📞

Câu chuyện về những lá quốc kỳ

20:00 | 30/04/2016
Một nghiên cứu mới của nhóm các nhà thiết kế Đan Mạch mang đến cho bạn những điều có thể bạn chưa biết về ý nghĩa của những lá quốc kỳ trên thế giới.

Ông Jeppe Morgenstjerne và Birger Morgenstjerne đồng sáng lập công ty thiết kế Ferdio ở Đan Mạch gần đây có công trình nghiên cứu quốc kỳ của gần 200 quốc gia được Liên hợp quốc công nhận. Họ đã nghiên cứu từ màu sắc phổ biến nhất được sử dụng cho đến các mức độ phức tạp khác nhau của các lá cờ trên thế giới. 

Ở mức độ đơn giản nhất, lá quốc kỳ thể hiện niềm tự hào và lòng trung thành. Hơn nữa, mỗi lá cờ - từ màu sắc và biểu tượng  là đại diện cho bản sắc quốc gia.

"Mỗi lá cờ là một bản thiết kế đơn giản, nhưng bao hàm rất nhiều câu chuyện trong đó", ông Jeppe Morgenstjerne  nói. "Những lá quốc kỳ cho thấy sự phát triển của thế giới". 

Một chuyên gia nghiên cứu về quốc kỳ khác là Ted Kaye cho biết  thêm, điểm quan trọng cần lưu ý là tính biểu tượng của lá cờ. “Điều này phụ thuộc vào cách lá cờ được phân chia như thế nào và có những màu sắc gì”, ông nói. 

Những lá quốc kỳ trông rất đa dạng nhưng đều dựa trên một số nguyên tắc thiết kế cơ bản (Nguồn: CityLab)

Phổ biến nhất là cờ có ba sọc (tribar). Có hai lý do chính. Đầu tiên, rất dễ khâu ba dải vải vào với nhau. Lý do thứ hai có từ thế kỷ thứ 18, một cách phổ biến để biểu trưng cho một hiệp sĩ là lấy những màu sắc từ áo choàng của ông ta làm màu sắc các đường sọc ngang trên một lá cờ. Trong số những lá cờ đầu tiên sử dụng cách thiết kế này có cờ của Hà Lan, mà Kaye nói rằng đã trở thành một ví dụ cho các lá quốc kỳ ở khắp châu Âu. Peter Đại đế của nước Nga đã làm cho lá cờ Nga như một phiên bản của lá cờ Hà Lan.

Nhưng tại sao một số lá cờ có sọc theo chiều dọc? Điều này bắt nguồn từ cuộc Cách mạng Pháp. "Những người cách mạng Pháp muốn thay đổi cơ cấu xã hội ở châu Âu, do đó họ thiết kế các sọc dọc thay vì sọc ngang", ông Kaye nói.  

Màu đỏ, xanh dương và trắng thống trị các màu sắc của quốc kỳ trên thế giới. Màu sắc của một lá quốc kỳ thường liên quan tới lá cờ của một nước khác có quan hệ đặc biệt với họ. Ví dụ, nước Mỹ duy trì màu đỏ, trắng và xanh được sử dụng trên quốc kỳ Vương quốc Anh. "Chắc chắn, Anh và Pháp đã truyền lại các màu đỏ, trắng và xanh cho các nước thuộc địa cũ của họ", ông Kaye nói. 

Các nhà nghiên cứu Birger và Jeppe Morgenstjerne lưu ý rằng, điều kỳ lạ là màu tím không có mặt trong bất kỳ lá cờ nào. “Nguyên nhân là do rất khó nhuộm ra màu tím, điều này sẽ khá tốn kém. Vào thời La Mã, màu tím được dành cho giới quý tộc vì thuốc nhuộm màu tím rất đắt đỏ", ông Jeppe cho biết.

Biểu tượng của độc lập

Màu đỏ trên các lá cờ thường hàm ý "độc lập" hay "chủ quyền". Nhưng Birger và Jeppe Morgenstjerne nói rằng các nước khác nhau có những cách hiểu riêng của họ. Kaye nói rằng những ý nghĩa này được gán cho các màu sắc sau khi thiết kế lá cờ được thông qua.

Các ngôi sao là biểu tượng hay được sử dụng trên cờ. Theo ông Kaye, quốc gia đầu tiên sử dụng ngôi sao năm cánh trên lá cờ là Hoa Kỳ, và một số người tin rằng nó được lấy cảm hứng từ Tổng thống George Washington, người từng có biểu tượng này trên áo khoác. Trước khi có lá cờ Hoa Kỳ, hình ngôi sao thường được thiết kế có sáu hoặc nhiều cánh, phản ánh ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. 

"Mỗi ngôi sao đại diện cho một bộ phận cấu thành của một quốc gia, do đó, ngôi sao có ý nghĩa là độc lập", ông nói. Trên lá cờ Trung Quốc chẳng hạn, ngôi sao lớn được cho là đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, và bốn ngôi sao nhỏ xung quanh là bốn lớp xã hội ủng hộ cho đảng.

Quốc kỳ càng được thiết kế đơn giản thì càng hiệu quả. Nguyên tắc của ông Kaye khi thiết kế lá cờ là làm cho nó đơn giản, đến mức một đứa trẻ có thể vẽ lại từ trí nhớ. "Làm một lá cờ phức tạp sẽ tốn kém và lãng phí, bởi vì bạn không thể nhìn thấy các chi tiết trên lá cờ từ khoảng cách xa".

Mỗi người có mối quan hệ rất bền chặt với lá quốc kỳ của họ, ông Kaye nói. Họ lớn lên đã được thấy quốc kỳ và cảm thấy lá cờ sẽ luôn đại diện cho họ. Ngoài ra, theo ông, ở góc độ tâm lý học “Nếu người ta đã quen với lá cờ, dần dần họ sẽ thích nó". 

 

 

(theo CityLab)