📞

Cập nhật Covid-19 ngày 24/8: Ấn Độ cảnh giác làn sóng thứ 3; Mỹ cấp phép đầy đủ vaccine đầu tiên, sắp công bố đánh giá về nguồn gốc virus

Việt Hà 11:47 | 24/08/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 213,3 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4,45 triệu trường hợp tử vong và hơn 190,87 triệu bệnh nhân bình phục.

Tình hình dịch Covid-19

* Châu Mỹ hiện ghi nhận hơn 46,5 triệu ca nhiễm, 976.371 trường hợp tử vong ở Bắc Mỹ, trong khi tại Nam Mỹ xác nhận lần lượt là hơn 36,6 triệu ca mắc bệnh và 1.121.859 người không qua khỏi.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh với hơn 38,76 triệu ca nhiễm, trong đó 645.937 ca tử vong. Hiện số ca nhiễm biến thể Delta chiếm đến 98,8% số ca bệnh tại Mỹ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, số ca nhiễm mới, số người phải nhập viện và tử vong tiếp tục tăng lên do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh gây ra.

Số ca nhiễm mới trung bình trong vòng 7 ngày tính đến ngày 17/8 tại Mỹ là 133.056 ca/ngày, tăng 14% so với tuần trước đó (với 116.740 ca/ngày). Số ca phải nhập viện trong cùng thời gian này cũng tăng 14,2%. Trong khi đó, số người không qua khỏi cũng tăng 10,8%.

Chính phủ Peru quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia để ứng phó với đại dịch Covid-19 cho đến hết tháng 9 tới. Đến nay, Peru đã ghi nhận hơn 2,14 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 198.000 trường hợp tử vong.

* Châu Á hiện ghi nhận hơn 68 triệu người mắc bệnh, trong đó có 1.002.189 ca tử vong và 63.367.286 bệnh nhân bình phục.

Ấn Độ đứng đầu châu lục và thứ 2 thế giới về số ca mắc bệnh, với hơn 32,46 triệu trường hợp, trong đó 435.050 ca tử vong.

Giới nghiên cứu y khoa Ấn Độ đã đưa ra dự báo về làn sóng dịch bệnh thứ 3 ở nước này khi cho rằng, một làn sóng Covid-19 thứ ba có thể đạt đỉnh điểm vào tháng 11 tới nếu một biến thể mới nguy hiểm hơn biến thể Delta xuất hiện và lây lan vào cuối tháng 9.

Đồng thời, trong làn sóng thứ ba này, số lượng ca nhiễm mới có thể không tăng cao như làn sóng thứ hai và nhiều khả năng diễn biến tương tự làn sóng đầu tiên.

Khu vực Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng dịch Covid-19. Ngày 23/8, Bộ Y tế Lào ghi nhận 152 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 65 ca cộng đồng. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 12.621 ca mắc Covid-19, trong đó có 11 ca tử vong.

Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 16 ca tử vong và 410 ca mắc Covid-19, trong đó có 278 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 89.641 ca mắc Covid-19, trong đó 85.618 người đã hồi phục và 1.808 trường hợp tử vong.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có xu hướng dịu bớt, Bộ Du lịch Campuchia dự kiến mở cửa trở lại ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Thái Lan cùng ngày ghi nhận thêm 17.491 ca mắc mới Covid-19 và 242 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay lên lần lượt là 1.066.786 ca và 9.562 ca.

Thái Lan đang lên kế hoạch tiến hành xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng đối với hơn 200.000 người tại tất cả các chợ dân sinh ở 29 tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm. Vùng này nằm trong diện kiểm soát nghiêm ngặt và tối đa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tại Indonesia, trong 24 giờ qua ghi nhận số ca mắc và tử vong mới giảm mạnh so với những ngày trước đó, với lần lượt 9.604 ca và 842 ca. Trước đó, số ca nhiễm bệnh theo ngày ở Indonesia luôn ở mức 5 chữ số, trong khi số ca tử vong luôn trên 1.000 trường hợp.

Chính phủ nước này có kế hoạch đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 và chuẩn bị các khu cách ly tập trung đặc biệt cho phụ nữ mang thai.

* Ở châu Âu đến nay có hơn 54,3 triệu người mắc Covid-19, trong đó có 1.161.202 ca tử vong và hơn 49.3 triệu người khỏi bệnh.

Kể từ ngày 23/8, chính quyền nhiều bang ở Đức bắt đầu áp dụng quy tắc 3G (viết tắt của 3 chữ: đã tiêm phòng, đã khỏi bệnh và đã xét nghiệm) để những người thuộc diện 3G có thể dễ dàng tham gia vào cuộc sống bình thường.

Đức hiện ghi nhận 3,873 triệu ca nhiễm, trong đó 91.979 ca tử vong.

Trong khi đó, chính phủ liên bang Đức cho biết sẽ hỗ trợ các bang 200 triệu Euro để trang bị hệ thống lọc không khí cơ động trong trường học và nhà trẻ.

Vaccine và tiêm chủng

Ngày 23/8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép đầy đủ cho vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech, quyết định được chờ đợi nhằm đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ở Mỹ.

Đây cũng là loại vaccine Covid-19 đầu tiên được FDA cấp phép đầy đủ trong bối cảnh các vaccine khác đến nay đều mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Sau khi FDA cấp phép đầy đủ cho vaccine của Pfizer/BioNTech, số người tiêm chủng ở Mỹ dự đoán sẽ tăng lên đáng kể.

Ngay sau động thái của FDA, Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc những người chưa tiêm vaccine Covid-19 nên đi tiêm phòng ngay lập tức. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân yêu cầu nhân viên tiêm vaccine Covid-19.

Tại Anh, cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid thông báo, nước này sẽ nhận thêm 35 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech vào nửa cuối năm 2022.

Đến nay, chính phủ Anh chưa quyết định triển khai tiêm mũi thứ ba vaccine ngừa Covid-19, song khả năng bắt đầu chương trình tiêm mũi tăng cường vào đầu tháng 9 tới cùng với tiêm vaccine ngừa bệnh cúm.

Trước đó, Anh đã mua 100 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech. Vaccine này được sử dụng nhiều thứ hai tại Anh sau vaccine của hãng AstraZeneca.

Trong khi đó, tại Ai Cập, Bộ trưởng Y tế Hala Zayed cho biết, nước này dự kiến mỗi tháng sản xuất khoảng 15-18,5 triệu liều vaccine do hãng Sinovac của Trung Quốc bào chế nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước và tại các quốc gia châu Phi.

Tại Palestine, chính quyền quyết định tiêm liều vaccine thứ 3 ngừa Covid-19 cho một số nhóm đối tượng như nhân viên y tế, người có bệnh nền và người cao tuổi.

Liên quan nguồn gốc Covid-19, ngày 23/8, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, việc đánh giá theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ hoàn thành đúng thời hạn vào ngày 24/8, tuy nhiên sẽ mất vài ngày để tổng hợp thành một bản có thể thông báo công khai.

Trước đó, vào tháng 5/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu các trợ lý xác định nguồn gốc của virus gây ra đại dịch Covid-19 và đặt ra thời hạn 90 ngày để hoàn tất báo cáo trong bối cảnh các cơ quan tình báo Mỹ đang xác định nhiều giả thuyết, trong đó có khả năng đó là một sự cố trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.