Anh Trần Văn Tuấn, người đàn ông mặc áo dài cùng những bức thư pháp trở nên quen thuộc ở các hội chợ Tết của người Việt Nam tại Australia. |
Mỗi dịp Tết đến, hình ảnh các ông đồ cho chữ đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam.
Tập quán “xin chữ” đầu năm được xem là lời chúc mong muốn cả một năm may mắn, bình an và phúc lộc thọ tràn ngập với bản thân cũng như gia đình mình.
Với mong muốn gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa này, nhất là trong dịp Tết cổ truyền, anh Trần Văn Tuấn - một Việt kiều Australia, đã và đang hằng ngày đưa thư pháp đến gần hơn với bạn bè quốc tế nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.
Anh Trần Văn Tuấn đã theo đuổi nghệ thuật viết thư pháp được gần 20 năm. Với anh, thư pháp không đơn thuần chỉ là một sở thích mà đã trở thành niềm đam mê.
Việc học thư pháp mang lại cho anh nhiều thứ, không chỉ giúp người học hiểu hơn về văn hóa, lịch sử mà còn mang lại sự thư thái, thanh tịnh trong tâm hồn.
Chia sẻ với phóng viên, anh Trần Văn Tuấn cho biết, do cảm nhận được những nét chữ thư pháp quá đẹp và truyền tải được nhiều nội dung nên trong tâm thức, anh mong muốn mình có thể thể hiện được những nét chữ đó và bắt đầu tìm hiểu, theo học thư pháp từ đó đến bây giờ.
Mỗi lần cầm bút, anh cảm thấy tất cả muộn phiền trong cuộc sống tan biến và bản thân như được bước vào một không gian trầm bổng.
Ở nơi đất khách quê người, với mong muốn giữ gìn được bản sắc văn hóa Việt Nam, giúp các thế hệ mai sau không quên cội nguồn dân tộc, anh Tuấn đã vượt qua mọi khó khăn, tìm mọi cách để theo đuổi thư pháp, tự sáng tạo dựa trên những kiến thức, kinh nghiệm mà anh tích lũy được khi còn ở Việt Nam để tạo ra những bức thư pháp đầu tiên…
Anh cho rằng, việc theo đuổi đam mê thư pháp không đơn thuần chỉ là một sở thích mà còn là cái duyên, là nghề và là trách nhiệm của một người đi trước gìn giữ văn hóa truyền thống để truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Chị Vũ Lệ Vinh, một Việt kiều sống tại thành phố Sydney, cho rằng, viết chữ thư pháp đã khó, nhưng để giữ gìn nghệ thuật truyền thống này ở nơi đất khách quê người lại càng khó hơn vì thực sự cần phải rất tâm huyết và kỳ công.
Những chữ mà anh Tuấn viết nhắc chị nhớ đến gia đình, ba mẹ và họ hàng ở Việt Nam nói riêng cũng như dải đất hình chữ S thân thương nói chung.
Cùng chung cảm xúc, anh Mai Công Kiên đã sống tại Sydney hơn 10 năm cho biết, ở nước ngoài, mỗi năm Tết đến, nhìn những bức tranh thư pháp nổi bật tại hội chợ của người Việt, trong anh lại trào dâng cảm xúc khó tả.
Theo anh Kiên, việc anh Trần Văn Tuấn lưu giữ và mang nghệ thuật thư pháp tới Australia là một điều vô cùng trân quý.
Mong ước lớn nhất hiện giờ của anh Tuấn là mở một lớp dạy thư pháp Việt tại Australia, vừa để giúp người học khi bước vào không gian thư pháp cảm thấy được thư giãn, có thể quên đi những bộn bề của cuộc sống, vừa để lưu truyền nét văn hóa đẹp này của người Việt.
Anh chia sẻ: “Thư pháp kéo mọi người chậm lại về với thực tại, cảm nhận cuộc sống xung quanh mình rõ ràng hơn.
Ước mong ấp ủ nhất của tôi là có thể mở một lớp truyền đạt thư pháp Việt cho người Việt và người nước ngoài tại Australia.
Các em nhỏ là đối tượng tôi nhắm đến trước tiên với mong muốn có thể giữ gìn nét văn hóa này cho các em bé sinh ra tại Australia, dù nói tiếng Anh nhưng lại viết thư pháp Việt”.