Gần 50 năm định cư tại Brazil, GS. TS Phan Văn Ngân đã dành phần lớn cuộc đời mình để giảng dạy, hướng dẫn các sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh tại Hải học viện, Đại học São Paulo nghiên cứu về sinh vật hải dương ở Nam Cực.
GS. TS Phan Văn Ngân. |
Niềm tự hào của cộng đồng
GS. TS Phan Văn Ngân sinh năm 1936, tại Hải Dương. Năm 1958, khi đang học năm thứ nhất khoa Toán, Đại học Quốc gia TP. HCM, chàng sinh viên 21 tuổi Phan Văn Ngân giành được học bổng của chính phủ Nhật Bản và sang đất nước mặt trời mọc du học.
Sau khi lấy bằng tiến sĩ ngành Thủy sản tại Trường Đại học Tokyo và làm việc tại Nhật Bản một thời gian, năm 1974, Phan Văn Ngân được Hội đồng khoa học Tiểu bang São Paulo và Hội đồng Khoa học Liên bang của Brazil hỗ trợ tham gia nghiên cứu về cá tại Hải học viện thuộc Trường Đại học São Paulo.
Năm 1979, Phan Văn Ngân được phong hàm Giáo sư, làm công tác giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên bậc cao học và tiến sĩ viết luận án về hoàn cảnh sinh lý học của sinh vật hải dương. Từ năm 1998, người con gốc Việt trở thành Giáo sư chủ nhiệm bộ môn.
Năm 1981, chính phủ Brazil quyết định gia nhập nhóm những nước nghiên cứu về đại lục Nam Cực thuộc Hiệp ước Nam Cực và bắt đầu việc nghiên cứu tại đại lục này. Trong đó, Hải học viện thuộc Trường Đại học São Paulo nơi GS. TS Phan Văn Ngân công tác được lựa chọn để thành lập Đoàn nghiên cứu Nam Cực nhằm thực hiện một số những nghiên cứu trong chương trình.
Đoàn gồm các giáo sư, chuyên gia về hải dương vật lý học, hải dương hóa học, hải dương sinh vật học, địa chất học, khí tượng học... của Trường Đại học São Paulo và những trường đại học khác của Brazil. Họ tích cực tham gia những chương trình nghiên cứu quốc tế và quốc gia tại vùng biển Bán đảo Nam Cực trên tàu nghiên cứu hải dương Prof. Besnard của Trường Đại học São Paulo. Hai lần GS. TS Phan Văn Ngân giữ trọng trách trưởng đoàn nghiên cứu.
Giáo sư Ngân chia sẻ: “Tất cả những nghiên cứu của đoàn đều được thực hiện ở biển vào mùa Hạ hay vào mùa Thu ở Nam bán cầu khi biển không có băng và thời tiết không khắc nghiệt. Khi cần phải làm việc vào mùa Đông ở biển, đoàn dùng tàu phá băng của các nước khác. Tôi tham gia hầu hết những chuyến đi nghiên cứu của đoàn và hai lần làm trưởng đoàn nghiên cứu”.
Sau khi đoàn nghiên cứu Nam Cực không còn hoạt động, GS. TS Phạm Văn Ngân tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy và hướng dẫn sinh viên viết luận án trong Chương trình nghiên cứu Nam Cực của Brazil, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Nam Cực của Brazil trên đảo King George vùng Bán đảo Nam Cực cho đến năm 2016.
Trong thời gian này, ngoài việc nghiên cứu, GS. TS Phạm Văn Ngân còn đại diện Brazil trong Ủy hội quốc tế bảo vệ tài nguyên sinh vật đại lục Nam Cực từ năm 1989-1998.
Ông nói: “Tôi không phải người Việt Nam duy nhất đã tới đại lục Nam Cực. Có một lần tôi đang làm việc tại Trung tâm, tôi đã gặp và trò chuyện với một phụ nữ trẻ người Việt Nam. Tôi được biết, mới đây, có thêm một sĩ quan Mỹ gốc Việt cũng đã bay tới một trung tâm nghiên cứu của Mỹ trên đại lục Nam Cực”.
