Walkman đã biến công ty Sony của Nhật Bản trở thành một cái tên quen thuộc trên toàn thế giới. (Nguồn: Shutterstock) |
Khi Malia Verniolle gần 8 tuổi, cô được bố tặng một chiếc máy mang lại cho cô nhiều thay đổi. Malia vẫn nhớ rằng, phiên bản đầu tiên của Sony Walkman khiến cô dễ bị kẹp tay vào khay đựng băng nhạc.
“Bố tặng tôi món quà đó nhân dịp Giáng sinh kèm sinh nhật của tôi vào tháng Một”, Verniolle nói. “Tôi nhớ mình đã ngạc nhiên và sung sướng khi nhận được chiếc máy vốn giống như người bạn đồng hành của mình. Tôi là con một trong gia đình nên chủ yếu chơi một mình, vì vậy tôi mang theo Walkman mọi lúc mọi nơi”.
Lan tỏa "chất Nhật" trong văn hóa toàn cầu
Verniolle không phải là người duy nhất có cảm xúc đó. Kể từ phiên bản đầu tiên của Sony Walkman ra đời vào 1/7/1979 cho đến ngày kết thúc sản xuất máy nghe băng cassette vào tháng 10/2010, Sony đã bán ra 365 triệu máy nghe nhạc Walkman.
Quan trọng hơn, như Paul Du Gay viết trong cuốn sách Câu chuyện của Sony Walkman rằng Sony đã “lan tỏa ý tưởng về ‘chất Nhật’ trong nền văn hóa toàn cầu, đồng nghĩa với việc ‘thu nhỏ’ và ‘công nghệ cao’”.
Nếu như Walkman giúp Sony trở thành một cái tên quen thuộc trên khắp thế giới, câu chuyện của hãng bắt đầu từ sớm hơn nhiều. Lịch sử Sony bắt đầu từ tháng 5/1946, chỉ 9 tháng sau khi Nhật Bản đầu hàng vào Thế chiến II. Khi đó, ông Masaru Ibuka mở một cửa hiệu sửa chữa đồ điện tử ở Tokyo. Sau đó, ông cộng tác với Akio Morita, và hai người gọi công ty của họ là Tokyo Tsushin Kogyo, dịch ra là Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Tokyo.
Đến năm 1958, hãng đổi tên thành Sony để nghe bắt tai hơn, đồng thời giống từ Latinh “Sonus” (nghĩa là âm thanh), cũng như gần giống với từ "sonny" trong tiếng Anh – Mỹ – chỉ những thanh niên trẻ thông minh.
Áp phích quảng cáo của Sony Walkman năm 1979. (Nguồn: Sony) |
Dù ngân hàng không tin tưởng vào một cái tên “không truyền thống” như Sony, ông Morita vẫn quyết tâm thực hiện ý định của mình. Công ty đã sáng chế máy nghe băng đầu tiên tại Nhật Bản, gọi là Type-G, và năm 1955 cho ra mắt radio bán dẫn TR-55. Sản phẩm này phổ biến đến nỗi trong vòng 2 năm sau, phiên bản cập nhật TR-63 đã trở thành sản phẩm đầu tiên của Sony được bán trên đất Mỹ. Thú vị là, mẫu radio này hơi to để nhét vừa vào túi ở ngực áo, nên hãng đã cho những người bán hàng mặc áo to hơn một chút nhằm khẳng định đây là radio bán dẫn bỏ túi đầu tiên trên thế giới.
Sản phẩm đã làm khuynh đảo thị trường Mỹ và radio bán dẫn trở thành vật bất ly thân của thanh thiếu niên Mỹ trong những thập kỷ sau đó. Từ con số 100.000 máy được bán ra vào năm 1955, ngành công nghiệp sản xuất radio bán dẫn đã bán được 5 triệu máy vào năm 1968 – đa phần trong số này là sản phẩm của Sony.
Được khích lệ bởi mức độ phổ biến của sản phẩm, Tập đoàn Sony tại Mỹ được thành lập năm 1960 và thương hiệu này nhanh chóng xóa đi quan niệm hàng hóa Nhật Bản là có chất lượng kém. Việc này cũng giúp Sony giữ được doanh số bán hàng cao.
Máy nghe nhạc Walkman luôn là một thương hiệu nổi danh toàn cầu kể từ thời điểm ra đời năm 1979. Đây cũng là năm Sony thành lập một công ty bảo hiểm nhân thọ, đánh dấu bước ngoặt mở rộng hoạt động của hãng ra ngoài lĩnh vực điện tử.
Dù vậy, những năm đầu thập niên 1980 là giai đoạn khó khăn cho nền công nghiệp điện tử. Bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái toàn cầu, nhiều người cho rằng “ngôi sao sáng” Sony sẽ lụi tàn dần. Thay vì thu nhỏ quy mô, tân Chủ tịch thời bấy giờ Norio Ohga quyết định đẩy mạnh phát triển định dạng đĩa compact, và vào đầu những năm 1990, PlayStation chính thức khai sinh lĩnh vực máy chơi game tại gia.
Ngày 4/12/2019, Tổ chức Guinness Thế giới công nhận PlayStation là máy chơi game cầm tay (console) bán chạy nhất thế giới với 450 triệu máy đã được bán ra trong vòng 25 năm. Nền tảng này dự kiến sẽ tiếp tục thống lĩnh thị trường khi thế hệ tiếp theo, PlayStation 5, dự kiến ra mắt vào cuối năm 2020.
