PGS. TS. Chu Cẩm Thơ cho rằng, ChatGPT có sức đột phá nhưng không thể thay thế được sự sáng tạo của con người. (Ảnh: NVCC) |
Có người ví ChatGPT như một "cơn sóng thần" với nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục. Quan điểm của bà?
Tôi không nghĩ như vậy, bởi vì trên thực tế có rất nhiều công cụ của công nghệ đã xâm nhập vào trong hoạt động giáo dục.
Đúng là, ChatGPT có sức đột phá, như có chức năng hỗ trợ trả lời và tìm kiếm các thông tin cũng như có dữ liệu tốt hơn để trả lời trực tiếp cho câu hỏi cũng như yêu cầu của người đặt ra cho công cụ đó. Tuy nhiên, nó không phải là "cơn sóng thần", bởi vì nó không thể tác động vào các hoạt động quan trọng nhất trong giáo dục.
Nhìn bề ngoài, sẽ thấy ChatGPT ảnh hưởng đến việc tìm kiếm kiến thức, trả lời những câu hỏi và tập trung vào kiến thức hoặc là bước suy luận đơn giản. Trong khi, mục tiêu của giáo dục không phải là chỉ có như thế.
Bà nghĩ gì về quan điểm ChatGPT sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự trung thực trong giáo dục, thi cử?
Mọi người lo ngại như vậy đều có lý do, bởi không phải chỉ là suy luận khi công cụ này ra đời. Nhất là khi công cụ này còn viết cả những bài báo, bài luận… Trên thực tế, trong giáo dục vẫn có tình trạng gian dối nếu như người ta chỉ tập trung vào việc thi cử là một công cụ duy nhất để đo năng lực hoặc tìm kiếm các ứng viên phù hợp theo tiêu chí.
Về bản chất, để tránh hiện tượng gian dối trong giáo dục, chỉ có thay đổi tiêu chí để đo lường ứng viên cho thực sự khách quan và phù hợp với năng lực của con người. Đồng thời, cần đi sâu hơn vào bản chất của hoạt động học tập và ứng viên đó có thể được thể hiện trong quá trình.
Ngay khi chưa có công cụ ChatGPT thì nhiều chuyên gia đã khuyến nghị thay vì đánh giá kết quả học tập và đầu ra thì người ta ngày càng quan tâm quá trình học tập, quá trình làm việc, cũng như quá trình để đáp ứng được yêu cầu mà ứng viên đó cần phải thực hiện.
Vậy ChatGPT không thực hiện được yêu cầu nào trong đánh giá năng lực người học, theo bà?
Có rất nhiều chứ không phải chỉ một vài năng lực, ví dụ như năng lực về trí tuệ, ChatGPT dù có dữ liệu tốt, dù có thể tiến hành các suy luận cũng không thể hiện được quá trình tư duy của con người, quá trình tìm kiếm và đưa ra phương án để giải quyết vấn đề.
Đặc biệt, những năng lực thuộc về thực hành, về trí tuệ cảm xúc, động cơ, thái độ… không có công cụ công nghệ nào hiện nay hoặc trong tương lai gần có làm được điều này.
Công cụ phần mềm trí tuệ nhân tạo ChatGPT với những chức năng vượt trội cùng với những lời cảnh báo cho một tương lai đầy bất ổn, đặc biệt là cho thị trường lao động. Vậy con người nên học gì, học như thế nào và đánh giá năng lực lao động hay học tập của con người ra sao cho phù hợp?
Tôi có đặt ra câu hỏi ngược lại là tại sao không nghĩ đến việc sử dụng công nghệ để học tập cũng như gia tăng cơ hội cho mọi người? Thực tế, tại Việt Nam đã khuyến nghị việc học tập kết hợp, tức là kết hợp học trực tuyến với trực tiếp, kết hợp học không sử dụng với học sử dụng công nghệ.
