📞

Cập nhật Covid-19 ngày 7/6: Ba quốc gia ASEAN trong 'top 10' nước có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới; Mỹ hứa 'không để Đài Loan đơn độc'

Thế Việt 11:43 | 07/06/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 174 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 3,744 triệu trường hợp tử vong và khoảng 157 triệu bệnh nhân bình phục.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 327.663 ca nhiễm Covid-19 mới, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (101.232 ca), Brazil (39.637 ca), Colombia (24.050 ca), Argentina (16.415 ca), Nga (9.163 ca), Chile (7.690 ca).

Mỹ, quốc gia có số ca tử vong và nhiễm bệnh lớn nhất thế giới, trong 24 giờ qua ghi nhận 6.408 ca nhiễm mới, là ngày có số ca mắc bệnh thấp nhất trong hơn 1 năm qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 34,21 ca, trong đó có 612.366 ca tử vong.

Trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã giảm 16%, trong đó châu Á giảm 25%, Bắc Mỹ giảm 23%, châu Âu giảm 14%, châu Đại Dương giảm 10%. Trong khi đó, châu Phi và Nam Mỹ là 2 khu vực duy nhất ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lần lượt ở con số 15% và 4%.

* Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh ở châu Á đã giảm 25%, tuy nhiên, bên cạnh Ấn Độ, một số quốc gia trong châu lục vẫn đang trong tình trạng báo động.

Trong 24 giờ qua, 3 quốc gia Đông Nam Á rơi vào "top 10" nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, gồm Philippines ở hạng 7 (7.228 ca mới); Malaysia hạng 9 (6.241 ca mới) và Indonesia "chốt top" (5.832 ca mới).

Ba nước này cũng là các quốc gia có số ca mắc bệnh cao nhất khu vực Đông Nam Á, với lần lượt 1.269.478; 616.815 và 1.856.038 trường hợp.

Tại Campuchia, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với 11 ca tử vong. Tính đến chiều 6/6, Campuchia có thêm 631 ca nhiễm mới Covid-19 và 1.069 trường hợp bình phục. Tổng số bệnh nhân Covid-19 trên cả nước là 34.244 người, trong đó 263 trường hợp đã tử vong.

Ngày 6/6, phát biểu trong chặng dừng chân ngắn tại Đài Loan (Trung Quốc), Thượng nghị sĩ Mỹ Tammy Duckworth khẳng định, Washington sẽ không để Đài Bắc phải đơn độc và sẽ giúp đỡ người dân Đài Loan vượt qua đại dịch Covid-19, trong bối cảnh vùng lãnh thổ này đang đối mặt với tình trạng dịch Covid-19 trở nên phức tạp, sau thời gian kiểm soát dịch khá tốt.

Bà Duckworth thông báo, Washington sẽ gửi tặng Đài Bắc 750.000 liều vaccine ngừa Covid-19, trong một phần của kế hoạch chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vaccine trên toàn cầu. Lô vaccine chuyển tới vùng lãnh thổ này sẽ nằm trong số 25 triệu liều vaccine đầu tiên của Mỹ.

* Ở Trung Đông, ngày 6/6, Bộ trưởng Y tế Israel Yuli Edelstein thông báo có thể bãi bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín nơi công cộng kể từ ngày 15/6 do tỷ lệ ca lây nhiễm SARS-CoV-2 đã giảm xuống rất thấp.

Bộ trưởng Yuli Edelstein đánh giá, dịch Covid-19 tại Israel đã giảm nhanh trong những tuần gần đây nhờ hiệu quả của chiến dịch tiêm phòng vaccine. Tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 thông qua xét nghiệm đã giảm xuống 0,1%, so với 10% trước đây. Tính trong cả tuần qua, Israel chỉ có thêm 111 ca mắc mới.

Cùng ngày, Israel bắt đầu thực hiện tiêm phòng dịch Covid-19 cho trẻ em 12-15 tuổi, sau khi có nghiên cứu cho thấy tính an toàn của vaccine đối với nhóm đối tượng này.

Đến nay Israel đã tiêm phòng vaccine Covid-19 cho khoảng 5,45 triệu người, trong đó 5,14 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi, đạt trên 70% các đối tượng đủ tiêu chuẩn. Tuần trước, nước này đã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp giãn cách xã hội sau hơn 1 năm áp dụng.

