Cập nhật tình hình lũ lụt miền Bắc ngày 11/9: Hồ thủy điện Thác Bà an toàn. (Nguồn: Báo Yên Bái) |
Trung Quốc xả lũ thủy điện không tác động nhiều tới hạ nguồn Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, từ 14 giờ chiều nay (11/9), phía Trung Quốc xả lũ thủy điện phía thượng nguồn sông Lô. Song lưu lượng xả nhỏ, chỉ 250 m3/s, không gây tác động nhiều tới hạ nguồn Việt Nam.
Thứ trưởng cũng cho biết, Trung Quốc cũng đã có văn bản thông báo cho phía Việt Nam từ sớm để lên các phương án chuẩn bị. Lưu lượng xả cũng nhỏ, chỉ 250 m3/s nên có tác động, nên không gây ảnh hưởng quá lớn tới lũ hạ du Việt Nam.
Hồ Thủy điện hòa bình xả 1 cửa là 1800m3/s. Như vậy, lượng xả của Trung Quốc là thấp. Trong sáng nay, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã có công điện chủ động ứng phó khi Trung Quốc xả lũ thủy điện.
Hồ thủy điện Thác Bà an toàn
Tại Yên Bái, sáng 11/9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã đến thị sát tình hình hồ thủy điện Thác Bà và kiểm tra công tác vận hành công trình này.
Thời điểm kiểm tra, hồ thủy điện đang vận hành ổn định, lưu lượng nước về hồ ở mức hơn 3.100 m3/giây.
Trao đổi với lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tỉnh Yên Bái, Giám đốc Thủy điện Thác Bà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt lưu ý, trong mọi tình huống thì ưu tiên cao nhất luôn là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Tại cuộc kiểm tra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đến thời điểm này, Hồ thủy điện Thác Bà bảo đảm an toàn. Sẽ mất khoảng 1-2 ngày nữa, hồ sẽ về mực nước cho phép và nhân dân trong khu vực vẫn phải ở nơi tránh trú để đề phòng trường hợp bất trắc có thể xảy ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi người làm việc bằng hai, chung tay ứng phó, khắc phục hậu quả bão lụt với trách nhiệm cao nhất. (Nguồn: VGP) |
Thủ tướng Chính phủ: Mỗi người làm việc bằng hai, chung tay ứng phó, khắc phục hậu quả bão lụt
Chiều 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về một số nội dung quan trọng. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bão, mưa lũ, thiên tai đã gây hậu quả rất lớn và dự báo tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía bắc từ Thanh Hóa trở ra.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 công điện, liên tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ, sạt lở… từ sớm, từ xa với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất; thành lập các đoàn do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ở các địa phương; quyết định lập Ban chỉ đạo tiền phương để trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão…
Tại cuộc họp này, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đời sống nhân dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết", "không để ai bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở", tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quan điểm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, triển khai mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, nhất là mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão, với tinh thần cao nhất có thể, mỗi người làm việc bằng hai vì nhân dân.
Yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức ứng trực 24/24 giờ để ứng phó, giải quyết các vấn đề khẩn cấp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị, địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tập trung lực lượng, hỗ trợ địa phương, cơ quan, người dân bị thiệt hại, trên tinh thần "ai có của giúp của, ai có công giúp công, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều", "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều", "tương thân, tương ái"; hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cả cộng đồng chung tay khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và lũ lụt, sạt lở do hoàn lưu bão gây ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng tiếp tục tập trung cứu hộ, cứu nạn với người bị nạn, mất tích; cứu chữa những người bị thương; lo hậu sự cho người xấu số; nhanh chóng ổn định tình hình trong thời gian sớm nhất. Tìm mọi biện pháp, bằng mọi phương tiện đường thủy, đường bộ, hàng không, tiếp cận, hỗ trợ trợ nhu yếu phẩm cho khu vực bị chia cắt, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men...
Cùng với đó là chuẩn bị sinh phẩm, thuốc men, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai, nhất là tại các địa phương bị ngập lụt, chia cắt; những nơi đã ổn định tình hình thì khẩn trương đón học sinh đến trường; có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dân doanh khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định sản xuất, sinh kế, đời sống.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập; có đánh giá, dự báo sát tình hình để có phương án xử lý phù hợp; kiểm tra, rà soát, giám sát chặt chẽ các điểm có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét; khẩn trương di dời người dân khỏi vùng nguy cơ cao tới nơi an toàn.
Mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ cách báo động 3 khoảng 0,15m vào tối nay
Lũ trên sông ở mức cao gây ngập lụt vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, vùng ven sông, sạt và xói lở đất bờ bãi ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê.
Bản tin được phát ra lúc 16 giờ của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo mức nước sông Hồng tiếp tục biến đổi chậm và sẽ “đạt đỉnh” là 11,35m vào lúc 19h ngày 11/9, dưới báo động 3 khoảng 0,15m.
Sau đó, tới 1h ngày 12/9, mực nước sẽ là 11,3m, (dưới báo động 3 là 0,20m) và tới 7 giờ ngày 12/9 là 11,25m (dưới báo động 3 là 0,25m).
Trong khi đó, mực nước sông Đuống cũng tiếp tục biến đổi chậm. Vào 19h ngày 11/9, trên sông Đuống tại Thượng Cát là 10,60m (dưới báo động 3 là 0,40m); 01h ngày 12/9 là 10,60m (dưới báo động 3 là 0,40m) và vào 7h ngày 12/9 là 10,55m (dưới báo động 3 là 0,45m).
Lũ trên sông ở mức cao gây ngập lụt vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, vùng ven sông, sạt và xói lở đất bờ bãi ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các quận/huyện Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh…
Lũ sông Hồng lên cao, khu vực phường Phúc Tân, Q.Hoàn Kiếm ngập đến ngang người. (Nguồn: Thanh niên) |
Nước đã ngập toàn thành phố Tuyên Quang
Ngày 11/9, toàn bộ khu vực thành phố Tuyên Quang đã ngập, mực nước vào nhà dân có những nơi cao trên 2m. Đây là lần ngập lụt kỷ lục sau khoảng 20 năm tại địa phương này.
Theo thông tin từ UBND thành phố Tuyên Quang, hầu hết các gia đình đều đã phải chuyển lên sinh hoạt tại khu vực tầng 2-3 do nước lên nhanh hoặc phải di chuyển đi xa để tránh lũ.
Báo cáo của Đài Khí tượng và thủy văn cho biết, mực nước sông Lô đoạn qua thành phố Tuyên Quang đã lên trên mức báo động 3 (mức cực kỳ nguy hiểm). Tuy nhiên, một thông tin tích cực đó là từ 6h sáng 11-9, mực nước đã đứng ở mức 27,72m.
Theo cập nhật từ địa phương, các lực lượng đều triển khai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, ven suối có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đá, chủ động di dời sơ tán dân đến nơi an toàn và không để người dân không có chỗ ở, thiếu đói khi phải di dời đến nơi an toàn.
Trong khi đó, liên quan việc khắc phục vỡ đê sông Lô (tỉnh Tuyên Quang), nước lũ lên cao và chảy rất mạnh nên việc vá đê của lực lượng chức năng gặp khó khăn. Công tác khắc phục vỡ đê tạm thời dừng lại và chờ ý kiến chỉ đạo từ tỉnh.
Hà Giang ứng phó khi các thủy điện thượng nguồn sông Lô xả lũ
Theo Báo Hà Giang, vào 13h30 ngày 11/9, UBND tỉnh Hà Giang nhận được báo cáo của Sở Ngoại vụ về việc châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc xả lũ. Thời gian xả lũ từ 14h ngày 11/9 đến 13h ngày 12/9, với lưu lượng xả lớn nhất 250 m3/giây.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang có văn bản hỏa tốc chỉ đạo triển khai các biện pháp, chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do lưu lượng, mực nước trên sông Lô tăng, có thể gây ngập úng cục bộ một số địa điểm trên địa bàn thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang, đồng thời nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình hồ, đập thủy điện trên sông Lô, sông Miện khi các thủy điện thượng nguồn sông Lô xả lũ.
Sông Hồng, sông Lô, sông Cầu vượt báo động 3, hàng nhìn hộ dân ở Phú Thọ, Bắc Giang sơ tán
Mực nước trên sông Hồng và sông Lô đoạn qua Phú Thọ sáng 11/9 đã vượt mức báo động 3, khiến hơn 7.000 hộ dân tại nhiều huyện phải di dời.