Giờ đây, GS. TS Phan Văn Ngân đã về hưu. Tuy nhiên, giáo sư vẫn tham gia những cuộc hội thảo hay thuyết trình về những vấn đề khoa học. Đặc biệt, ông thích đọc sách, báo chí khoa học và viết sách. Khi có thời gian rảnh, ông còn thích vào bếp làm món ăn Việt Nam.
Trung tâm nghiên cứu Nam Cực “Comandante Ferraz” của Brazil trên đảo King George, nơi GS. TS Phan Văn Ngân từng làm việc. |
Vun đắp tình hữu nghị Brazil - Việt Nam
GS. TS Phan Văn Ngân cho biết, cộng đồng người Việt ở Brazil có khoảng 200 người. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhờ tuân thủ việc giãn cách, dựa theo những bài học từ trong nước, người Việt và gia đình ông tại Brazil an toàn vượt qua dịch bệnh.
Ông kể: “Để phòng ngừa việc lây nhiễm bệnh, gia đình tôi thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sống cách ly với xã hội bên ngoài, đeo khẩu trang… Gia đình mua thực phẩm và những thứ cần thiết hàng ngày trên mạng hay mua qua điện thoại, giao tận nhà. Trước khi đem vào trong nhà, mọi thứ đều được rửa bằng thuốc hay lau chùi bằng cồn 70%. Chúng tôi đã tiêm hai mũi vaccine phòng dịch và đang chờ đợi để được tiêm mũi thứ ba”.
Giáo sư chia sẻ, tại Brazil có hai nhà hàng Việt Nam, do người cùng một gia đình người Việt kinh doanh. Hai nhà hàng có những món ăn thuần Việt và rất đông thực khách. Ngoài ra, còn có một tiệm ăn Brazil có một vài món ăn Việt Nam. Bà chủ tiệm sang du lịch Việt Nam, yêu thích ẩm thực Việt Nam và đã học làm một vài món ăn Việt. Chính vì thế, khi trở về, bà đã làm một số món ăn Việt bằng nguyên liệu của Brazil và kinh doanh trong tiệm của mình.
GS. TS Phan Văn Ngân nhấn mạnh, cộng đồng người Việt tại Brazil đoàn kết. Những ngày Tết Nguyên đán, cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil, mọi người thường hay gặp mặt, trò chuyện và nấu các món ăn Việt Nam để vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
Theo GS. TS Phan Văn Ngân, quan hệ thương mại hai nước Việt Nam - Brazil trong những năm qua phát triển nhanh và trên đường hướng thuận lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, theo GS. TS Phan Văn Ngân cần phải tăng cường quan hệ giao lưu giữa hai nước hơn nữa.
“Rất ít người Brazil biết về Việt Nam cũng như rất ít người Việt Nam biết về Brazil. Có một số người Brazil biết Việt Nam qua các tin tức về chiến tranh cũng như có một số người Việt Nam biết Brazil qua những thông tin về cầu thủ bóng đá”, ông chia sẻ.
Để mối quan hệ giữa Việt Nam và Brazil ngày càng phát triển, theo PGS. TS Phan Văn Ngân, cần tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch. Đây là những công cụ hữu hiệu để làm tăng tình hữu nghị quốc tế.
Ông nói: “Tôi biết một vài người bạn người Brazil đi du lịch Việt Nam. Họ đều rất thích những thắng cảnh và những món ăn truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi, để thu hút du khách Brazil, Việt Nam cần quảng bá, giới thiệu nhiều hơn nữa”.
Là người tích cực kết nối tình hữu nghị giữa hai đất nước, GS. TS Phan Văn Ngân luôn mong cho tình hữu nghị Brazil và Việt Nam ngày một phát triển và vững bền.