Tuy nhiên, có hai điều có thể gây ra các trở ngại. Thứ nhất, năng lực số của tất cả chúng ta, của từng cá nhân con người. Trong đó có tư duy về khả năng an toàn trong môi trường số, về sự sáng tạo, thể hiện được cái chất con người của mỗi cá nhân.
Vì vậy, trong quá trình chúng ta bắt buộc không thể tránh khỏi trong chuyển đổi số thì hãy tư duy công nghệ thực sự là một công cụ để hỗ trợ chúng ta. Hãy xem đó là giải pháp giúp chúng ta có cơ hội để phát triển bản thân và tổ chức của mình hơn.
ChatGPT sẽ tiếp tục phát triển và trở thành trợ lý đắc lực cho con người. (Ảnh minh họa) |
Nhưng về mặt thể chế, mỗi một tổ chức đều cần phải đạt được một yêu cầu và đưa ra được khung năng lực cũng như khung để hướng dẫn người ta sử dụng công cụ này vào trong công việc như thế nào.
Ví dụ, trong học tập chẳng hạn, chức năng về tìm kiếm, chức năng về suy luận đơn giản, tổng hợp thông tin đã có công cụ hỗ trợ. Nhưng cách tìm kiếm, cách hỗ trợ mình để tư duy thì không ai dạy chúng ta cả.
Những hoạt động liên quan trải nghiệm trong thực tế đời sống, kỹ năng về hợp tác, về cảm xúc đang rất cần được thể hiện và được định hướng trong giáo dục. Công cụ công nghệ không giúp được thì tất cả những người học và những người tham gia vào quá trình giáo dục sẽ nhìn thấy để cần phải thay đổi mô hình, thay đổi cách chúng ta thực hiện mục tiêu giáo dục để phát triển con người… Tuy nhiên, điều này đang rất chậm.
Vì vậy, khoảng cách về năng lực, khoảng cách về sử dụng công nghệ và hiểu về công nghệ trong một tổ chức, hoặc giữa các cá nhân đang rất rộng. Điều này là một trở ngại để chúng ta nhìn thấy và sử dụng được những mặt mạnh của công nghệ.
Riêng với ngành giáo dục, nhiều người băn khoăn khi những bài luận được giao, người học hay thí sinh hoàn toàn có thể nhờ vào ứng dụng này để làm. Nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu vai trò, vị thế của người thầy sẽ giảm sút trong thời gian tới. Bà nghĩ gì về điều này?
Vẫn là câu chuyện đối với vai trò của người thầy có bị giảm sút hay không phụ thuộc vào từng cá nhân của người thầy đó. Vì chúng ta nhìn thấy các công cụ công nghệ quả thực đã mang đến tính năng mạnh mẽ trong việc cung cấp kiến thức, tổng hợp thông tin, thực hiện những suy luận tư duy đơn giản.
Nhưng nếu như người thầy cũng học theo những lối đó, cũng chỉ có thể cung cấp thông tin, hỏi đáp mà không truyền cảm hứng, không thực hiện được những hoạt động để phát triển kỹ năng cho học sinh, không thể phát triển được trải nghiệm, cảm xúc, tư duy cho học sinh thì đương nhiên học sinh đó sẽ không trông chờ vào người thầy này mà họ sẽ sử dụng công nghệ.
Thế nên, đây là sự cảnh báo cho năng lực của người thầy chứ không phải cảnh báo cho công việc của người thầy. Giáo viên với vị thế phát triển, tạo ra cơ hội giao lưu, tư duy, tạo ra con đường để con người phát triển năng lực thì không bao giờ bị thay thế. Nhưng nó sẽ cảnh báo cho những ai đang không thực sự hiểu được điều đó và không có sự rèn luyện để thay đổi khả năng sư phạm và cách tiếp cận về giáo dục của mình.
Điều đáng lo lắng là những công cụ công nghệ càng mạnh, càng thuận tiện thì có thể làm con người “lười suy nghĩ”, “lười tương tác xã hội” trong khi giáo dục chưa thật sự thực hiện được sứ mệnh phát triển con người.
