Đại sứ M. Klepetko và phóng viên TG&VN. |
Tôi cho rằng rất cần thiết khi nhìn lại quá khứ tươi đẹp trong quan hệ hai nước, biết quan hệ ngoại giao đã thực sự bắt đầu như thế nào để rồi trân trọng và không nguôi khát vọng bồi đắp, phát triển nó. Giai đoạn chiến tranh, có nhiều người quân nhân, cố vấn an ninh Tiệp Khắc (Tiệp Khắc phân chia trong hòa bình thành CH Czech và Slovakia ngày 1/1/1993) đã sang và giúp đỡ Việt Nam. Năm 1950, Tiệp Khắc là một trong những nước đầu tiên công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau năm 1954, Tiệp Khắc cũng là một trong những nước đầu tiên mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
Những sợi dây kết nối
Thập kỷ 1950 là sự bắt đầu của một tình hữu nghị bền bỉ giữa nhân dân hai nước, từ quan hệ của hai nước trong khối xã hội chủ nghĩa đến mối quan hệ của những con người giữa hai châu lục. Có khoảng 200 nghìn người Việt Nam đã sang học tập tại Tiệp Khắc sau đó quay trở lại phục vụ đất nước. Chính họ đã tạo ra sợi dây kết nối tự nhiên giữa hai bờ ngôn ngữ và văn hóa khác biệt.
Bên cạnh giúp đỡ về đào tạo nhân lực, Tiệp Khắc cũng giúp Việt Nam xây dựng cơ sở vật chất trong thời kỳ khó khăn thông qua xây dựng bệnh viện Việt - Tiệp tại Hải Phòng, nhà văn hóa tại Hà Nội… Hiện nay, những cơ sở vật chất này vẫn hoạt động và được nhiều người Việt Nam biết tới. Đó thực sự là những điểm nhấn lịch sử tuyệt vời trong quan hệ hai nước.
Khi Tiệp Khắc được chia tách thành CH Czech và CH Slovak, quan hệ với Việt Nam có bị ngưng trệ một thời gian nhưng may mắn rằng ngay sau đó chúng ta đều nhận ra hai bên cần phải bắt đầu hướng quan hệ sang một khởi đầu mới. Đến thời điểm hiện tại thì tôi có thể tự hào nói rằng lịch sử đã, đang và sẽ được viết tiếp. Cộng đồng người Việt Nam tại CH Czech là một trong những cộng đồng người Việt đông nhất trên thế giới và cũng đông nhất trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hiện nay có khoảng 60 nghìn người Việt Nam sinh sống tại CH Czech, nhiều người trong số họ đã có quyền công dân CH Czech. Với một cộng đồng mạnh như vậy, người Việt tại Czech sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận xã hội Czech nói riêng cũng như EU nói chung.
Bước lên nấc thang mới
CH Czech và Việt Nam có mối quan hệ truyền thống lâu đời nhưng chúng ta sẽ không chỉ tồn tại với mối quan hệ đó mà phải cùng nhau đi xa hơn nữa. Trong nhiệm kỳ Đại sứ của mình, tôi muốn đưa quan hệ hai nước bước lên một nấc thang mới và mang tầm ý nghĩa mới. CH Czech chủ trương hướng quan hệ song phương theo hướng hiện đại dựa trên môi trường chính trị ổn định giữa hai nước, tập trung cho hợp tác phát triển kinh tế, nâng kim ngạch thương mại hai chiều.
Bên cạnh kinh tế, tôi nghĩ rằng du lịch cũng là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng. Tuy nhiên, nó chưa được phát huy hiệu quả, lẽ ra có thể có nhiều người hơn từ Czech tới Việt Nam mỗi năm. Trước thực trạng này, chúng ta cần có thêm sáng kiến để thu hút khách du lịch. Tôi cũng đang cố gắng hết sức để có thể mang một vài nét văn hóa của đất nước tôi đến Việt Nam. Ngoại trừ những người từng theo học hay sinh sống và làm việc tại CH Czech thì có rất ít người Việt Nam còn lại biết đến CH Czech. Đây là điều mà tôi luôn trăn trở.
Hai nước cũng cần chú trọng hơn nữa đến hợp tác giáo dục mặc dù số lượng học bổng của Chính phủ Czech đang giảm mạnh và hầu hết học sinh nước ngoài đều phải học tập theo diện tự túc. Tuy nhiên, nếu như các bạn chọn ngôn ngữ là tiếng Czech để học tập thì Chính phủ sẽ vẫn miễn học phí. Tôi muốn nhấn mạnh rằng nền giáo dục Czech khá hấp dẫn, có chất lượng cao với chi phí học đại học thấp hơn ở châu Âu, Mỹ, Australia.
