Thanh Phong biểu diễn Xẩm Nghệ trong Lễ giỗ Tổ nghề hát Xẩm năm 2014. |
Người đưa Xẩm Nghệ ra Thủ đô
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đam mê ca hát ở Nghệ An, ngay từ nhỏ, Lê Thanh Phong đã thấm nhuần những làn điệu dân ca từ lời ru của bà, của mẹ. Năm học lớp 12, anh đoạt giải nhất của cuộc thi Tiếng hát tuổi hồng toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội. Khi đó, Thanh Phong tự soạn lời mới cho bài hát dự thi theo điệu Tứ Hoa của dân ca Nghệ An.
Ngay trong năm học đầu tiên tại trường Đại học Văn hóa (Hà Nội), anh đã trúng tuyển vào Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam và trở thành nghệ sĩ trẻ tuổi nhất trong đoàn. Anh cho biết: “Việc tham gia hoạt động nghệ thuật của tôi lúc ấy chỉ đơn giản là để phục vụ ngành học Quản lý văn hóa. Tôi nghĩ những trải nghiệm khi làm diễn viên, ca sĩ là điều không thể thiếu để trở thành một nhà quản lý giỏi”.
Đến với Trung tâm, anh may mắn được nhạc sĩ Thao Giang (Phó Giám đốc Trung tâm) chỉ dạy cách hát xẩm Hà Nội và những ngón nghề đàn bầu. Được các nghệ sĩ hàng đầu hướng dẫn, việc học hát không quá khó với Thanh Phong. Chỉ sau hai tháng, anh đã được biểu diễn tại sân khấu Chợ đêm Đồng Xuân. Tuy nhiên, trong lần đầu tiên lên sân khấu chuyên nghiệp, Phong hóa trang thành... con gái để phục dựng và biểu diễn múa Bồng - một điệu múa cổ của Hà Nội.
Kể từ đó đến nay, Thanh Phong đã có hơn bốn năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Trong đó, anh nhớ nhất lần biểu diễn Xẩm Nghệ An trong đêm nhạc từ thiện Vòng tay Mẹ vào tháng 9/2012. Đó có thể xem là lần đầu tiên mà thể loại âm nhạc truyền thống này chính thức biểu diễn tại Hà Nội.
Nhớ lại kỷ niệm, Phong chia sẻ: “Chương trình quy tụ một loạt ca sĩ nổi tiếng như Tấn Minh, Minh Chuyên, Đinh Mạnh Ninh... nên tôi rất lo lắng. Hơn nữa, việc tìm kiếm nhạc công có thể chơi Xẩm Nghệ ở Hà Nội là vô cùng gian nan. Cuối cùng, tôi may mắn gặp NSƯT Xuân Hoạch và mời được thầy kéo nhị để biểu diễn”. Tiết mục Thập ân phụ mẫu (theo điệu xẩm thương Nghệ Tĩnh) của Phong đạt được thành công ngoài mong đợi. Sau chương trình, anh nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn dân ca Nghệ Tĩnh tại Thủ đô.
Sau khi học xong năm thứ nhất tại Đại học Văn hóa, Phong trúng tuyển vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, ngành Lý luận phê bình âm nhạc dân tộc học khóa I. Hiện tại, anh đã tốt nghiệp cả hai ngành học và đang tập trung phát triển CLB Ví, Giặm tại Hà Nội do anh làm chủ nhiệm.
Giữa Hồ Tây nghe câu Ví, Giặm
Ngay từ những ngày đầu học Đại học, nhận thấy có khá nhiều đồng hương ở Thủ đô, Thanh Phong đã nung nấu ý tưởng thành lập một CLB Ví, Giặm để tụ họp và dạy hát. Thời gian đầu, việc kêu gọi các bạn trẻ Nghệ An và Hà Tĩnh đến với nhóm khá khó khăn. Đa phần họ muốn dành thời gian để đi chơi, giao lưu... thay vì đến sinh hoạt tại CLB âm nhạc dân tộc.
Phải vất vả lắm, anh mới tìm được mười người bạn có chung niềm đam mê. Trong những buổi sinh hoạt đầu tiên, anh phải tự tìm nhạc, phổ lời mới và dạy các bạn hát. Đến đầu tháng Ba năm ngoái, nhóm bắt đầu đi biểu diễn nhằm quảng bá cho loại hình dân ca này. Tiếng lành đồn xa! Ngày 19/5, nhóm của Phong được mời vào hoạt động dưới sự bảo trợ của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và đổi tên thành CLB UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ.
Sau một thời gian ngắn hoạt động, Thanh Phong đã táo bạo đổi mới cách làm để thoát khỏi sự nhàm chán trong việc dạy, học hát thông thường. Đến với CLB, các thành viên mới chưa phải học hát ngay. Các bạn được trang điểm, ăn vận như người xưa với váy thụng, áo yếm, áo nâu sòng; cùng nhau sinh hoạt tại cây đa, bến nước ở đình Xuân La (quận Tây Hồ)... để tưởng tượng ra cảnh đêm trăng phường vải của những tao nhân, mặc khách xưa. Mỗi buổi sinh hoạt đều được tổ chức với ba chặng: hát chào, hát đố và hát xe kết. Các thành viên còn được ứng tác, sáng tạo câu hát mới, phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Theo Thanh Phong, cái hay trong Ví, Giặm là người hát vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là khách thể thể hiện. Họ chỉ cần nắm được nhịp điệu, cách hát rồi tự sáng tạo chứ không phải câu nệ bài bản như những môn nghệ thuật dân gian khác.
Vào thứ Năm hàng tuần, CLB có buổi biểu diễn Ví, Giặm miễn phí tại đình Xuân La để phục vụ du khách nước ngoài trong tour du lịch Hồ Tây. Sau khi xem các tiết mục và giao lưu với nghệ nhân, các du khách sẽ được dạy một bài dân ca đơn giản để cùng hát tại bến thuyền.
Trong thời gian tới, CLB sẽ cử các thành viên cốt cán đến dạy hát Ví, Giặm tại một số trường đại học. Các lớp học mở cửa chào đón bất kỳ bạn trẻ nào muốn tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này.
Phong chia sẻ: “Khi biết tôi tự bỏ tiền túi để duy trì buổi sinh hoạt, nhiều người đã nói tôi là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Tôi không tự ái vì điều đó. Tất cả những việc tôi làm đều xuất phát từ tình yêu quê nhà và mong muốn ngày càng có thêm nhiều người biết đến các làn điệu dân ca”.
Bích Trâm