Ngày 2/8, Mỹ đã đạt mục tiêu tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 cho 70% dân số. (Nguồn: Reuters) |
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm 471.507 ca mắc mới và 7.589 ca tử vong.
* Tính theo quốc gia, Mỹ đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong khi ghi nhận lần lượt 35.892.507 ca và 629.853 ca.
Ngày 2/8, Mỹ đã đạt mục tiêu tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho 70% dân số, muộn hơn gần một tháng so với mục tiêu ban đầu mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đề ra là vào ngày 4/7.
Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tốc độ tiêm chủng trên toàn nước Mỹ đã được cải thiện và tăng đều đặn suốt 3 tuần qua, trung bình đạt hơn 650.000 liều trong 7 ngày, tăng 26% so với 3 tuần trước.
Các chuyên gia về dịch bệnh dự đoán sẽ có khoảng 140.000 đến 300.000 ca mắc mới mỗi ngày ở Mỹ trong tháng 8 do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta và việc khôi phục các hoạt động xã hội trên diện rộng.
Cùng ngày, Mỹ đã bổ sung 16 quốc gia và vùng lãnh thổ vào mức nguy cơ "rất cao", bao gồm Andorra, Curaçao, Gibraltar, Hy Lạp, Guadeloupe, Iran, Ireland, Đảo Man, Kazakhstan, Lesotho, Libya, Malta, Martinique, Saint Barthelemy, Saint Martin và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ.
* Tính theo khu vực, châu Á hiện là nơi có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, với 62.520.560 ca mắc và 904.993 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, châu lục này cũng ghi nhận 239.730 ca mắc mới và 4.115 ca tử vong.
Ngày 2/8, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chỉ đạo cần phải đảm bảo giường bệnh đủ để điều trị cho những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy cơ cao, các bệnh nhân còn lại về cơ bản sẽ điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, cần thiết lập một hệ thống y tế hiệu quả cho phép những người mắc bệnh nhẹ điều trị tại nhà khi chuyển biến xấu phải được nhập viện ngay lập tức.
Liên quan đến các biện pháp chống dịch, ngày 3/8, Nhật Bản đã lần đầu tiên công bố danh tính các cá nhân vi phạm quy định cách ly sau khi nhập cảnh.
Trong một diễn biến khác, kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy tại thời điểm hiện nay, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có khả năng gây bệnh cao hơn so với các biến thể khác.
Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm và phát hiện hợp bào được hình thành do nhiễm phải biến thể Delta nhiều gấp 2,7 lần so với các biến thể khác.
Họ cũng chỉ ra số lượng hợp bào mà virus tạo ra càng lớn, khả năng lây nhiễm của nó càng cao.
Cùng ngày, Hàn Quốc thông báo phát hiện 2 bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến thể Delta Plus có khả năng lây nhiễm cao.
Đây là lần đầu tiên nước này ghi nhận sự xuất hiện của Delta Plus, vốn là một dòng phụ của biến thể Delta.
Ngày 3/8, Hàn Quốc có thêm 1.202 ca, trong đó có 1.152 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 201.203 ca.
Chính phủ Hàn Quốc hiện đang thực hiện biện pháp giãn cách xã hội với cấp độ cao nhất (Cấp độ 4) ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận trong khi áp dụng Cấp độ 3 ở các tỉnh thành phố còn lại trên cả nước, kéo dài đến hết ngày 8/8 tới.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM-54), Indonesia đã đề nghị các nước thành viên chia sẻ vaccine để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại khu vực Đông Nam Á.
Ngày 3/8, giới chức thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, cho biết họ sẽ xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ người dân sau khi thành phố miền Trung nước này ghi nhận các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên kể từ hơn 1 năm trước.
Vũ Hán được coi là nơi khởi phát đại dịch Covid-19 toàn cầu.
* Châu Âu là khu vực có số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, nhưng lại là khu vực đứng đầu thế giới về số ca tử vong với gần 1,2 triệu ca.
Nga là nước có số ca nhiễm cao nhất tại khu vực này với 6.312.185 ca, trong đó có 160.137 ca tử vong.
Trong bối cảnh biến thể Delta lây lan đe dọa cả những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, chính phủ một số nước đã cân nhắc đến việc tiêm mũi vaccine tăng cường.
Bộ trưởng Y tế liên bang và các bang của Đức đã ra khuyến nghị tiêm chủng nhắc lại cho nhóm dễ bị tổn thương từ tháng 9 tới.
Vaccine của BioNtech/Pfizer hoặc Moderna nên được tiêm nhắc lại cho những người dễ bị tổn thương ít nhất 6 tháng sau loạt tiêm chủng đầu tiên.
Các trường hợp chưa được tiêm vaccine mRNA cũng có thể được tiêm vaccine công nghệ này từ tháng 9 tới, không phân biệt độ tuổi hay độ nhạy cảm.
Do số ca nhiễm mới gia tăng, một loạt vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp đã tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.
Ngày 2/8, vùng lãnh thổ Guadeloupe thông báo áp đặt trở lại lệnh phong tỏa trong ít nhất 3 tuần kể từ tối 4/8.
Trước đó, Martinique, một lãnh thổ hải ngoại khác của Pháp tại vùng Caribbean, cũng có động thái tương tự nhằm khống chế dịch lan mạnh.
Đảo Reunion thuộc Pháp cũng đã áp dụng lệnh phong tỏa một phần kéo dài trong 2 tuần với lệnh giới nghiêm từ 18h đến 5h.
Cho tới nay, gần 53% dân số Pháp đã tiêm vaccine phòng Covid-19, song tỷ lệ này tại các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp tương đối thấp.
* Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi cho biết tính đến chiều ngày 2/8, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 6.755.192 trường hợp mắc Covid-19 và 171.187 ca tử vong.
Hiện tại, 5.912.335 người mắc bệnh trên châu lục này đã được điều trị khỏi bệnh.
Nam Phi là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất tính theo số ca mắc bệnh, tiếp theo là Bắc Phi và Đông Phi, trong khi Trung Phi bị ảnh hưởng ít nhất trên lục địa này.
Ngày 2/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Tunisia, quốc gia thuộc nhóm có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, có thể đã qua đỉnh dịch trong làn sóng lây nhiễm mới nhất, song khuyến cáo chính phủ nước này vẫn cần phải tăng tốc chương trình tiêm chủng.
Trong 10 ngày qua, Tunisia đã nhận được khoảng 7 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 và có thể sẽ sớm nhận được thêm 2 hoặc 3 triệu liều nữa.
Ngày 3/8, Tunisia bắt đầu chiến dịch tiêm phòng lưu động tại nhiều khu vực, mở rộng đối tượng tiêm phòng đến độ tuổi trên 40.