📞

CEO các nước APEC đang quan tâm đến điều gì?

09:35 | 08/12/2016
Các lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc nhóm lạc quan nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đầu tư xuyên biên giới và Internet of Things sẽ là những xu hướng đầu tư chính của các doanh nghiệp các nước APEC.

Đó là một phần trong báo cáo kết quả khảo sát trong tổng số 1.154 lãnh đạo doanh nghiệp thuộc 21 nước Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - APEC (trong đó có 54 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam) được thực hiện từ tháng 5 -7/2016 của Công ty Kiểm toán PwC.

Đây là năm thứ 7, PwC thực hiện cuộc khảo sát này với tư cách Đối tác Tri thức của Hội nghị thượng đỉnh các Giám đốc điều hành (CEO) doanh nghiệp APEC, với mục đích nâng cao nhận thức về những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh và đầu tư trong khu vực. Hơn một nửa trong số người tham gia khảo sát là lãnh đạo các doanh nghiệp có doanh thu thường niên cao hơn 1 tỷ USD.

CEO Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư vào thị trường nội địa

Theo PwC, kết quả cuộc khảo sát cho thấy, tác động tích cực của các hiệp định thương mại là động lực khiến các lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam (CEO) thuộc nhóm lạc quan nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Bảng kèm theo).

So với các CEO tại những nền kinh tế khác thuộc APEC thì các CEO Việt Nam có xu hướng mở rộng đầu tư nhiều hơn trong năm tới. Vị thế trung tâm của Việt Nam trong các hiệp định thương mại khu vực cũng góp phần nâng cao triển vọng tăng trưởng.

Trong đó, mặc dù vào thời điểm hiện tại, khả năng TPP trở thành hiện thực đã giảm so với năm trước, nhưng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Các CEO tại Việt Nam đánh giá rằng tiến trình tự do hóa thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra nhanh hơn so với các CEO tại Mỹ và Nhật Bản. Họ cũng cho rằng nguồn nhân lực giá rẻ và có tay nghề là một động lực chính cho quá trình hội nhập kinh tế khu vực.

Mặc dù các chuyên gia kinh tế đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP khiêm tốn hơn trong năm nay, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn thuộc nhóm cao nhất trong khu vực.

PricewaterhouseCoopers (PwC) là một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay cùng với Deloitte, Ernst & Young và KPMG. PwC chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn kế toán (chiếm 45%), tư vấn tài chính (chiếm 29%), và thuế (chiếm 26%).

Nền kinh tế Việt Nam đang thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Dân số hơn 90 triệu người, thu nhập bình quân tăng trưởng nhanh chóng và chính sách cởi mở với sở hữu nước ngoài đang làm Việt Nam ngày càng thêm hấp dẫn. Trong bối cảnh đó, các CEO tin tưởng nhất vào khả năng tăng biên lợi nhuận của các hoạt động kinh doanh trong nước.

Về vấn đề này, ông Johan Nyvene - CEO, Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) nhận định, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sự hội nhập ngày càng sâu rộng của các nền kinh tế trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia khác trong khu vực đang chậm lại, dẫn tới việc các doanh nghiệp tại đó sẽ phải tìm cách đầu tư ra nước ngoài. “Vì vậy, Việt Nam đang trở thành một điểm đến không chỉ cho những nhà đầu tư đến từ các quốc gia phát triển mà cả những nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia”, Johan Nyvene nhấn mạnh.

Theo PwC, mặc dù triển vọng tăng trưởng trong khu vực không chắc chắn, các CEO khu vực APEC vẫn tiếp tục đầu tư vào những nền kinh tế trong khu vực để gieo mầm cho tăng trưởng trong tương lai. Trong số các lãnh đạo doanh nghiệp phụ trách thị trường Việt Nam, 76% dự định sẽ tăng đầu tư trong năm tới, cao hơn so với mức 53% của các CEO trên toàn khu vực APEC.

Cạnh tranh trong khu vực APEC ngày càng lớn

Khảo sát cho thấy, các tiêu chuẩn năng lực trong khu vực đang trở thành chuẩn mực cho các CEO tại APEC: 38% cho biết đối thủ hàng đầu của họ là một doanh nghiệp dẫn đầu khu vực APEC hoặc một công ty đa quốc gia có trụ sở tại một nền kinh tế mới nổi.

Đây là dấu hiệu cho thấy môi trường cạnh tranh thu hút các dòng vốn đầu tư đang thay đổi. Chỉ 2 năm trước thôi, 41% các CEO tại APEC nhận định rằng đối thủ hàng đầu là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại một nền kinh tế phát triển.

Cũng theo kết quả từ cuộc khảo sát này, PwC cho rằng, có hai xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp phản ánh kỳ vọng về tăng trưởng kinh doanh trong tương lai. Một là mở rộng qua biên giới thông qua đầu tư có mục tiêu, hai là mở rộng cách tiếp cận dữ liệu trong và ngoài doanh nghiệp.

Theo đó, hiện nay, trung bình mỗi lãnh đạo doanh nghiệp tại APEC đang đầu tư vào 7 nền kinh tế APEC khác. Đầu tư là lĩnh vực cạnh tranh lớn nhất trong bối cảnh tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu trong năm 2015.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng, song song với việc đẩy mạnh đầu tư xuyên biên giới nhằm kích thích tăng trưởng thì các doanh nghiệp cũng đang gặp phải nhiều quy định mới. Các CEO cho biết, họ sẽ tìm cách cân bằng giữa yếu tố pháp lý, chính sách và yếu tố thị trường khi quyết định kinh doanh ở nước ngoài. Điều này có nghĩa là các khoản đầu tư kinh doanh sẽ chảy nhiều hơn vào những nền kinh tế có điều kiện pháp lý phù hợp cho việc mở rộng kinh doanh.

Internet of Things ngày càng có sức mạnh

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT) đang mở ra những mô hình kinh doanh mới và kết nối chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng và đối tác cung ứng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Bluetech)

Làn sóng đầu tiên của sự kết nối này là xu hướng số hóa hoạt động, điển hình là trong các ngành công nghiệp và tiện nghi công cộng. Chẳng hạn như máy đo thông minh trong lĩnh vực cung cấp điện; cảm biến, robot học trong sản xuất công nghiệp.

“Chúng tôi còn nhận thấy IoT đang phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp (định vị gia súc bằng bộ cảm biến), nhà ở thông minh (máy đo nhiệt độ cảm ứng với sự hiện diện của chủ nhà), bán lẻ (quần áo thể thao có khả năng gửi dữ liệu sinh trắc học lên đám mây để phân tích trong thời gian thật), lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm. Có thể nói quy mô ứng dụng công nghệ IoT đã đạt đến điểm bùng phát”, đại diện PwC nhấn mạnh.

Cuộc khảo sát hơn 1.100 CEO khu vực APEC của PwC còn cho thấy, trong 3 năm tới, số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ IoT sẽ cao hơn số doanh nghiệp không ứng dụng công nghệ này.

Xu hướng thúc đẩy tự do trao đổi dữ liệu song song với tăng cường bảo mật dữ liệu sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp đầu tư trong bối cảnh các quốc gia cố gắng đưa hành lang pháp lý và chính sách bắt kịp hoặc thậm chí là đón đầu những bước tiến về IoT và quy mô ứng dụng công nghệ ngày càng rộng rãi, báo cáo của PwC nhấn mạnh.

 

(theo PwC)