Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn cầu trong 24 giờ qua là 338.779 trường hợp, mức tăng kỷ lục trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm nay. Theo Reuters, kỷ lục WHO ghi nhận gần đây nhất là vào ngày 2/10, khi số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ là 330.340 người. Kỷ lục về số trường hợp tử vong trong một ngày là 12.393 người hôm 17/4.
* Tại Bắc Mỹ, đến nay ghi nhận 9.396.707 ca nhiễm Covid-19 với 323.805 trường hợp tử vong.
Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 7.831.491 ca nhiễm và 217.661 ca tử vong.
Kết quả khảo sát ý kiến các chuyên gia kinh tế mới nhất do tờ Wall Street Journal công bố ngày 8/10 cho thấy thị trường lao động Mỹ sẽ không thể phục hồi hoàn toàn trước năm 2023 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành và triển vọng về việc chính phủ Mỹ đưa ra thêm gói cứu trợ khác không chắc chắn.
Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tháng 9 vừa qua nước Mỹ giảm gần 11 triệu việc làm so với hồi tháng 2. Gần 4 triệu việc làm trong lĩnh vực giải trí, khách sạn bị biến mất ngay khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Các chuyên gia kinh tế cho rằng tình hình phục hồi ngành du lịch, khách sạn sẽ chậm hơn so với dự báo trước đó bởi tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tăng.
* Nam Mỹ ghi nhận 8.518.766 người mắc bệnh với 267.721 ca tử vong.
Brazil có số ca mắc nhiều thứ ba thế giới và nhiều nhất Nam Mỹ, với 5.029.539 ca mắc trong đó 149.034 ca tử vong.
Thông báo của Bộ Y tế Brazil khẳng định, mặc dù số lượng ca nhiễm mới theo ngày đã giảm nhiều so với giai đoạn đỉnh dịch được ghi nhận hồi tháng 7 song con số trên vẫn rất đáng lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh người dân tỏ ra khá chủ quan khi thực hiện các khuyến cáo giãn cách và nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 2 hoàn toàn có thể xảy ra nếu các hoạt động trở lại trạng thái bình thường quá sớm.
* Khu vực châu Á đến nay ghi nhận 11.516.542 ca nhiễm bệnh, trong đó có 208.366 ca tử vong.
Ấn Độ có số ca mắc nhiều thứ hai thế giới và nhiều nhất châu Á, với 6.903.812 ca và 106.521 ca tử vong.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập), và không có thêm ca tử vong nào do Covid-19. Như vậy nước này đã 53 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.500 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.666 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 69 ca mắc mới, trong đó có 60 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 24.422 ca, trong đó có 427 trường hợp tử vong và 22.463 người đã hồi phục (91,9%).
Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tại Hàn Quốc đã giảm xuống mức 2 con số, Các cơ quan y tế lo ngại rằng những bệnh nhân không có triệu chứng có thể đã lây lan virus trong kì nghỉ Trung thu, theo Yonhap.
Nhật Bản hiện đã ghi nhận 87.020 ca nhiễm, trong đó có 1.613 người tử vong và 80.227 người hồi phục. Số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang giảm.
Indonesia tiếp tục đứng đầu các nước Đông Nam Á về số ca mắc hàng ngày. Nước này đã ghi nhận thêm 4.850 ca mắc Covid-19 và 108 trường hợp tử vong. Hiện tổng số người mắc bệnh và tử vong do Covid-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lần lượt là 320.564 và 11.580. Indonesia cũng là quốc gia có số người tử vong do mắc Covid-19 cao nhất Đông Nam Á.
Đứng thứ hai ASEAN về số ca mắc mới ngày 8/10 là Philippines. Bộ Y tế Philippines cho biết nước này đã ghi nhận thêm 2.363 ca mắc mới và 144 trường hợp tử vong. Đây là ngày ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao nhất tại Philippines trong hơn 3 tuần qua. Tính đến nay, đã có 331.869 người nhiễm bệnh tại Philippines, trong đó có 6.069 trường hợp tử vong. Philippines hiện là nước có số ca nhiễm cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Đứng thứ ba là Myanmar với 1.012 ca mắc và 25 ca tử vong mới ghi nhận trong ngày 8/10. Tổng số ca mắc ở Myanmar từ đầu dịch là 22.445 ca, trong đó 535 ca tử vong. Theo Bộ Y tế Myanmar, 6.366 bệnh nhân đã xuất viện. Nước này đã thực hiện 367.539 xét nghiệm Covid-19. Myanmar ghi nhận hai ca dương tính với Covid-19 đầu tiên từ ngày 23/3.
Tại Malaysia, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng dần trong những ngày gần đây. Nước này có thêm 357 ca mắc trong ngày 8/10, trong đó 5 ca tử vong. Khoảng 72% ca mắc mới ngày 8/10 là ở Sabah (271 ca). Trong số các ca mới, 303 ca lây nhiễm cộng đồng.
Tại Campuchia, Bộ Y tế Campuchia sáng 8/10 ra thông cáo xác nhận thêm một trường hợp nhập cảnh mắc Covid-19. Trường hợp này là một nam giới người Indonesia, 26 tuổi, từ Indonesia qua Singapore vào Campuchia ngày 6/10 vừa qua trên chuyến bay có tổng cộng 113 hành khách. Như vậy tính đến hết ngày 8/10, Campuchia ghi nhận có tổng cộng 281 ca mắc Covid-19, trong đó 276 người đã hồi phục, không có người tử vong và không có dấu hiệu lây nhiễm cộng đồng.