Xin cảm ơn bà!
"ChatGPT không thể thay thế con người trong việc tư duy, cảm thụ và sáng tạo..."
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Le Invest Corporation) cho rằng, ChatGPT là một bước tiến ngoạn mục trong quá trình “con người hoá” giao tiếp với chatbot. Nó giả lập được cuộc trò chuyện dựa trên ngữ cảnh, nhớ được lịch sử trò chuyện và sử dụng ngôn ngữ khá tự nhiên. Đó có nghĩa là trong một tương lai không xa, nó có thể thay thế con người ở những vai trò giao tiếp căn bản, tự động, với thương hiệu, doanh nghiệp. Tất nhiên, đối với tiếng Việt thì nó còn phải học khá lâu. Đồng thời, ông Lê Quốc Vinh khẳng định, ChatGPT có một năng lực rất quan trọng là tổng hợp dữ liệu từ những gì nó được dạy, với một tốc độ tính bằng phần trăm giây. Dữ liệu đầu vào càng lớn và chính xác thì khả năng này càng mạnh. Do đó, nó có thể thay thế con người trong các vai trò tìm kiếm thông tin, viết báo cáo tổng hợp, viết văn các văn bản dựa vào năng lực tổng hợp thông tin đó, các công việc mang tính lặp đi lặp lại. "Như vậy, nếu thông tin được yêu cầu nằm ngoài cơ sở dữ liệu mà nó được học, thì ChatGPT sẽ không đưa ra được các văn bản hay thông tin tốt. Sẽ dẫn đến những câu trả lời thiếu chính xác nếu như yêu cầu mang tính đánh đố. Ví dụ, nhiều loại thông tin về các vấn đề xã hội ở Việt Nam, hay các sự kiện mới xảy ra, không nằm trong loại thông tin mà ChatGPT đang được ưu tiên dạy và học", chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh. Cũng theo ông Vinh, ChatGPT không hoặc chưa có khả năng suy nghĩ, cảm nhận và tư duy như con người. Cho đến nay, ChatGPT không thể thay thế con người trong các công việc cần đến tư duy, cảm thụ và sáng tạo đột phá. Nhưng nó sẽ là trợ thủ hiệu quả cho những người lao động tư duy, hoặc có khả năng dẫn dắt ChatGPT xử lý các văn bản theo chủ ý của con người. Cùng với các công cụ AI khác về xử lý hình ảnh, ngôn ngữ, chuyển đổi văn bản thành thoại… khác đang có trên thị trường, ChatGPT sẽ là trợ lý rất tốt, giúp giảm bớt công việc nghiên cứu, tổng hợp, hỗ trợ sáng tạo, làm gia tăng nhiều lần hiệu quả công việc của những người lao động tư duy. |
| Giao bài tập thế nào để trẻ không bị 'ngộp thở' dịp Tết? Giao bài tập dịp Tết có thể là cơ hội để bố mẹ và thầy cô rèn trách nhiệm học tập và tính tự giác ... |
| Làm sao để học sinh hào hứng quay lại trường sau kỳ nghỉ Tết? Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, đa số trẻ thường có tâm lý thích chơi và ngại đi học. Làm sao để trẻ hào hứng ... |
| 'Hâm nóng' tinh thần sau Tết cho trẻ Theo PGS. TS. Trần Thành Nam, kết nối cô trò, bạn bè và chia sẻ trải nghiệm Tết của bản thân, tái kích hoạt lại ... |
| TS. Trịnh Lê Anh: Người Việt trẻ ở đâu trong các 'giao diện' thể hiện mình? TS. Trịnh Lê Anh (Trưởng Bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại ... |
| Trước 'cơn sốt' ChatGPT, thầy cô đánh giá học trò thế nào? Thay vì lo ngại sức ảnh hưởng rồi tìm cách kìm hãm sự phát triển của ChatGPT, người thầy cần hiểu thế mạnh đích thực ... |