GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. |
Đó là chia sẻ của GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, về vấn đề tuyển sinh đại học.
Đợt một của kỳ tuyển sinh đại học năm 2016 kết thúc ngày 19/8 nhưng đa phần các trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu do thí sinh ảo khá lớn. Một vấn đề khác lại được nêu ra là lượng sinh viên ra trường khá lớn nhưng chỉ có một số ít em được các nhà tuyển dụng lựa chọn. Nhiều người đưa ra giải pháp để giải quyết hai vấn đề trên, đó là cho phép các trường tự chủ tuyển sinh. Giáo sư có đồng ý với giải pháp này không?
Theo tôi, tự chủ tuyển sinh không giải quyết được khó khăn hiện nay là số sinh viên ra trường không có công ăn việc làm.
Tự chủ tuyển sinh có nghĩa là các trường được tự quyết định phương án tuyển sinh. Họ có thể xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập ở THPT; có thể tổ chức thi tuyển riêng hoặc liên kết với một số trường tổ chức thi tuyển. Theo dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các trường có thể chọn một trong 4 phương thức tuyển sinh: xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi tốt nghiệp THPT; sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT; phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh. Đó cũng là hình thức trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường.
Trong các phương thức tuyển sinh theo dự kiến đổi mới của Bộ, chỉ có phương thức 2 (sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh) là có thể đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đầu vào. Ba phương thức tuyển sinh còn lại chỉ đáp ứng được yêu cầu tuyển đủ chỉ tiêu của các trường, phần nhiều dẫn đến hạ thấp chất lượng đầu vào.
“Tự chủ phải đi kèm với trách nhiệm” Tôi nghĩ rằng tự chủ không có nghĩa là thích làm cái gì thì làm mà phải đi kèm với trách nhiệm. Đã đến lúc nước ta nên giao tự chủ cho các trường nhưng chỉ nên tự chủ về phương thức thôi chứ không nên tự chủ về trình độ hay về chỉ tiêu đào tạo. Mình nên áp dụng đi thôi chứ chờ đợi thì đến bao giờ mới đủ điều kiện vì tự chủ tuyển sinh, có sự sàng lọc của xã hội thì mới trưởng thành được. Thực tế, chất lượng đầu vào cao hay thấp cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng ở đầu ra. Điều quan trọng là nhà nước cần có một hệ thống dự báo ngành nghề, đào tạo phải gắn liền với việc làm để tránh tình trạng ồ ạt vào Đại học rồi lại tiu nghỉu khi ra trường. Ông Cao Văn Long, Bộ Khoa học & Công nghệ |
Việc tự chủ tuyển sinh tồn tại vấn đề, đó là một số trường tốp đầu tuyển sinh rất dễ dàng, nhưng những trường tốp dưới gặp khó khăn trong việc tìm sinh viên có chất lượng. Ông có ý kiến gì về giải pháp cho vấn đề này?
Nếu tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp THPT chung, lấy đó làm căn cứ xét tuyển cho tất cả các trường Đại học, Cao đẳng như thế này thì Bộ GD & ĐT cần thống nhất với các trường để sử dụng phần mềm tuyển sinh chung. Căn cứ yêu cầu của từng nhóm trường và phổ điểm chung, phần mềm tuyển sinh chung sẽ xác định điểm chuẩn tuyển sinh cho từng nhóm trường (tốp đầu, tốp giữa, tốp cuối).
Điểm chuẩn tuyển sinh này sẽ được sử dụng như là một tiêu chí để xếp hạng các trường trong tương lai. Những trường lấy điểm chuẩn sát điểm sàn không thể là trường tốp đầu, thậm chí không thể là trường tốp giữa.
Tuy nhiên, xét cho cùng, các trường có tuyển sinh được hay không phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng đào tạo của trường ấy, khả năng sinh viên trường ấy kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Nếu một trường đào tạo không tốt, sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm thì dù Bộ có thay đổi thế nào đi chăng nữa trường ấy vẫn khó tuyển sinh. Và trước sau gì thì đứng trước sức ép của xã hội, nhà trường cũng buộc phải thay đổi điều kiện, chất lượng đào tạo; nếu không thì phải giải thể hoặc sáp nhập vào trường khác. Có “sinh” thì có “diệt”, chuyện này cũng bình thường thôi.
