các biện pháp phong tỏa hiện nay cho tới ngày 18/4 tới.
Tính tới tối 22/3, trên cả nước Đức đã có 10/16 bang có chỉ số vượt trên 100, đặc biệt bang Thüringen có chỉ số lên tới 209,7. Hiện chỉ số trung bình trong 7 ngày ở Đức là 107,3, mức cao nhất kể từ ngày 26/1.
Đại dịch Covid-19 kéo dài đang khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu đội thêm các khoản nợ mới. Tính tổng từ năm 2020 đến 2022, núi nợ liên bang sẽ tăng khoảng 450 tỷ Euro do hậu quả của đại dịch Covid-19.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Czech Jan Blatný cho biết Chính phủ nước này sẽ kiến nghị Hạ viện gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày sau khi hết hiệu lực vào ngày 28/3 tới nhằm duy trì các biện pháp hạn chế ứng phó với dịch Covid-19 cho tới khi dịch bệnh giảm.
* Tại khu vực Nam Mỹ, số ca nhiễm mới tại Brazil cao gấp 9 đến 10 lần so với các nước trong khu vực.
Đáng lo ngại, Bộ Y tế Uruguay xác nhận tại nước này đã xuất hiện 2 biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Brazil, trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng Y tế Urugay Daniel Salinas cho biết, theo báo cáo của nhóm công tác đa ngành giám sát dịch Covid-19, các chuyên gia y tế nước này đã tiến hành phân tích 175 mẫu xét nghiệm được đưa về từ nhiều nơi trên cả nước và phát hiện trong 24 mẫu có biến thể P1 và 4 mẫu có biến thể P2 đều có nguồn gốc từ Brazil.
Việc phát hiện những biến thể mới được cho là có khả năng lây lan nguy hiểm hơn chủng virus gốc khiến Tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận các phương án đối phó. Các chuyên gia cho rằng việc các biến thể này xuất hiện trong cộng đồng khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Uruguay là một trong số ít nước Mỹ Latinh kiểm soát khá tốt dịch Covid-19, theo đó đến nay nước này mới chỉ ghi nhận 81.537 ca mắc bệnh, trong đó 792 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, trong những tuần qua số ca nhiễm mới tăng mạnh - chỉ trong hơn một tuần đã phát hiện hơn 13.000 trường hợp.
* Tại châu Phi, dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh tại Ethiopia và Kenya. Trong 24 giờ qua, 2 nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực, với 1.537 ca nhiễm mới tại Ethiopia và 1.130 ca nhiễm mới tại Kenya. Tổng số ca nhiễm tại châu Phi hiện đã lên tới 4,14 triệu ca, trong đó Nam Phi chịu ảnh hưởng nhất của dịch Covid-19 với tổng số 1,53 triệu ca nhiễm.
Nam Phi đang đứng trước nguy cơ đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 thứ 3, trong mùa Đông bắt đầu từ tháng 6 tới với số ca nhiễm và tử vong không kém làn sóng thứ hai diễn ra từ tháng 11/2020 đến 2/2021.
* Tại châu Á, ngoài điểm nóng dịch bệnh là Ấn Độ, nhiều nước tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca nhiễm tại châu Á đã lên tới 27,08 triệu ca.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 23/3 đã được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của hãng AstraZeneca trong bối cảnh ông chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ diễn ra tại Anh vào tháng 6 tới.
* Cùng ngày, công ty SaNOtize cho biết Israel và New Zealand vừa tạm thời cấp phép cho hãng dược này bán sản phẩm Oxide Nitric xịt mũi (NONS) có tác dụng ngăn ngừa sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Tại New Zealand, Cơ quan y tế và an toàn dược phẩm New Zealand cũng đã cấp phép lưu hành sản phẩm NONS dạng xịt của SaNOtize tại thị trường nước này. NONS có tác dụng ngăn ngừa virus thâm nhập cơ thể người thông qua đường hô hấp bằng mũi.
Tuần trước, hãng SaNOtize cùng bệnh viện Ashford và St Peter NHS Foundation Trust ở hạt Surrey (Anh) đã thông báo kết quả thử nghiệm cho thấy NONS có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngắn hạn và giảm các triệu chứng nặng ở những người đã nhiễm virus này.
* Trong cuộc họp báo ngày 22/3, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết khác biệt về lượng vaccine ngừa Covid-19 tiêm chủng tại các nước giàu và nghèo gia tăng từng ngày và ngày càng trở nên phi lý khi nhiều nước giàu tiêm vaccine cho những người trẻ tuổi ít nguy cơ mắc biến chứng nặng, trong khi nhiều người dễ bị tổn thương ở các nước nghèo không có vaccine để tiêm chủng.
Người đứng đầu WHO cho đây là sự bất công cần giải quyết quyết để đảm bảo phân phối vaccine được đồng đều trên toàn thế giới.