Trẻ đang gánh trên vai kỳ vọng mẹ cha?
Không ít bậc phụ huynh đang ép con luyện thi, tham gia các cuộc thi mà trẻ không thích, ép con đi học thêm mọi lúc mọi nơi, học ngày học đêm, học cả cuối tuần, để rồi lại đổ lỗi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quá tải. Thực tế, chương trình của chúng ta nhẹ hơn của các nước trên thế giới rất nhiều, chủ yếu chỉ nặng nề phần bài tập.
Phụ huynh vì ham thành tích nên kêu ca là chương trình quá tải. Tuy nhiên, chúng ta lại đưa con đi học thêm hết nơi này đến nơi khác để mong con "không bị bỏ lại phía sau" và giành thành tích cao. Phụ huynh muốn chương trình nhẹ nhàng để con có cơ hội đạt điểm cao hơn các bạn khác?
Câu hỏi được đặt ra, những điểm số có chắc chắn sẽ đem lại tương lai tốt đẹp, thành công cho các bạn nhỏ không? Những điểm số trẻ có được từ những buổi miệt mài đi học thêm liệu có giúp trẻ trưởng thành trong tương lai? Hay các bạn trẻ giỏi sách vở nhưng lại thiếu kỹ năng sống và dễ vấp ngã trên đường đời?
Thực tế, trong những năm gần đây, cứ có cải cách gì của giáo dục là dư luận lại lên tiếng chỉ trích, rồi cho rằng học sinh và cả giáo viên chưa quen với đổi mới này đã lại có đổi mới khác "lấn sân". Nhưng sau đó, nhiều người lại quay ra than thở là giáo dục nước ta lạc hậu, cần đổi mới.
Trong khi đó, mỗi cải cách mới của ngành giáo dục đều là những nghiên cứu rất nghiêm túc của nhiều nhà khoa học. Có thể có quyết sách chưa thực sự phù hợp nhưng có những chính sách rất ổn, rất sáng tạo. Vậy tại sao dư luận lại đánh đồng như vậy? Nên chăng, chúng ta bình tĩnh lại để nghe, để nhìn một cách khách quan hơn?
Trẻ ăn trên xe máy để nhanh vào lớp. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Điều đáng nói, nhiều người chê bai ngành giáo nước nhà, đổ đống tiền cho con học trường quốc tế để giảm bớt áp lực học tập. Tuy nhiên, nhiều trẻ học trường quốc tế vẫn không thoát được cảnh học thêm và gánh trên vai áp lực gấp bội từ kỳ vọng quá lớn phía cha mẹ. Phải chăng, nhiều trẻ đang bị chuyển từ áp lực này sang áp lực khác?
Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ lại đùn đẩy việc dạy trẻ cho giáo viên, nhà trường nhưng chẳng tin cô, tạo sức ép lên cô. Chúng ta mong giáo viên phải tôn trọng mình và yêu quý con mình nhưng can thiệp quá sâu vào chuyện dạy học ở trường có phải là biện pháp hay?
Thử nghĩ xem, nếu con chỉ xước một chút trên cánh tay, hay bị cô phạt đứng ở góc lớp, cha mẹ sẽ đến để đe dọa giáo viên, đề nghị Ban giám hiệu đuổi việc giáo viên đó. Vậy làm sao giáo viên có thể uốn trẻ vào nội quy, khuôn khổ? Không trao quyền cho giáo viên, sao dám mong họ sẽ phát huy được năng lực của mình? Lớp học có 50 – 60 trẻ, phụ huynh muốn duy nhất con mình được ưu ái và chăm chút có phải là một yêu cầu bất thường hay không?
Không ít bậc cha mẹ né tránh dạy con, đổ trách nhiệm cho nhà trường, gia sư, ô sin, rồi ngạc nhiên thấy con xa lánh mình. Có bao nhiêu cháu nhỏ cả 24 tiếng đồng hồ chẳng gặp mặt cha mẹ được đến 2 tiếng? Có bao nhiêu trẻ em dành thời gian ở lớp học nhiều hơn ở nhà? Có bao nhiêu trẻ em dành thời gian cả ngày cho việc học nhiều hơn nghỉ ngơi? Có bao nhiêu phụ huynh dành trọn thời gian buổi tối cho con? Hay chúng ta đổ lỗi cho nỗi lo "cơm áo gạo tiền", hoặc đã bị iphone, ipad lôi kéo, “dụ dỗ”?