Trong một cuộc tuyển kỹ sư của hãng Sam Sung tại Việt Nam vừa qua, có tới 7000-8000 ứng viên nhưng chỉ tuyển được hơn 100 người. Điều này có cho thấy chất lượng sinh viên được đào tạo còn nhiều vấn đề không, thưa ông?
Tôi không biết cụ thể số kỹ sư cần tuyển và tiêu chí tuyển của hãng Sam Sung vừa qua như thế nào nên khó bình luận về vấn đề này. Nhưng kỹ năng làm việc sau khi tốt nghiệp của sinh viên nhiều trường không đáp ứng được yêu cầu là sự thật. Lý do là tính sàng lọc trong đào tạo ở ta kém lắm: 100 người vào Đại học, Cao đẳng thì cả 100 người tốt nghiệp, phần lớn tốt nghiệp loại khá, giỏi hẳn hoi.
Một lý do quan trọng nữa là phần lớn các trường của ta dạy lý thuyết là chính, không gắn với đơn vị sử dụng lao động, thị trường lao động. Ngoại lệ có lẽ chỉ có hệ thống trường Y: sinh viên vừa được đào tạo ở trường Y vừa được đào tạo ở bệnh viện qua thực hành, thực tập. Nếu các trường tiếp tục đào tạo tách biệt với yêu cầu thực tế thì chuyện sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động, sinh viên thất nghiệp sẽ còn là câu chuyện không có hồi kết.
Chất lượng đào tạo là quyết định Hinh thức các trường tự tuyển sinh là đúng đắn. Trường chất lượng kém mà cứ mong tồn tại thì quả là vô lý nhưng điều quan trọng là tự chủ phải hướng theo cơ chế thị trường cung - cầu. Đào tạo là sự kết hợp của bên giáo dục và bên sử dụng lao động. Nhưng giáo trình học ở các trường Đại học của ta đang có vấn đề. Tôi đã xem rất nhiều giáo trình kỹ thuật của các trường đại học nổi tiếng. Họ sử dụng duy nhất một giáo trình, sách họ viết thì rất hay, tính thực tiễn cao. Chấp nhận cơ chế thị trường cung cầu thì trường học phải như một doanh nghiệp và trường phải tự lo chất lượng và sự tồn tại. Thạc sĩ Lê Ngọc Cương, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội |
Có ý kiến cho rằng: “Việc trao quyền tự chủ đến đâu nên căn cứ vào năng lực từng trường bởi nếu bung quá có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo chung”. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?
Thực ra, về nguyên tắc, bản thân các trường sinh ra đã phải có quyền tự chủ rồi. Nhưng trong điều kiện nhiều trường “đẻ non” và thị trường lao động lại kém phát triển hoặc lệch lạc như hiện nay, nhất là ở “khu vực công” phổ biến hiện tượng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bét mới đến trí tuệ” thì trao quyền tự chủ ngay cho tất cả các trường, bất kể điều kiện và chất lượng đào tạo của họ ra sao dễ dẫn đến tình trạng chất lượng đào tạo bị hạ thấp hơn nữa, có hại cho sự phát triển của đất nước. Vừa qua, thấy Bộ GD & ĐT và Bộ Y tế cho nhiều trường đào tạo ngành Y mà tôi khiếp quá. Điều kiện chưa đảm bảo mà đào tạo bác sĩ thì chuyện bác sĩ cưa nhầm tay, cưa nhầm chân bệnh nhân rồi sẽ trở thành chuyện thường ngày… không phải ở huyện nữa, mà ở cả các bệnh viện Trung ương.
Mặt khác, cũng phải nói thực là nhiều trường Đại học, Cao đẳng của mình chưa sẵn sàng tự chủ đâu, kể cả tự đứng ra tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng, chứ chưa nói đến tự chủ toàn diện, nghĩa là phải dứt khỏi “bầu sữa” ngân sách nhà nước. Bởi vậy, trao quyền tự chủ phải có lộ trình, thí điểm trước rồi mới mở rộng dần.
So với các nước trên thế giới, Việt Nam nên học tập gì từ cách tuyển sinh của họ, thưa Giáo sư?
Tôi nghĩ rằng những nước phát triển là những nước có nguồn nhân lực cao, mình cần phải học tập người ta. Nhưng học tập thì không phải chỉ học chuyện tuyển sinh mà phải học tập cả quá trình đào tạo, cả việc siết chặt đầu ra thì mới khá lên được.
Cảm ơn Giáo sư!