📞

Câu hỏi đeo bám NATO

TIẾN THÀNH 11:29 | 01/06/2023
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, chủ đề Ukraine luôn chiếm chỗ trong các diễn đàn của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Oslo (Na Uy) từ ngày 31/5-1/6 cũng không phải là ngoại lệ.
Hội nghị Ngoại trưởng NATO diễn ra tại Oslo (Na Uy) từ ngày 31/5-1/6. (Nguồn: Government.no)

Vẫn như trước đây, khối quân sự này phải đối mặt với thách thức kép là duy trì sự thống nhất trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine, trong khi lại không để bị cuốn vào xung đột trực tiếp với Nga. Điều này không hề dễ dàng.

Tuần trước, hai thành viên của NATO là Hungary và Hy Lạp đã không thông qua vòng trừng phạt thứ 11 của châu Âu nhằm vào Nga vì không hài lòng việc các công ty của họ bị đưa vào danh sách các nhà tài trợ xung đột Ukraine và có thể bị trừng phạt.

Trong khi đó, một số nước thì lo ngại việc cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại như F-16 cho Ukraine. Một trong những vấn đề là Ukraine không có cơ sở vật chất bảo dưỡng các máy bay này khiến nhân viên của NATO phải tham gia trực tiếp, tạo nguy cơ khối này bị kéo vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

Vấn đề kết nạp Ukraine vào NATO cũng đau đầu không kém. Trong khi các thành viên NATO Đông Âu lớn tiếng đòi NATO phải sớm đưa ra lộ trình kết nạp Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng Bảy tới ở Latvia, thì Mỹ và các thành viên ở Tây Âu chỉ ủng hộ những bước đi khiêm tốn bởi chưa biết cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ đi đến đâu.

Xem ra, chỉ có chủ đề ai sẽ thay thế Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sắp hết nhiệm kỳ là bớt gay cấn hơn cả. Tuy nhiên, một số nước muốn chức vụ này phải do cựu thủ tướng hoặc tổng thống đảm nhiệm thì mới có ảnh hưởng chính trị. Số khác lại ủng hộ phương án NATO nên có tổng thư ký là nữ. Pháp thì muốn chọn người phù hợp cho mục tiêu tạo sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa NATO và Liên minh châu Âu (EU).

Hai ngày họp có thể là quá ngắn để tạo được sự đồng thuận.