Tiềm năng của ChatGPT trong giáo dục là rất lớn. (Nguồn: SCMP) |
Timothy Lee Chi Chung, một thiếu niên đang theo học tại một trường cấp 3 ở Hong Kong (Trung Quốc) đã tìm đến ChatGPT - chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) đang gây bão trên toàn thế giới để hỗ trợ làm bài tập ở trường. Chỉ trong 2 giây, cậu đã có một danh sách 19 câu hỏi trắc nghiệm mẫu cho kỳ kiểm tra ngữ pháp tiếng Anh sắp tới.
“Tôi đã viết ra các câu trả lời của mình và yêu cầu ChatGPT cho biết tôi đã trả lời đúng bao nhiêu câu", cậu bé 16 tuổi, người sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT (DSE) vào năm tới, cho biết.
Theo Timothy, ChatGPT thực sự hữu ích cho công việc học tập và giúp bố mẹ cậu tiết kiệm được rất nhiều tiền mua sách bài tập bổ sung cho con.
Tạm biệt bài tập về nhà
Được công ty OpenAI có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) phát triển, tập đoàn Microsoft hậu thuẫn, khi vừa ra mắt vào tháng 11/2022, phần mềm hỏi đáp ChatGPT thu hút 100 triệu người dùng trên toàn thế giới trong vòng hai tháng, khiến nó trở thành ứng dụng có tốc độ thu hút người dùng nhanh nhất trong lịch sử.
ChatGPT đặc biệt hấp dẫn bởi có khả năng trả lời các câu hỏi về bất kỳ chủ đề nào, viết tiểu luận, sáng tác thơ, giải các bài toán, giải quyết các vấn đề về mã hóa máy tính và thậm chí đưa ra lời khuyên nhanh chóng cho các vấn đề cá nhân.
Tỷ phú công nghệ và chủ sở hữu Twitter Elon Musk đã chào đón sự ra đời của ChatGPT bằng dòng tweet: “Đó là một thế giới mới. Tạm biệt bài tập về nhà!”.
Rõ ràng, các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang có tác động đáng kể đến ngành giáo dục ở mọi cấp học khi có thể cung cấp cho sinh viên những trợ lý điện tử hỗ trợ làm bài tập, viết bài luận ở trường hay hoàn thành các bài nghiên cứu, thậm chí là luận án đại học trong nháy mắt.
GPT là từ viết tắt của “Generative Pre-Trained Transformer”, ứng dụng công nghệ này được lập trình để thu thập thông tin chủ yếu từ internet và nhiều nguồn thông tin khác nhau. Tuy nhiên, hiện đang giới hạn ở các tài liệu có sẵn tính đến năm 2021.
Tại Hong Kong, các sinh viên, giáo viên và giáo sư đại học đón nhận ChatGPT với sự háo hức, vừa nhiệt tình, ngưỡng mộ xen lẫn hoài nghi và lo lắng.
Các chuyên gia giáo dục đang cân nhắc lợi ích của ChatGPT như một công cụ giáo dục mới so với những nhược điểm của ứng dụng này, đặc biệt là sự lo lắng về khả năng gian lận và đạo văn.
Cô Michelle Chan Yuk Fan, một giáo viên môn tiếng Anh bậc THCS cho biết, điều lo ngại lớn nhất của cô là học sinh sẽ lạm dụng ChatGPT trong giờ học. “Đọc và viết là hai kỹ năng quan trọng trong việc học tiếng Anh. Tôi lo lắng học sinh của mình sẽ sử dụng các công cụ AI để nộp bài tập về nhà và bỏ bê việc học tập", cô Chan nói, đồng thời cho biết, với sự phổ biến ngày càng tăng của ChatGPT, cô sẽ cố gắng giao cho học sinh những bài tập viết phải hoàn thành trên lớp.
"Bằng cách này, tôi có thể đảm bảo bài viết của các em dựa trên kiến thức và sự sáng tạo của các em và có thể can thiệp nếu các em gặp khó khăn", cô nói.
Thay vì lo sợ, hãy thích nghi
Các tổ chức giáo dục đại học của Hong Kong, Đại học Hong Kong (HKU) và Đại học Baptist (HKBU) cho biết, trường học sẽ coi đó là đạo văn nếu sinh viên sử dụng các công cụ AI và trình bày bài luận giống tác phẩm gốc. Đại học Trung Quốc (CUHK) cũng cho biết, sẽ cho phép sinh viên sử dụng các công cụ AI “dưới sự cho phép” cho việc học tập nhưng sinh viên sẽ bị đuổi học nếu bị phát hiện sử dụng không đúng cách.
