"Tôi bước chân vào đất đai của nghệ thuật tương đối sớm - anh nói - Sau một vài biến cố của gia đình, tôi bắt đầu một cuộc sống riêng tư không phẳng lặng và từ đó tôi rơi vào cơn mộng mị triền miên. Bài hát đầu tiên của tôi có lẽ là Ướt mi, Thanh Thúy hát trong phòng trà những năm 59. Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và cuộc sống hình thành. Tôi e cũng từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt".
"Sau ngày thành phố Huế giải phóng - anh Sơn nói với các học viên trường Viết văn - Tôi có một đêm trắng trên đỉnh đèo phía nam thành phố. Đó là cái đêm ngắn vô cùng, dài cũng vô cùng. Ngắn vì tôi không thể hình dung ra chỉ chớp loáng, đúng là chỉ như ảnh chớp thành phố Huế đã bước ra hòa bình, tự do. Chóng vánh khó tưởng tượng. Dài vô cùng vì tôi mong trời sáng nhanh, để được gặp một ngày hòa bình mới mẻ. Cái đêm ấy, tôi đã nghĩ rất nhiều về ngày mai. Mỗi ngày, tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm. Đời sống thật sự không tiềm ẩn điều gì mới lạ. Có lẽ vì thế, vì sự quen mặt mỗi lúc mỗi gần gũi, thắm thiết hơn, nên tôi càng thấy yêu mến cuộc đời. Như đứa con ngoan không tuyệt tình nổi với rẫy sắn, nương khoai, nơi có bà mẹ suốt đời mắt không sáng nổi một ngày trẩy hội. Cuộc sống với tôi như là ân huệ. Tôi sẽ hát cho cuộc sống, đồng bào, cho hòa bình như là sự hiến dâng trọn vẹn. Tôi dâng đời tôi cho con đường chạy có cái đích mà từ rất trẻ tôi đã mường tượng sẽ dấn thân để đến".
Cả cuộc đời Trịnh Công Sơn là dâng hiến, chưa bao giờ nghĩ đến dùng những sáng tác của mình để kinh doanh. Xin lỗi, người viết bài báo nhỏ này đã làm phiền nhắc đến chuyện tiền nong trong khi anh đành yên giấc ngàn thu. Bởi, cả đời anh không nói đến chuyện ấy, anh chỉ mong sáng tác của mình như vòng tay lớn, như người bạn đến với mọi người, như tri âm, hiến trọn một đời để mai sau dù có là cát bụi, thì sỏi đá cũng còn có nhau.
Bạn bè và công chúng yêu nhạc Trịnh bao năm vẫn một niềm tin yêu và kính trọng người nhạc sĩ tài hoa của mình như một tấm gương không bao giờ phai mờ dù đã có lúc anh đi xuyên qua những ngày, như anh nói, là tuyệt vọng và đau buồn.
Anh với những Ướt mi, Diễm xưa, với Hạ trắng, với Hà Nội mùa thu... là bất tử. Không biết bao nhiêu đêm đi qua phố phường, qua những thôn ổ, tiếng hát những ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn vọng ra từ những mái nhà, tôi nghĩ Trịnh Công Sơn. Ý nguyện dâng hiến, ý nguyện hát cho đồng bào tôi nghe của anh được giữ gìn trong trái tim bao người.
Nay anh đã mất, người sống chiếu theo Luật Bản quyền mà tìm cách định giá từng suất diễn, từng khúc hát của anh để thu tiền. Việc làm này đúng hay không, tôi không bàn. Tôi ngờ việc làm của người đi sau tìm cách hưởng lợi từ một tài năng có thể làm đau lòng người đã khuất.
Bởi Trịnh Công Sơn chưa bao giờ nghĩ tới chuyện "bán vé" nói riêng, và hưởng lợi nói chung từ những tác phẩm của anh. Nó ra đời như anh nói, để vui chơi với nó, và để chúng ta quên đi. Trước ước nguyện bình dị và đáng trân trọng của nhạc sĩ như vậy, sao lại tính chuyện thu tiền?
Tôi có quan sát một số chương trình văn nghệ của học sinh, sinh viên từ cấp học cơ sở đến trung cấp, cao đẳng và đại học thấy hầu như không có ca khúc Trịnh Công Sơn. Điều này là bình thường, vì nhạc Trịnh dành cho một lớp người nhiều tâm trạng hơn, nó hợp một mình, với phòng trà và những đêm tình ca.
Nhưng, chừng 24 triệu học sinh, sinh viên nghĩa là gần một phần ba dân số quốc gia - lớp người tương lai của đất nước đang ít gần gũi với ca khúc của Trịnh Công Sơn là điều ta đáng nghĩ về sự quảng bá, chứ không phải kinh doanh trên tài sản của người đã khuất.
Vì thế, nên chăng, thay vì thu tiền bản quyền để làm quỹ từ thiện nào đó, thì riêng với trường hợp Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ từ lâu đã là của số đông, thì có một tuyên bố của người kế nhiệm, dành toàn bộ sáng tác của tài năng nước Việt cho công chúng mà nhạc sĩ hằng mong "nhặt được" những ca khúc của anh.
Làm như vậy, cũng là làm từ thiện cao cả, là một dịp bồi đắp thêm lòng yêu mến của công chúng với nhạc Trịnh Công Sơn, và đỡ phải gây ra những phiền toái không cần thiết vì lòng tốt của các quý nhân trong gia đình nhạc sĩ. Trịnh Công Sơn từng viết: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi...".
Nói như anh Sơn, Eva ăn trái cấm và sự sống bắt đầu hình thành. Nhưng, anh Sơn ạ, có những trái cấm vô tình ăn phải là sự sống trở nên vẩn đục.
Theo Thời Đại