📞

Chặng đường chông gai phía trước của phụ nữ Afghanistan

Tường Vy 13:55 | 14/09/2021
Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, có nhiều ý kiến lo ngại về những tiến bộ đạt được trong việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan bị kéo lùi.
Tấm rèm ngăn cách sinh viên nam và nữ trong một giảng đường đại học ở Kabul, Afghanistan.

Thực tế là Taliban đã có ngay những động thái đưa phụ nữ Afghanistan vào khuôn khổ.

Sắc lệnh chính thức đầu tiên do Bộ Nội vụ Afghanistan ban hành dưới chế độ Taliban là cấm các cuộc biểu tình không xin phép.

Theo sắc lệnh trên, không ai được xuống đường biểu tình mà không được phép của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ do Taliban lập nên. Những người tham gia hoạt động biểu tình không phép bị cảnh báo sẽ phải "gánh chịu hậu quả".

Cơ quan chức trách cũng yêu cầu những đơn xin phép biểu tình cần đề cập rõ tất cả các chi tiết liên quan như địa điểm, loại khẩu hiệu sẽ được sử dụng.

Lệnh cấm biểu tình không xin phép dường như chủ yếu nhắm vào các nhà hoạt động nữ, những người đi đầu trong các phong trào xuống đường phản đối Taliban kể từ khi nhóm Hồi giáo lên nắm chính quyền ở nước này vào tháng trước.

Mahbobe Nasrin Dockt, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Kabul nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng đòi quyền lợi, ngay cả khi không có sự cho phép chính thức.

Bộ Nội vụ do Taliban lãnh đạo thậm chí còn chưa bắt đầu công việc của mình. Chúng tôi nên xin phép ai? Rõ ràng là họ sẽ không cho phép chúng tôi một khi họ biết lý do tại sao chúng tôi xuống đường".

Nasrin Dockt đã tổ chức các cuộc tuần hành ở thủ đô Kabul của Afghanistan nhằm chống lại các nhà cầm quyền mới của quốc gia kể từ đầu tháng 9. Taliban đã lưu các dữ liệu về Nasrin Dockt vào hệ thống theo dõi và cảnh báo cô không nên tổ chức thêm bất kỳ cuộc biểu tình nào nữa.

Khoảng cách giữa cam kết và hành động

Phụ nữ Afghanistan đã sợ hãi Taliban có các hành động trả thù và hạn chế các quyền họ đạt được trong thời gian qua.

Trong thời gian nhóm Hồi giáo cầm quyền giai đoạn từ 1996-2001, trẻ em gái và phụ nữ không được đến trường và không được tham gia các hoạt động cộng đồng.

Sau khi nắm quyền trở lại, Taliban cam kết tôn trọng những tiến bộ đạt được về quyền của phụ nữ, nhưng dựa theo cách giải thích nghiêm ngặt của họ về luật Hồi giáo Shariah.

Ngày 13/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia cung cấp viện trợ cần thiết cho Afghanistan, hỗ trợ phụ nữ và những đối tượng bị đe dọa bởi Taliban. Phát biểu tại hội nghị các nhà tài trợ cho Afghanistan ở Geneva, ông Guterres cho biết: “Sau nhiều thập kỷ chiến tranh, đau khổ và bất an, họ có lẽ đang phải đối mặt với những giờ phút nguy ngập nhất”.

Bộ Phụ nữ bị loại bỏ, cho thấy con đường đấu tranh cho sự tiến bộ của phụ nữ sẽ có nhiều chông gai.

Chính phủ mới do Taliban thành lập đều là nam giới. Ngay cả trong Bộ Giáo dục, các chuyên gia nữ cũng vắng bóng.

Một nữ giảng viên từng làm việc tại một trường đại học ở Kabul nói với hãng tin AFP vào cuối tháng 8: "Bộ Giáo dục của Taliban chỉ hỏi ý kiến các giáo viên và sinh viên nam về việc khôi phục lại chức năng của các trường đại học".