Giáo sư Wang Yang, Phó chủ tịch phụ trách phát triển thể chế, cho biết việc cấm ChatGPT trong lớp học sẽ là vô ích. “Chúng ta nên khám phá những cách để kết hợp những công nghệ này vào quá trình dạy và học bằng cách cung cấp nội dung học tập được cá nhân hóa và mang tính tương tác. Nếu không thể đánh bại, hãy cùng tham gia. Những công cụ này có khả năng nâng cao trải nghiệm giáo dục một cách đáng kể".
Ông cho rằng, người dùng nên tìm cách thích ứng với sự thay đổi bằng cách khai thác tiềm năng của các công cụ AI mới đồng thời khắc phục những hạn chế của chúng.
Tương lai, ChatGPT có thể được phép sử dụng như một công cụ hỗ trợ mới tại các kỳ thi. (Nguồn: HKEAA) |
Còn theo Giáo sư Guo Yike của HKUST, với môi trường giáo dục, tính hiệu quả của ChatGPT là liệu học sinh có biết cách đặt câu hỏi hoặc đưa ra hướng dẫn để đưa ra câu trả lời hay nhất hay không, chứ không đơn thuần là việc sử dụng AI để giúp làm bài tập.
“Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được các vấn đề như đạo văn và gian lận. Thách thức thực sự không phải là tìm cách cấm sinh viên sử dụng AI hay cấm họ tiếp cận công nghệ, mà là thay đổi giáo dục và kích thích tư duy phản biện của họ", Giáo sư Guo Yike cho hay.
Ông Yike cho rằng, các công cụ như ChatGPT thậm chí có thể thay đổi cách thức tiến hành các kỳ thi trong tương lai, với việc học sinh được kiểm tra dựa trên những câu hỏi mà họ sẽ hỏi thay vì câu trả lời mà họ đưa ra. “Tôi sẽ yêu cầu các học sinh đưa cho tôi những câu hỏi hay nhất thay vì câu trả lời đến từ máy", ông đề xuất.
Theo ông Ryan Whalen, Phó giáo sư khoa Luật của HKU, điều quan trọng đối với các nhà giáo dục là phải cởi mở về các ứng dụng của công nghệ tương lai, vì một công cụ AI như ChatGPT có thể hữu ích trong việc sản xuất nội dung.
“Chat GPT có thể giúp học sinh, sinh viên tham khảo để viết, đặc biệt là tìm kiếm các đoạn văn hấp dẫn, nhưng chúng tôi cần đảm bảo rằng sinh viên được đào tạo với tư duy phản biện khi sử dụng công cụ này chứ không đơn thuần dựa hoàn toàn vào nó. Chúng ta cần đào tạo những sinh viên đưa ra những lập luận thuyết phục, trở thành những nhà khoa học, luật sư hoặc nhà nhân văn sáng tạo. Nhưng trong tương lai, sự sáng tạo đó sẽ gắn liền với AI", ông Whalen khuyến nghị.
Giáo sư Eric Friginal, Trưởng khoa tiếng Anh và giao tiếp, Đại học Bách Khoa Hong Kong chia sẻ, mới đây một công ty Hà Lan chuyên về nội dung khoa học, kỹ thuật và y tế, đã ban hành hướng dẫn cho các tác giả về vai trò của ChatGPT hoặc các công cụ dựa trên AI.
Người phát ngôn của công ty cho biết những công cụ như vậy có thể được sử dụng để cải thiện khả năng đọc và ngôn ngữ của bài báo nghiên cứu, nhưng không thay thế các nhiệm vụ chính mà tác giả nên thực hiện, ví dụ như giải thích dữ liệu hoặc rút ra kết luận khoa học. Những nhiệm vụ này chỉ có thể được thực hiện bởi con người".
"Trong tương lai, các tác giả khi sử dụng công cụ AI như ChatGPT để tham khảo và hoàn thiện tác phẩm, công trình của mình thì những công nghệ này sẽ không được liệt kê hoặc trích dẫn với tư cách là tác giả – những người chịu trách nhiệm cuối cùng và chịu trách nhiệm về nội dung công việc của họ", ông Friginal nói.
Trước sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người dùng ChatGPT, chính quyền Hong Kong hiện vẫn chưa đưa ra cảnh báo về tác động của ChatGPT trong giáo dục, nhưng cũng đang có kế hoạch thành lập một bộ phận riêng biệt để nghiên cứu xem liệu công nghệ mới này có nên được quy định thông qua luật hay không.