Trong khi đó, 800 hộ dân ở thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) cũng được sơ tán đến nơi an toàn, khi mực nước sông Cầu vượt báo động 3.
Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) cho biết, hiện nay, nước lũ đã tràn qua đê bối gây ngập lụt ở thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh.
"Cả thôn có khoảng 500 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu. Đã có 800 người dân được sơ tán, còn khoảng 1.200 người dân quyết định ở lại. Họ sống ở tầng 2, tầng 3 các ngôi nhà. Lực lượng chức năng sẵn sàng ứng trực với xuồng, phao cứu sinh để khi người dân muốn di dời đến nơi sơ tán, chúng tôi sẽ có mặt hỗ trợ", Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết.
Yên Bái: Cứu trợ cho người dân sau nhiều ngày bị cô lập
Sáng 11/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy và đoàn công tác đã tiếp cận được xã Y Can, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái để qua cầu Cổ Phúc vào thị trấn trung tâm huyện - nơi tâm lũ của huyện đã bị cô lập nhiều ngày.
Tại đây, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã chỉ đạo việc cứu trợ phải đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân sau nhiều ngày bị cô lập; ưu tiên số 1 là tiếp cận những địa bàn đang bị chia cắt để hỗ trợ kịp thời.
Cũng trong sáng nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã huy động 100% quân số lên hỗ trợ huyện Trấn Yên, tham gia vào việc cứu trợ tại những địa bàn khó khăn của huyện.
Lào Cai: Nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét
Tỉnh Lào Cai đang huy động lực lượng tại chỗ phối hợp cùng lực lượng Quân đội, Công an tổ chức tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân của trận lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào sáng 10/9 tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.
Tại Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại Nhà văn hóa thôn Làng Nủ, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trịnh Xuân Trường và Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đang tập trung chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích.
Đến chiều 11/9, đã có gần 500 người, gồm lực lượng Quân khu 2, Công an, dân quân tự vệ địa phương, y tế... có mặt để tiến hành công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích.
Sau khi thăm nắm tình hình và tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của người dân, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn chia theo hai mũi. Mũi thứ nhất huy động hơn 150 người di chuyển ra cửa sông Phúc Long đoạn gắn với sông Chảy và đã tìm thấy thêm 9 thi thể nạn nhân.
Mũi còn lại với quân số 250 người tập trung tìm kiếm tại khu vực Làng Nủ. Trước mắt, tỉnh Lào Cai hỗ trợ cho gia đình có người tử vong 25 triệu đồng/nạn nhân và 5 triệu đồng đối với người bị thương; đồng thời, bố trí nơi ăn ở bảo đảm an toàn cho những người may mắn sống sót.
Tuy nhiên, do trời còn mưa, bùn đất nhão, có nơi bùn đất vùi lấp sâu khoảng 10 mét nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng đã xây dựng sơ đồ, xác định các vị trí và phương án tìm kiếm nạn nhân.
Theo thống kê mới nhất đến 17 giờ 30 phút ngày 11/9, cơn lũ quét đã vùi lấp 37 hộ dân thuộc thôn Làng Nủ với 158 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Tày. Trong đó, 34 người chết, 17 người bị thương đang được điều trị tích cực tại các cơ sở y tế, 46 người may mắn chạy thoát, còn lại 61 người hiện đang mất tích.
Hiện nay, trên địa bàn thôn Làng Nủ có mưa và nguy cơ xảy ra lũ rất cao, chính vì vậy công tác tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, các lực lượng Công an, Quân đội tiếp tục được tăng cường vào địa bàn để tổ chức tìm kiếm với mục tiêu sớm tìm được các nạn nhân còn mất tích.
296 người chết, mất tích do bão số 3 và mưa lũ Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, các địa phương đã thống kê bước đầu một số thiệt hại tính đến 13h30 ngày 11/9: Có 296 người chết, mất tích (155 người chết, 141 người mất tích). Trong đó, tỉnh có số người chết, mất tích nhiều nhất đến nay là Lào Cai với 155 người (53 người chết, 102 người mất tích); Hà Nội có 1 người chết do bão. |