Bà nói rằng điều đó cho thấy "sự ngăn cản có hệ thống đối với sự tham gia của phụ nữ trong quá trình ra quyết định" và "khoảng cách giữa các cam kết và hành động của Taliban".

Ông Abdul Baqi Haqqani, quyền Bộ trưởng Giáo dục đại học của Taliban, cho biết gần đây rằng phụ nữ sẽ được phép học đại học nhưng không được học chung cùng nam giới.

Ông tuyên bố Taliban sẽ phát triển "một chương trình giảng dạy Hồi giáo hợp lý, phù hợp với các giá trị Hồi giáo, quốc gia và lịch sử”.

Ngoài ra, phụ nữ và trẻ em gái bị cấm chơi thể thao.

Một nhà hàng ở tỉnh Herat, khách hàng hoàn toàn là nam giới. Phụ nữ ít khi được xuất hiện ở nơi công cộng.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình SBS của Australia, Phó Trưởng Ủy ban văn hóa của Taliban Ahmadullah Wasiq cho biết, phụ nữ không thích hợp và không cần thiết chơi thể thao.

Ông Wasiq nói: “Tôi không nghĩ phụ nữ được phép chơi cricket. Trong môn cricket, họ có thể phải đối mặt với tình huống không được che mặt và cơ thể. Hồi giáo không cho phép nhìn thấy phụ nữ như thế".

Reuters ngày 14/9 dẫn lời ông Waheedullah Hashimi, nhân vật cấp cao trong Taliban, cho biết sẽ áp dụng toàn bộ luật Hồi giáo Sharia tại Afghanistan bất chấp áp lực từ cộng đồng quốc tế. Theo đó, phụ nữ nước này sẽ không thể làm việc trong cơ quan chính phủ, ngân hàng, công ty truyền thông...

Tuy nhiên, nhà hoạt động Basira Taheri từ thành phố Herat phát biểu: "Giá trị của họ không phải là giá trị của chúng tôi.

Các chiến binh Taliban đã sống cả đời ở một số nơi xa xôi, cách xa nền văn minh và chỉ học cách chiến đấu. Họ hầu như không thể đọc hoặc viết. Nhiều người trong số họ không biết về cuộc sống thành phố.

Hai mươi năm qua, xã hội Afghanistan đã thay đổi. Chúng tôi sẽ không cho phép Taliban tước đoạt quyền của chúng tôi”.

Ở Herat, Taheri thường xuyên tổ chức các chiến dịch đòi quyền lợi của phụ nữ, mặc dù thường xuyên bị phía Taliban tìm cách đàn áp và gây khó dễ.

Cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế

Các phong trào phản đối và sự chỉ trích từ các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ dường như khiến Taliban lo lắng.

Nhiều thông tin cho thấy các nhà báo đưa tin về các vấn đề phụ nữ đang bị Taliban cản trở. Gần đây, hai nhân viên của tờ báo nổi tiếng Etilatrus đã bị các chiến binh Taliban bắt giữ và đánh đập.

"Đây chỉ là một phần nhỏ trong những gì Taliban đã làm với các nhà báo", biên tập viên Saki Darjabai nói.

Một người hoạt động vì quyền phụ nữ ở Kabul (đề nghị giấu tên) nói: "Chúng tôi cần sự ủng hộ và đoàn kết của cộng đồng quốc tế".

Cô tin rằng, nếu không có sự hỗ trợ của quốc tế, phụ nữ Afghanistan không thể tổ chức các phong trào chống lại Taliban một cách hiệu quả.

Nhà hoạt động nhấn mạnh: "Taliban muốn được thế giới công nhận. Vì vậy, cộng đồng quốc tế phải đứng lên bảo vệ chúng tôi và quyền lợi của chúng tôi. Trước sức ép từ bên ngoài, họ sẽ nhượng bộ".

(theo DW)