Ngày 18/10, tại Học viện Ngoại giao, thầy và trò Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại đã tưng bừng tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa. Đây cũng chính là một hoạt động ý nghĩa trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Học viện Ngoại giao trong năm 2019 tới đây.
Tham dự Lễ kỷ niệm có Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng; Phó Giám đốc Học viện Lê Hải Bình; Giám đốc Trung tâm hướng dẫn Báo chí nước ngoài Trịnh Tú Lan; Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Dương Văn Quảng; đại diện Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng; đại diện một số đơn vị trong Bộ, Học viện Ngoại giao; một số trường Đại học; tổ chức quốc tế; công ty truyền thông và các đơn vị hợp tác với khoa....
Từ những khó khăn ban đầu
Trong lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Phó Trưởng khoa Lý Thị Hải Yến bồi hồi ôn lại chặng đường 10 năm qua. Cô Hải Yến cho biết, 10 năm trước, khi Việt Nam dần hòa nhập với sự phát triển chung của thế giới, Việt Nam khẳng định được vai trò của mình trên trường quốc tế, nhận thấy tầm quan trọng của truyền thông quốc tế trong hội nhập và phát triển là điều không thể thiếu, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã trao trách nhiệm cho Học viện Ngoại giao thành lập Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại. .
Phó Trưởng Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại Lý Thị Hải Yến ôn lại chặng đường 10 năm qua. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Những ngày chuẩn bị cho sự ra đời của Khoa, dưới sự chỉ đạo của Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Dương Văn Quảng và Phó Giám đốc Học viện Ngô Duy Ngọ trực tiếp phụ trách Khoa, cùng trưởng khoa Lê Thanh Bình đã gánh vác trách nhiệm nghiên cứu và mở ngành đào tạo truyền thông quốc tế. “Đó là những năm tháng không thể quên của những người tiên phong mở Khoa và sau là mở ngành học với những đêm dài nghiên cứu và trao đổi qua lại. Những ngày đó, những giảng viên trẻ như chúng tôi đã nhận được sự chỉ đạo và chia sẻ kinh nghiệm rất chân thành của các thầy Ngô Duy Ngọ, thầy Lê Thanh Bình... ”, cô Yến xúc động nhớ lại.
Để Khoa có thể được hình thành, đó còn là sự hỗ trợ đặc biệt của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Học viện, các phòng chức năng đào tạo, văn phòng… đặc biệt là trong quá trình hoàn tất thủ tục để Bộ Giáo dục đào tạo chấp nhận cho mở ngành truyền thông quốc tế - một ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam vào năm 2009.
Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại được thành lập với nền móng là 3 giảng viên. Tuy nhiên, các giảng viên vẫn phải thường xuyên tham gia hoạt động đối ngoại, công tác học tập nâng cao trình độ chuyên môn, khiến những ngày đầu trở nên thật sự khó khăn.
Những kết quả đáng tự hào
10 năm trôi qua kể từ những ngày đầu thành lập, Khoa đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Nhân lễ kỷ niệm, Giám đốc Học viện Nguyễn Vũ Tùng đã nhấn mạnh rằng, Khoa có quyền tự hào về những điều mình đã làm được trong chặng đường 10 năm đó. Đó là việc đứng đầu cả Học viện trong kỳ thi đầu vào, là đứng đầu về trình độ ngoại ngữ ở cả đầu vào đầu ra và chắc chắn với thành tích đó, việc đứng đầu đảm bảo cho sinh viên ở đầu ra là điều dễ hiểu, khi các em ra trường đều có việc làm và công việc tốt.
Giám đốc Học viện Nguyễn Vũ Tùng đã nhấn mạnh rằng, Khoa có quyền tự hào về những điều mình đã làm được trong chặng đường 10 năm đó. (ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong 10 năm qua, từ khi mới chỉ có 3 giảng viên, nay Khoa đã có10 giảng viên (trong đó có 3 PGS, TS và 7 Tiến sĩ, nghiên cứu sinh) cùng đội ngữ giảng viên thỉnh giảng từ các trường đại học, doanh nghiệp và cơ quan có chuyên môn sâu về truyền thông quốc tế. Số lượng sinh viên qua 9 khóa là gần 1000 sinh viên, với gần 500 em đã tốt nghiệp có công việc tốt và một số học lên bậc học cao hơn. Các em có thể tự tin làm việc trong các cơ quan nhà nước, quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.
Trong 10 năm qua, Khoa đã nghiên cứu gần 10 đề tài khoa học cấp Bộ và cấp cơ sở, giúp xuất bản 15 cuốn sách tham khảo, giáo trình, kỷ yếu hội thảo khoa học; cập nhật và hoàn thiện khoảng 30 đề cương môn học cho chương trình cử nhân; tổ chức các hội thảo chuyên đề truyền thông quốc tế và môn học hỗ trợ khác.