Trước đây, CH Czech tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nặng tại Việt Nam bởi đây là một trong những ngành công nghiệp truyền thống, thu hút nhà đầu tư, đặc biệt trong khai thác mỏ. Tuy nhiên, thành công đạt được chưa thực sự xứng tầm. Hiện nay, cùng với sự phát triển của Việt Nam cũng như nỗ lực của Czech chuyển từ một nước truyền thống công nghiệp nặng sang định hướng công nghệ hiện đại, chúng tôi đang thay đổi môi trường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Viện Khoa học công nghệ hai bên đã ký kết một số thỏa thuận song phương, đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đầu tiên nhận hỗ trợ từ ngân sách của CH Czech. Hiện nay chúng ta đã lên kế hoạch cho những chương trình nghiên cứu công nghệ chung và hy vọng sẽ đưa lại kết quả cụ thể trong thời gian tới và không chỉ dừng lại ở tiếp cận lý luận mà sẽ tạo ra những sản phẩm, dịch vụ cụ thể.
Sẽ là năm đáng nhớ
Năm nay là một năm đặc biệt vì chúng ta sẽ kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao. Tôi mong rằng năm 2015, hai nước sẽ trao đổi nhiều chuyến thăm chính thức. Tôi rất vui vì biết rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam tới CH Czech đã được lên kế hoạch trong năm nay với đoàn tháp tùng gồm các bộ trưởng, cơ quan đoàn thể và cả doanh nghiệp. Điều này thực sự quan trọng và ý nghĩa vì chúng tôi mong muốn một sự hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa hai bên và một số dự án đang triển khai cũng cần có bước tiến mới. Trong chuyến thăm, hai nước sẽ ký kết những thỏa thuận quan trọng. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải tập trung vào hợp tác cụ thể không chỉ dừng lại ở việc ký kết biên bản ghi nhớ.
Trong khoảng sáu tháng cuối năm, Chủ tịch Thượng viện CH Czech có thể sẽ thăm Việt Nam, và tôi nghĩ hai bên còn trao đổi nhiều chuyến thăm chính thức khác nữa.
Song song với hoạt động chính trị, chúng tôi sẽ tổ chức một số diễn đàn với sự tham gia của doanh nghiệp Czech, chương trình biểu diễn ca nhạc với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đến từ Czech. Rất có thể chúng tôi sẽ tổ chức một lễ hội bia vào tháng Chín. Bia Czech rất nổi tiếng tại Việt Nam, các bạn có thể thấy bia của chúng tôi ở nhiều nhà hàng, có loại là nhập khẩu từ Czech nhưng có loại chỉ sử dụng công nghệ bia…
Nơi bình yên đến lạ!
Việt Nam không phải là quốc gia châu Á đầu tiên tôi đến thực hiện sứ mệnh ngoại giao của mình. Trước đó, tôi công tác nhiệm kỳ tại Iran, Iraq… - những nơi hoàn toàn khác với Việt Nam, buộc tôi phải tìm cách thích nghi kể từ thời tiết đến con người và công việc. Hiện nay tôi đã đi được hơn một nửa chặng đường tại Việt Nam và trước mắt tôi vẫn còn nhiều việc phải làm.
Có thể nói tôi mất tới một năm chỉ để biết về đất nước của các bạn, để thích nghi với mọi thứ tại đây. Vượt qua một năm khá khó khăn đó, tôi bắt đầu hành trình "hiểu" Việt Nam để đến bây giờ tôi có thể khẳng định rằng tôi yêu thích đất nước của các bạn, đặc biệt là du lịch quanh đất nước cong cong hình chữ S này. Thủ đô Hà Nội, nơi tôi và các đồng nghiệp sống và làm việc là một thành phố đẹp, có lịch sử lâu đời. Thật thích thú khi được đi bộ dọc phố cổ, ngắm nghía vẻ cổ kính toát lên từ mỗi mái nhà, khu phố, con đường.
Tôi đã đi hết khoảng hai phần ba các tỉnh, thành trên khắp đất nước Việt Nam, từ những thành phố phát triển đến những vùng núi xa xôi mà người dân phải sống trong nghèo khổ, thiếu thốn. Những địa danh tôi hay tới là Đà Nẵng, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Ninh Bình, Khánh Hòa… Việt Nam mang một vẻ đẹp tự nhiên. Tôi đã rất ngạc nhiên khi bước vào những hang động tại Phong Nha, Quảng Bình. Vẻ đẹp thiên phú đó các bạn cần nỗ lực gìn giữ và bảo tồn.
Đi nhiều tôi mới biết có những nơi ở Việt Nam đem cho con người cảm giác bình yên, thư giãn đến lạ.
Còn non nửa quãng đường nữa, không quá dài nhưng tôi nghĩ nó đủ để Việt Nam trở thành một tình yêu trong tôi!
Logo kỷ niệm 65 năm quan hệ CH Czech - Việt Nam: số 6 được biểu trưng bằng hình chiếc lá của cây đoạn, quốc thụ CH Czech; số 5 được biểu trưng bằng những khúc tre vàng Việt Nam, loài cây gắn liền với hình ảnh người dân Việt mạnh mẽ, kiên cường.
M. Klepetko
Đại sứ CH Czech tại Hà Nội