Hiện tại chỉ còn một vài quy định chống Covid-19 còn hiệu lực, như đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín và cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh.

Tuy nhiên, Bộ Y tế Israel vẫn đưa ra cảnh báo hạn chế đi lại tới Namibia do lo ngại về tình hình dịch bệnh tại quốc gia châu Phi này.

Ngoài Namibia, Israel vẫn đang duy trì cảnh báo đi lại tới 10 nước khác gồm Seychelles, Uruguay, Bolivia, Maldives, Nepal, Paraguay, Chile, Colombia, Costa Rica và Tunisia.

Bộ Y tế Israel cho biết, nếu tình hình dịch bệnh tại Namibia tiếp tục chuyển biến xấu, Israel có thể đưa nước này vào danh sách các nước cấm nhập cảnh hiện nay gồm Ukraine, Argentina, Ethiopia, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

* Tại châu Phi, ngày 6/6, Morocco đã quyết định nối lại các chuyến bay đến và đi từ Vương quốc này kể từ ngày 15/6 tới. Bộ Ngoại giao Morocco cho biết, các chuyến bay sẽ được thực hiện theo sự cho phép đặc biệt, do không phận vẫn bị đóng.

Các quốc gia được phân thành 2 danh sách theo khuyến nghị của Bộ Y tế dựa trên cơ sở dữ liệu dịch tễ học chính thức do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hoặc các quốc gia này tự công bố thông qua các trang web chính thức của họ.

Trong đó, danh sách A, bao gồm tất cả các quốc gia có các chỉ số tích cực liên quan đến việc kiểm soát tình hình dịch tễ học, đặc biệt là sự lây lan của các biến thể mới của virus.

Các hành khách từ các quốc gia này - cho dù họ là công dân Morocco hoặc người nước ngoài - đều có thể nhập cảnh nếu có giấy chứng nhận đã tiêm phòng và hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện nhất 48 giờ trước khi nhập cảnh.

Danh sách B là các nước nằm ngoài danh sách A và đang ghi nhận một loạt các biến thể hoặc không có số liệu thống kê chính xác về dịch tễ học.

Hành khách đến từ các quốc gia trong danh sách này phải có giấy phép đặc biệt trước khi nhập cảnh, xuất trình xét nghiệm PCR âm tính dưới 48 giờ trước khi nhập cảnh, sau đó thực hiện cách ly y tế 10 ngày.

Danh sách A và B sẽ được công bố thường xuyên trên trang điện tử của các Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Bộ Du lịch của Morocco.

* Liên quan chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, 100 cựu tổng thống, cựu thủ tướng và cựu ngoại trưởng đã đề nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chi trả cho chiến dịch này trên toàn cầu để hỗ trợ nỗ lực ngăn chặn virus SARS-CoV-2 biến đổi và quay trở lại là một mối đe dọa đối với toàn thế giới.

Trong bức thư gửi G7, các cựu lãnh đạo thế giới cho rằng, hợp tác toàn cầu đã thất bại trong năm 2020, song năm 2021 có thể mở ra một kỷ nguyên mới.

Bức thư viết: “Sự ủng hộ từ G7 và G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới ) nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhanh chóng tiếp cận với vaccine không phải là một hành động từ thiện, mà là lợi ích chiến lược của mọi quốc gia”.

Bức thư dẫn lời cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown nhấn mạnh: “Đối với G7, chi trả không phải là từ thiện, đó là hành động tự bảo vệ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, biến đổi và quay trở lại đe dọa chúng ta”.

Theo các cựu lãnh đạo, G7 và các nhà lãnh đạo khác được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh, bắt đầu diễn ra ở Anh từ ngày 11/6, nên đảm bảo chi trả số tiền trị giá khoảng 30 tỷ USD/năm trong 2 năm cho cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu Covid-19.

Trong số các cựu lãnh đạo ký vào bức thư gửi G7 có 2 cựu Thủ tướng Anh là ông Brown và ông Tony Blair, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban-Ki Moon và 15 cựu lãnh đạo châu Phi.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.

2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19.

4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19!

(tổng hợp)