Cục diện mới
Ngày 31/03/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố ngừng ném bom Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói chuyện. Ngày 03/04/1968, Chính phủ ta tuyên bố đồng ý cử đại diện tiếp xúc với phía Mỹ nhằm xác định việc Mỹ chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện để hai bên có thể nói chuyện về các giải pháp có thực chất. Tuy vậy, suốt thời gian từ ngày 13/5/1968 cho đến cuối năm 1968, các cuộc đàm phán hai bên chỉ tập trung giải quyết vấn đề chấm dứt hoàn toàn ném bom. Tiếp đó một thời gian, Hội nghị bốn bên chỉ bàn các vấn đề thủ tục, chưa đi vào thực chất. Sang năm 1969 đến cuối năm 1970, cuộc đàm phán hai bên vẫn tiến hành song song với Hội nghị bốn bên.
Trong hai năm ấy phía Mỹ vẫn còn ảo tưởng đạt kết quả “Việt Nam hóa chiến tranh”; chỉ sau thất bại của cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại đường 9, Nam Lào mà lực lượng tham chiến chỉ có quân ngụy thì họ mới nhận ra là Chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” có thể phá sản hoàn toàn nên họ bắt đầu đi vào thảo luận giải quyết có thực chất. Tuy nhiên cuộc thăm dò, mặc cả thực chất này vẫn căng thẳng kéo dài từ đầu năm 1971 đến cuối hè 1972.
Ngày nay chúng ta ai cũng biết rằng, mặc dù có Hội nghị bốn bên công khai, song cuộc đàm phán thực chất là của hai lực lượng, hai phía đối đầu Bên cạnh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực tế chính trị đòi hỏi phải đề cao vị thế của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, về sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để đối lại với chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên. Đương nhiên đối với chúng ta đây là quan hệ “tuy hai mà một”. Cả hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam chỉ là hai danh nghĩa để cùng nhau phối hợp thực hiện các cuộc “tấn công ngoại giao”, dưới sự lãnh đạo thống nhất và trực tiếp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Đó cũng là thể hiện thực chất của ý chí và tinh thần Việt Nam thống nhất: “Nước Việt nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Trên cơ sở nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng tháng 12/1967 về tổng tiến công, tổng khởi nghĩa ở miền Nam, Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (1/1968) đã nhất trí “chuyển chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Về ngoại giao, nghị quyết nêu: “Ngoại giao trở thành một mặt trận phối hợp với các mặt trận chính trị và quân sự, mở ra cục diện vừa đánh vừa đàm”. Nghị quyết mới khẳng định những phân tích của Nghị quyết 13 ngày 26/01/1967: “Thắng lợi trên chiến trường miền Nam là cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn đàm phán những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường mà trong tình hình quốc tế hiện nay với tính chất cuộc đấu tranh giữu ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động’. Nghị quyết 13 cũng nêu ta “cần có phương pháp và hình thức thích hợp để tiến công địch và phải mở đường buộc địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta”.
Sau nghị quyết 14, tình hình chuyển biến dồn dập: Ngày 31/1/1968 quân dân ta ở miền Nam mở cuộc tổng tiến công, thì ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ đề nghị đàm phán. Phải nói ngay rằng ta chấp nhận đàm phán với Mỹ và có chiến lược về mặt trận ngoại giao, nhưng về mặt “phương pháp và hình thức cũng như làm cách nào “buộc địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta” thì tại thời điểm đó, ta chưa nghiên cứu sâu và cụ thể được.
Sứ mệnh trọng đạiTrên thế giới và trong lịch sử Việt Nam, chưa có tiền lệ “đánh, đàm” như ta lần này. Lịch sử thế giới chỉ có đàm khi nước mạnh về quân sự đã đánh thắng; đàm để buộc nước thua nhận điều kiện đầu hàng; hoặc hai nước đánh không phân thắng bại phải đàm để hoãn binh, ngưng chiến. Trường hợp ở Việt Nam thì ta “yếu” hơn về quân sự thuần tuý, ta không thể chỉ dùng quân sự mà thắng, nhưng ta vẫn đủ trình độ để “không thua” về quân sự, do đó ta phải kết hợp đấu tranh cả về chính trị, ngoại giao. Mỹ cũng thấy họ không thua nhưng cũng không thể thắng bằng quân sự thuần tuý do đó họ cũng cần đàm phán. Yêu cầu của Mỹ là đàm phán trên thế mạnh buộc ta vào một giải pháp có thể cho Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục giữ được lợi ích của Mỹ ở miền Nam, tiếp tục xâm lược miền Nam Việt Nam bằng chính sách “phi Mỹ hoá chiến tranh” hoặc “Việt Nam hóa chiến tranh”. Yêu cầu của ta trong đàm phán là trên cơ sở phát huy thắng lợi về quân sự và chính trị trên chiến trường, “tích cực, chủ động”, tìm ra phương pháp và hình thức “mở đường buộc địch đi vào thương lượng theo hướng nhất cho ta”. Ta chưa có tiền lệ quốc tế và trong lịch sử Việt Nam cho “bài toán đánh đàm” như vậy.
Mặt khác, phải nói rằng trong đội ngũ các cán bộ của ta lúc đó, chưa ai được trải qua những cuộc đàm phán tầm cỡ như đàm phán giữa ta với Mỹ. Do đó, anh em chúng tôi chỉ còn lấy nhiệt tình cách mạng, gian khổ nghiên cứu tìm tòi và cố làm “ba người thợ giày”, cộng lại may ra thành “Gia Cát Lượng”. Cho nên, có những vấn đề khi đã tìm ra và sau này áp dụng có kết quả tốt thì thấy “bình thường”, nhưng với những người đang mò mẫm, tìm tòi, mà như chúng tôi hay nói là đang “đi cày”, thì thấy đúng là quá khó với trình độ chúng tôi lúc ấy.
Đối với bản thân tôi, thời gian từ 1968 đến cuối 1970 là một thời kỳ công tác vô cùng đáng nhớ, hết sức đặc biệt vì phải gánh vác một công việc rất mới, đòi hỏi tầm nhìn, óc sáng tạo trên hẳn trình độ vốn có của bản thân, đòi hỏi một phương pháp được đem ra vận dụng trong một thực tế không khớp với lý luận đã tích luỹ, và quá trình làm việc...
(Còn nữa)
Võ Văn Sung, TP. Hồ Chí Minh, 01/2008
Xem tiếp kỳ cuối