Ngoài thời gian trên lớp, nhiều bậc cha mẹ còn “ném” cho con chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng. Như vậy, làm sao con kết nối tình cảm với cha mẹ được? Cho đến khi con bước vào tuổi teen, con không nói chuyện gì với cha mẹ là lỗi của ai đây?
Trẻ "bùng nổ", vì đâu?
Phụ huynh thường sốt ruột khi con nhà khác được điểm 10, con nhà mình chỉ được điểm 9. Điều đáng nói, khi con không biết xúc ăn, không biết tự mặc quần áo, không biết tự chăm sóc cho mình thì cha mẹ lại cảm thấy bình thường, không sốt ruột như khi con bị điểm kém hơn bạn. Để rồi, khi con không thành công do kỹ năng sống quá kém, các bậc cha mẹ lại kêu trời là bất công, rằng “con tôi học giỏi vậy mà sao không thành đạt như bạn bè?”.
Phụ huynh không gương mẫu, không chú trọng dạy con đạo đức, nếu con hỗn láo, chúng ta lại ngơ ngác. Cha mẹ hãy tự hỏi lại mình, đã bao nhiêu lần mình vượt đèn đỏ, chen lấn xô đẩy? Đã bao nhiêu lần mình làm sai nhưng không xin lỗi, không chào hỏi, nói trống không với người xung quanh?
TS. Vũ Thu Hương. (Ảnh: NVCC) |
Nếu hàng ngày nhìn những tấm gương như vậy để học hỏi, liệu rằng con có thể có được tư cách đạo đức tốt không? Hay trẻ cũng sẽ có thái độ hỗn láo, bất kính với mọi người và sẵn sàng dùng bạo lực một khi cảm thấy khó chịu, không vừa lòng?
Các bậc cha mẹ áp đặt con, ép buộc đủ thứ, không chia sẻ, lắng nghe con rồi ngạc nhiên khi thấy con… bùng nổ. Đã bao giờ chúng ta thử sống trong hoàn cảnh của các con để hiểu chưa? Chúng ta có biết rằng các con đang kiệt sức vì chuyện học? Hay phụ huynh chỉ biết o ép con, bắt con học trường mình thích, học ngành mình mong muốn. Chúng ta muốn con "chọn bạn mà chơi" nên thích con chơi với bạn này, ép con tẩy chay bạn kia, yêu cầu con tham gia nhóm này, o ép con rời xa nhóm bạn khác…
Mỗi khi con buồn nản, muốn ở bên chia sẻ với cha mẹ, chúng ta lại giáo huấn đạo đức, khiến các con cảm thấy mệt mỏi. Với cuộc sống như vậy, liệu trẻ có thể chịu đựng được mà không bùng nổ?
Các bậc cha mẹ cứ hồn nhiên chăm bẵm, bao bọc con như thế. Để rồi sau này con lớn lên lại ngạc nhiên khi thấy con không thích nghi và phát triển, lúng túng và vụng về, không linh hoạt và thành công.
Một con người mà ngay cả tự nấu ăn còn không làm được, quần áo thay ra không biết giặt sạch, thử hỏi sao biết làm điều gì tốt đẹp để trưởng thành và đem lại thành công?
Bất kể việc gì cha mẹ cũng thu xếp và giải quyết cho con hết, vậy đến lúc gặp chuyện khó khăn, vướng mắc làm sao trẻ biết cách xử lý các vấn đề để tìm được lối ra? Phụ huynh luôn mong con đúng đầu lớp, đem về nhiều thành tích nhưng lại lấy đi cơ hội cho con được tự chủ, tự khẳng định mình. Cái lỗi này thuộc về ai?
Phải chăng các bậc phụ huynh đang rất mâu thuẫn trong việc nuôi dạy con?