Hoạt động hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên cũng được đặc biệt quan tâm như định hướng hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình tiến hành các đề tài nghiên cứu. Đặc biệt, trong năm 2017, hai nhóm sinh viên nghiên cứu K43 của Khoa đã đạt 1 giải nghiên cứu đặc biệt xuất sắc và 1 giải bài nghiên cứu xuất sắc trong cuộc thi nghiên cứu về biển Đông. Trước đó, thầy trò khoa đã dành giải thưởng trong cuộc thi sáng tạo phòng chống tham nhũng VACI trong năm 2014 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Thanh tra chính phủ phát động với dự án ngoại giao minh bạch. Dự án được tiến hành trong suốt 1 năm với hoạt động online và offline, có tiếng vang trong cộng đồng.
Các hoạt động trao đổi, nghiên cứu học thuật cũng được tiến hành thường xuyên như hội thảo quốc tế, trong nước và viết báo khoa học. Khoa tổ chức hướng nghiệp giao lưu cho sinh viên với cơ quan doanh nghiệp, báo chí để sinh viên có thêm kiến thức thực tiễn về truyền thông quốc tế và có những định hưỡng rõ ràng trong sự nghiệp. Ngoài ra còn có các hoạt động ngoại khóa thu hút nhiều sinh viên các trường đại học ở Hà Nội.
“Khoa đã góp phần không nhỏ làm cho sự nghiệp đối ngoại của Việt Nam hoàn chỉnh và bài bản hơn. Sự trẻ trung và hiện đại của công nghệ đã giúp lan tỏa những sản phẩm truyền thông xây dựng hình ảnh và vị thế đất nước đến với quốc tế vươn xa hơn”, Giám đốc Học viện Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Vũ Tùng tin rằng, trong thời gian tới, Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại cùng Học viện Ngoại giao sẽ cùng phấn đấu và phát triển trở thành cơ sở hàng đầu ở Việt Nam về nghiên cứu giảng dậy quan hệ quốc tế và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp đối ngoại của Việt Nam.
Để làm được điều đó, trong thời gian tới, phát huy truyền thống của Học viện, Lãnh đạo Học viện sẽ tiếp tục ủng hộ sự phát triển của Khoa qua các chiến dịch tìm kiếm thầy cô giỏi chuyên môn về giảng dạy, cân đối nguồn lực để Khoa có thể xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường hoạt động ngoại khóa… để Khoa phát huy tiềm năng thế mạnh, tạo cơ hội cho các bạn sinh viên có sân chơi phát triển mình.
Giám đốc Học viện cho rằng, với những thành tựu đạt được cần phát huy, Khoa cần mở ra những lớp học ngắn hạn về truyền thông quốc tế như kỹ năng làm việc với phóng viên nước ngoài, kỹ năng làm việc trong môi trường báo chí quốc tế, các văn phòng truyền thông…. để phát huy tốt hơn nữa thế mạnh của mình, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Không quên những người đặt nền móng
Từng là một người trong cuộc, Nguyên Giám đốc Học viện Dương Văn Quảng vô cùng xúc động khi nhìn lại chặng đường 10 năm qua. Ông kể lại, việc thành lập khoa không phải là một quyết định dễ dàng, bởi khi đó có rất nhiều khó khăn khó vượt qua. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ, Học viện và thầy cô trong Khoa đã quyết tâm làm nên thành công ấy.
Ông cho rằng, thành công đó sẽ khó đạt được nếu không có công sức của tất cả các đơn vị trong bộ, thầy cô các khoa, cũng như đóng góp của tất cả các thế hệ sinh viên.
Nguyên Giám đốc Học viện Dương Văn Quảng (thứ 5 từ phải) cùng các thầy cô trong Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại. (ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nguyên Giám đốc Học viện Dương Văn Quảng nhấn mạnh lời tri ân tới các Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao về sự ra đời và trưởng thành của Khoa, như nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Đặng Đình Quý hiện tại là Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam lại Liên hợp quốc.
Nguyên Giám đốc Học viện Dương Văn Quảng cũng gửi lời cảm ơn đến những người góp sức làm nên Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, những sinh viên đã lựa chọn các ngành học của khoa để phát triển bản thân và các tổ chức cơ quan đã sử dụng nguồn nhân lực do Khoa và Học viện đào tạo nên.
Đại diện cho thế hệ giảng viên tham gia vào những ngày đầu thành lập, cô Lý Thị Hải Yến cho rằng, từ những năm tháng còn non trẻ, Khoa đã luôn nhận được sự giúp đỡ và cống hiến hết mình. Để đáp lại sự tin tưởng ấy, Khoa đã, đang và sẽ tiếp tục không ngừng phấn đấu, khơi dậy và thắp sáng niềm đam mê với truyền thông trong thế hệ sinh viên, để các em có thể tự do trong bầu trời ý tưởng và quyết tâm thực hiện ý tưởng sau khi ra trường.