Tại Việt Nam, bản tin sáng ngày 98/10, của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết không có thêm ca mắc Covid-19 mới. Đến nay đã 37 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Tổng cộng Việt Nam có 1.100 bệnh nhân, 1.023 bệnh nhân đã được chữa khỏi.
* Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang nóng lên ở châu Âu và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đến nay, châu Âu ghi nhận 5.730.628 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 228.556 trường hợp tử vong.
Nga có số ca mắc nhiều thứ tư thế giới và nhiều nhất châu Âu, với 1.260.112 ca nhiễm và 22.056 ca tử vong.
Tại châu Âu, Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức đã đưa thủ đô Berlin vào danh sách khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm dịch Covid-19. Thông báo của chính quyền Berlin cho biết tỷ lệ mắc Covid-19 mới tại thủ đô trong một tuần qua đã tăng lên mức 52,8 ca trên 100.000 dân, cao hơn mức giới hạn 50 ca/100.000 dân/tuần. Trước tình hình số ca nhiễm mới tăng cao trong nhiều ngày liên tiếp, từ hôm 6/10, chính quyền thành phố Berlin đã quyết định siết chặt các quy định về phòng chống dịch, trong đó có việc áp đặt lệnh giới nghiêm và hạn chế tụ tập xã hội.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran thông báo, các thành phố Lyon, Lille, Grenoble và Saint-Etienne sẽ bắt đầu áp mức cảnh báo tối đa kể từ ngày 10/10, mở đường cho việc áp dụng các biện pháp giới hạn mới nhằm ngăn chặn virus lây lan.
Theo Guardian, các bệnh viện ở Paris hiện đã chuyển sang hoạt động ở chế độ khẩn cấp, hủy mọi kỳ nghỉ của nhân viên và những hoạt động không cần thiết khi số ca Covid-19 chiếm tới gần 1/2 tổng số bệnh nhân trong các phòng điều trị tích cực (ICU).
Lo ngại bộ phận hồi sức cấp cứu bị quá tải, nhiều bệnh viện tại thủ đô Brussels (Bỉ) cho rằng trong những ngày tới, họ cần phải chuyển bớt số bệnh nhân Covid-19 sang các bệnh viện bên ngoài thủ đô. Theo Tổng giám đốc mang lưới bệnh viện Brussels - ông Étienne Wéry, số bệnh nhân Covid-19 hiện đã chiếm 1/5 cơ số giường hồi sức cấp cứu tại các bệnh viện ở Brussels, trong khi đó nhân lực và thiết bị của bệnh viện phải phục vụ cho các hình thức hồi sức cấp cứu khác.
Trước tình trạng báo động về sự lây lan nhanh của dịch Covid-19, Chính phủ Cộng hòa Czech đã tăng cường siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, nhằm hạn chế các sự kiện văn hóa và hoạt động thể thao đông người trong 2 tuần tới.
Trước đó, Chính phủ Czech đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong vòng 30 ngày kể từ ngày 5/10, trong đó quy định cấm tụ tập trên 10 người đối với sự kiện trong nhà và trên 20 người đối với sự kiện ngoài trời.
Theo số liệu của Bộ Y tế Czech, trong 2 tuần qua, quốc gia Trung Âu này chứng kiến tỷ lệ mắc Covid-19 trên tổng số dân tăng ở mức cao nhất tại châu Âu. Tính đến thời điểm hiện tại, CH Czech có hơn 98.000 ca mắc Covid-19 và hơn 863 ca tử vong. Trong đó, chỉ riêng ngày 7/10 có 5.335 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này hồi tháng 3.
* Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm Covid-19 là 1.556.017 triệu ca, trong đó có hơn 37.452 ca tử vong.
Chính phủ Morocco đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế cho đến ngày 10/11, một phần trong nỗ lực chống lại sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Theo quyết định này, tình trạng khẩn cấp y tế sẽ kéo dài hiệu lực trên toàn lãnh thổ quốc gia, từ 18h00 ngày 10/10 đến 18h00 ngày 10/11. Morocco đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế lần đầu tiên vào ngày 20/3 và đã được gia hạn nhiều lần vì sự gia tăng mạnh số ca nhiễm bệnh tại quốc gia Bắc Phi này.
Theo Bộ Y tế Morocco, ngày 8/10, nước này đã ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong ngày kể từ khi ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên vào giữa tháng 3 đến nay, với 2.929 trường hợp mắc Covid-19 mới, nâng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia này lên 142.953 trường hợp. Bên cạnh đó, tổng số ca tử vong do mắc Covid-19 là 2.486 người, trong khi đó số trường hợp hồi phục tăng lên 120.275 người. Hiện 440 người trong số những người mắc Covid-19 đang ở trong tình trạng một tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch.
Morocco hiện xếp thứ 2 tại châu Phi về số lượng ca mắc Covid-19, chỉ xếp sau Nam Phi. Top 10 quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm Nam Phi, Morocco, Ai Cập, Ethiopia, Nigeria, Algeria, Ghana, Libya, Kenya và Tunisia.