Cầu Ngang là huyện miệt biển có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm 34,7%), có 8 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Những năm qua, Cầu Ngang chủ động thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhờ đó, diện mạo nông thôn từng bước khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ngày một cải thiện.
Những năm qua, Cầu Ngang chủ động thực hiện lồng ghép trong xây dựng nông thôn mới, nhờ đó diện mạo các xã đặc biệt khó khăn đang khởi sắc, đường giao thông về trung tâm các xã được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Phương Nghi) |
Diện mạo mới, sức sống mới
Những ngày này về các xã có đông đồng bào Khmer, dễ dàng nhận thấy phum sóc ngày càng khởi sắc. Hệ thống giao thông nông thôn các xã được thông thương, cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp, đường nối liền đường, nhà nhà có điện thắp sáng, những ngôi nhà tạm đã được xây dựng kiên cố và bán kiên cố.
Đại đức Thạch Đa Ra, Sư cả chùa ThLốt, xã Hiệp Hòa, Phó Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Ngang, cho biết: “Với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư trong vùng đồng bào Khmer, giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, đường làng ngõ xóm thông thoáng; điện, nước sinh hoạt về từng nhà; các chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển sản xuất, tạo việc làm, xuất khẩu lao động… đã góp phần giúp người dân thoát nghèo, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới cho vùng dân tộc Khmer”.
Bằng nhiều giải pháp trọng tâm và hiệu quả, công tác xây dựng nông thôn mới ở huyện Cầu Ngang đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Theo bà Trần Thị Kim Chung, Bí thư huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Cầu Ngang, đến nay, Cầu Ngang đã có 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao (Mỹ Long Nam, Mỹ Long Bắc và Hiệp Mỹ Đông); đạt 7/9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện.
Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, huyện Cầu Ngang nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng 5 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Hiện Cầu Ngang còn 2.328 hộ nghèo (chiếm 6,21% so tổng số hộ); 3.921 hộ cận nghèo (chiếm 10,45% – theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025); thu nhập đầu người cuối năm 2021 đạt 55,2 triệu đồng; có 28.005 đạt chuẩn gia đình văn hóa – nông thôn mới (chiếm 85,9%); 72/90 ấp nông thôn mới; có 99,6% hộ dân tộc sử dụng điện, 99,22% hộ dân tộc sử dụng nước hợp vệ sinh; xây dựng 103 tuyến đường hoa có tổng chiều dài gần 180 km với trên 64.000 cây hoa các loại... |
Bà Chung khẳng định: "Với nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng thuận của nhân dân, Cầu Ngang xây dựng thành công huyện nông thôn mới trong năm 2022”.
Tuyến đường hoa ấp Trà Kim (xã Long Sơn) do người dân trồng và chăm sóc, góp phần thực hiện hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới. (Ảnh: Phương Nghi) |
Xã “135” về đích nông thôn mới
Về Long Sơn (có 65,3% đồng bào Khmer sinh sống) - xã “135” cuối cùng “về đích” nông thôn mới huyện Cầu Ngang, khách đi dọc tuyến đường hoa về trung tâm xã Long Sơn bị "hớp hồn" trước vẻ đẹp của những khóm hoa do người dân trồng và chăm sóc. Việc xây dựng tuyến đường hoa tuy thực hiện trong thời gian ngắn nhưng đã thu hút nhiều người dân tham gia và bước đầu tạo hiệu ứng khá tốt, có sức lan tỏa mạnh trên địa bàn.
Ông Kiên Chuẩn, ở ấp Trà Kim (xã Long Sơn) phấn khởi cho biết: “Trước đây, đường sá đi lại rất khó khăn, nhưng giờ đây, người dân chúng tôi có thể đi khắp các ấp trên những con đường đal rất khang trang. Ngày chính quyền địa phương phát động làm đường đal, trồng và chăm sóc hoa kiểng, bà con hưởng ứng rất nhiệt tình. Chúng tôi hiến đất, đóng góp ngày công lao động, chia sẻ để xây dựng phần lộ mà các hộ không có điều kiện làm”.
Với lợi thế đất giồng cát phát triển mạnh thâm canh cây màu, trong xây dựng nông thôn mới Long Sơn thực hiện tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả.
Điển hình như anh Danh Sa Nưl, ấp Sóc Dụp, xã Long Sơn mỗi năm có thu nhập trên 100 triệu đồng từ việc trồng màu kết hợp với chăn nuôi.
Anh Nưl cho biết: “Từ khi xây dựng nông thôn mới, xã đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông, việc đi lại của người dân thuận lợi nhiều, nhất là vào mùa thu hoạch hoa màu, thương lái đưa xe tải đến tận ruộng thu mua dưa hấu, đậu phộng, bí đỏ, bắp giống... không chỉ vậy, người trồng giảm chi phí sản xuất.
Gia đình có 0,5ha đất sản xuất 3 vụ/năm chủ yếu dưa hấu, đậu phộng, ớt chỉ thiên... lợi nhuận đạt 100 triệu đồng/ha. Ngoài ra còn giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động trong mùa thu hoạch, có thu nhập từ 150.000 – 250.000 đồng/ngày. Song song với cây màu, gia đình còn tận dụng hơn 0,2ha đất trồng cỏ nuôi 6 con bò sinh sản, lợi nhuận bình quân 40 triệu đồng/năm”.
Anh Danh Sa Nưl, ấp Sóc Dụp, xã Long Sơn (huyện Cầu Ngang) chăm sóc ruộng dưa hấu cho gia đình anh có thu nhập khá cao. (Ảnh: Phương Nghi) |
Ông Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn chia sẻ: Với sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, huyện, Long Sơn xây dựng thành công xã nông thôn mới và được công nhận vào đầu tháng 5/2022. Đến nay, 100% đường nông thôn được nhựa hóa và cứng hóa, đời sống người dân ngày càng khấm khá nhờ phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp; 94,5% nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng; hộ nghèo giảm còn dưới 2%...
Những thành tựu đạt được trên, theo ông Thạch Ru La, là đòn bẩy giúp Long Sơn phát triển trong những năm tiếp theo, tiếp tục thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực hơn để hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng; huy động các nguồn lực phục vụ công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; đồng thời, đẩy mạnh tổ chức sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hình thành được những vùng sản xuất tập trung chuyên canh những cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao...”.
| Trà Vinh phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đồng bào Khmer Phát huy những lợi thế về văn hóa Khmer, tỉnh Trà Vinh đã khai thác để mời gọi du khách đến trải nghiệm và khám ... |
| Sóc Trăng: Đổi thay vùng đồng bào dân tộc Khmer miệt biển Vĩnh Châu Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer miệt biển Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã và đang đổi thay từng ngày... |