Tham vọng bứt phá
Ở khía cạnh khác, không phải thứ gì Sony sản xuất cũng ăn khách, đơn cử Betamax là thất bại lớn nhất trong lịch sử của hãng.
Định dạng băng từ cho video ra mắt tại Nhật Bản vào tháng 5/1975 và được bán lần đầu tiên tại Mỹ 6 tháng sau đó. Tuy nhiên, Betamax lại ra đời cùng lúc với định dạng VHS của JVC. Một “trận chiến định dạng” đã nổ ra giữa hai công ty.
Mặc dù Betamax được đánh giá là truyền tải chất lượng hình ảnh tốt hơn, người dùng dần thiên về sử dụng VHS vì đầu phát rẻ hơn và có thể thu đến 120 phút phim, trong khi Betamax chỉ có 60 phút.
Doanh số của Betamax đi xuống và VHS nổi lên như bên thắng cuộc trong “trận chiến định dạng”. Bất chấp thực tế đó, Sony mới dừng sản xuất đầu phát Betamax vào năm 2002 cũng như tiếp tục sản xuất băng cassette Betamax đến tháng 3/2016.
Trở lại những năm 1980, Sony cố gắng mở rộng lĩnh vực kinh doanh, mua lại hàng loạt công ty nhằm tạo sự “hội tụ” giữa hàng tiêu dùng điện tử, âm nhạc, phim ảnh, trò chơi điện tử và Internet. Trong số những công ty bị mua lại có Hãng thu âm CBS, sau đổi tên thành Công ty Giải trí Âm nhạc Sony, năm 1988 và Hãng phim Columbia, trị giá 3,4 tỷ USD, vào năm 1989.
Dù vậy, không phải tất cả thương vụ của Sony đều có cái kết êm đẹp, kết quả là, báo chí thường có những thông tin làm tổn hại đến thương hiệu của hãng. Để giúp tập đoàn đi đúng hướng, Sony vào năm 2005 đã phá vỡ truyền thống khi bổ nhiệm Howard Stringer làm CEO. Đó là lần đầu tiên một người nước ngoài phụ trách hoạt động quản lý của một tập đoàn điện tử hàng đầu của Nhật.
Logo Sony PlayStation tại Tokyo Game Show ở Makuhari, tỉnh Chiba, Nhật Bản hồi tháng Chín. (Nguồn: AFP) |
Sinh ra ở xứ Wales, Stringer đến Mỹ vào giữa thập niên 1960 và gia nhập đài truyền hình CBS trước khi phục vụ trong quân đội Mỹ tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ dài 10 tháng tại Việt Nam, ông quay lại CBS và làm việc ở đây trong 30 năm sau đó. Ông leo lên vị trí Chủ tịch vào năm 1988 nhưng rời khỏi hãng này vào năm 1995 để thành lập TELE-TV – một công ty truyền thông và công nghệ.
Để Sony khỏi bị trượt dốc, Stringer đã sa thải khoảng 9.000 nhân viên, bán đi những công ty không liên quan đến lĩnh vực trọng tâm của hãng, đồng thời khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các công ty con của Sony. Stringer ghi dấu ấn với việc phát triển lĩnh vực sản xuất phim ảnh của Sony, với hàng loạt phim bom tấn, đặc biệt là series “Người nhện”.
7 năm trên cương vị CEO, Stringer đã không thể ngăn Sony trượt dốc, ông bị thay thế bởi Kazuo Hirai vào năm 2012. Hirai nhanh chóng đưa vào thực tế sáng kiến “One Sony” (Một Sony) của mình, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh điện tử truyền thống gồm game và công nghệ di động. Trong vài năm sau, một số nhãn hàng bị sụt giảm nghiêm trọng, như máy tính xách tay Vaio, hay khoảng 20 cửa hàng của Sony bị đóng cửa vào giữa năm 2014.
Kenichiro Yoshida – một người kỳ cựu với 30 năm kinh nghiệm tại Sony – tiếp quản vị trí CEO vào đầu năm 2018 và lên tiếng chỉ trích các sai lầm của những người tiền nhiệm. Ông chỉ đạo tái cấu trúc trên diện rộng, so sánh việc này với việc “phẫu thuật cấp cứu” Sony.
Trong năm tài khóa 3/2018–3/2019, Sony đạt lợi nhuận kỷ lục, phần lớn nhờ vào máy PlayStation cũng như việc nâng cấp cảm biến hình ảnh sử dụng cho camera và điện thoại di động.
Trong khi người phát ngôn của hãng từ chối tiết lộ những kế hoạch sản phẩm trong tương lai, ông này nhấn mạnh rằng mục tiêu của Sony vẫn là “làm ngập tràn thế giới bằng những cảm xúc, thông qua sức mạnh của sự sáng tạo và công nghệ”.
Sony rõ ràng đã xóa tan những quan ngại cách đây 1 thập kỷ - rằng hãng đang nghiêng ngả trên bước đường phát triển – đồng thời khám phá những cơ hội mới. Sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn bao giờ hết và các thách thức với Sony cũng ngày càng tăng, nhưng Sony vẫn sẽ có cơ hội bứt phá như cách họ đã sản xuất ra chiếc radio bán dẫn, hay như máy nghe nhạc Walkman vốn là người bạn thân thiết của bao nhiêu thế hệ.