Cựu Tổng thống Trump từng phát động cuộc chiến thương mại vào đầu năm 2018 bằng cách áp thuế lên pin Mặt trời, máy giặt, nhôm và thép. Mặc dù các mức thuế quan không chỉ áp dụng cho các sản phẩm của Trung Quốc, nhưng là kết quả của việc ông Trump tin rằng nền kinh tế Mỹ đang bị tổn hại bởi các hoạt động kinh doanh không công bằng của Trung Quốc.
Nhiều người hy vọng cuộc chiến thương mại sẽ củng cố nền kinh tế Mỹ bằng cách khuyến khích các công ty đưa việc làm trong lĩnh vực sản xuất trở lại nước này và giảm thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng với Trung Quốc.
Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách áp thuế lên hàng hóa Mỹ và kiểu “ăn miếng trả miếng” này lặp đi lặp lại với 5 đợt áp thuế bổ sung lên các sản phẩm khác nhau.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhất trí ngừng leo thang các đợt tăng thuế vào tháng 1/2020, với việc Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ để đổi lấy mức thuế thấp hơn đối với một số sản phẩm.
Khi ông Trump rời nhiệm sở vào tháng 1/2021, mức thuế quan trung bình mà mỗi bên áp dụng là 20,7% và bao gồm 66,4% hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden không có dấu hiệu nào cho thấy ông có ý định sớm kết thúc cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Theo Thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc cần mua hàng hóa và dịch vụ trị giá 502,4 tỷ USD của Mỹ vào các năm 2020 và 2021. (Nguồn: AFP) |
Cuộc chiến thương mại đã thất bại
Ban đầu, cuộc chiến thương mại đã thúc đẩy một sự gia tăng nhỏ về việc làm trong các ngành công nghiệp thép và nhôm của Mỹ. Tuy nhiên, theo ước tính, người tiêu dùng nước này đã trả khoảng 900.000 USD hằng năm cho mỗi công việc trong ngành thép được tạo ra hoặc giữ lại - gấp 13 lần mức lương trung bình của công nhân thép.
Sau đó, những thành quả của cuộc chiến đã biến mất trong đại dịch Covid-19. Công suất thép dư thừa của thế giới cao gần gấp 6 lần năng lực sản xuất của ngành thép Mỹ, vì vậy, cố gắng phục hồi ngành này thông qua thuế quan luôn là một cuộc chiến khó khăn.
Các loại thuế quan cũng không cải thiện được tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ, vốn đạt mức cao kỷ lục 859,1 tỷ USD vào năm 2021.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng 14,5% lên 355 tỷ USD, phản ánh cả việc Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc cũng như việc Trung Quốc không thực hiện đúng cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong năm 2020 so với năm 2017.
Theo Thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc cần mua hàng hóa và dịch vụ trị giá 502,4 tỷ USD của Mỹ vào các năm 2020 và 2021 để đáp ứng các cam kết, nhưng nước này mới chi khoảng 288,8 tỷ USD.
Cuộc chiến thương mại cũng đã gây hại cho người tiêu dùng Mỹ. Các nhà kinh tế thấy rằng, thuế quan do các quốc gia lớn áp đặt dẫn đến giá cả “chuyển dịch không hoàn toàn” - các công ty muốn tiếp tục xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia áp thuế sẽ giảm giá và chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không có sự chuyển dịch nào như vậy xảy ra trong chiến tranh thương mại. Các mức thuế quan được chuyển qua người tiêu dùng và tổng thu nhập thực tế đã giảm nhẹ ở cả Mỹ lẫn Trung Quốc.
Không thể kìm hãm lạm phát
Lạm phát ở Mỹ đã tăng 7,5% so với năm ngoái - mức tăng lớn nhất trong vòng 40 năm qua. Những bất cập của cuộc chiến thương mại khiến thuế quan dễ dàng trở thành “vật tế thần” cho vấn đề lạm phát.
Nhưng thuế quan không phải là động lực chính của lạm phát và việc bãi bỏ chúng có thể sẽ không làm chậm tốc độ tăng của lạm phát.
Sự tăng tốc của lạm phát bắt đầu vào tháng 3/2021, hơn 3 năm sau khi cuộc chiến thương mại bắt đầu.
Khoảng thời gian đó cho thấy lý do tại sao đổ lỗi cho thuế quan gây ra lạm phát là không hoàn toàn đúng. Giá các mặt hàng bị đánh thuế như tấm pin Mặt trời và thép cuộn cán nóng thực sự đã giảm vào năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 khiến lạm phát gia tăng.
Tuy nhiên, những người đổ lỗi cho cuộc chiến thương mại khiến giá cao hơn cũng không hoàn toàn sai.
Thuế quan của Mỹ đã tăng 49,1 tỷ USD trong giai đoạn từ quý IV/2016 đến quý III/2021, đạt 85,7 tỷ USD. Mức tăng này chiếm 0,3% trong tổng số 16.000 tỷ USD mà người tiêu dùng Mỹ chi cho các khoản chi tiêu cá nhân.
Việc bãi bỏ các mức thuế quan ít nhất sẽ giúp giảm giá tiêu dùng ở mức độ nào đó, nhưng sẽ chẳng giúp ích được gì nhiều để ngăn chặn làn sóng lạm phát đang gia tăng.
Giải pháp sẽ khá đơn giản nếu thuế quan là động lực chính gây ra lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát đang làm tăng giá tất cả mọi thứ, không chỉ hàng hóa bị đánh thuế.
Việc bãi bỏ thuế quan có thể giúp giảm nhẹ lạm phát, nhưng số hàng hóa chịu thuế quan trong cuộc chiến thương mại sẽ không thể bù đắp đà tăng giá thực phẩm, nhà ở và nhiên liệu - vốn đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống hằng ngày của người Mỹ.