Người đi bộ tập thể dục buổi sáng trong thời tiết lạnh giá và bụi mịn bao phủ trên đường Kartavya Path gần India Gate, New Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: Hindustan Times) |
Theo CNN, báo cáo của tổ chức theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir cho hay, phần lớn các thành phố này (83 thành phố) nằm ở Ấn Độ và đều vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Nghiên cứu chủ yếu xoay quanh các hạt bụi mịn, hay PM2.5, là những tác nhân gây ô nhiễm nhỏ nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất. Theo WHO, mức trung bình hàng năm của PM2.5 không được vượt quá 5 microgam/mét khối.
Ông Frank Christian Hammes, Giám đốc điều hành toàn cầu của IQAir cho biết: “Chúng ta có thể thấy ô nhiễm không khí tác động đến mọi mặt của cuộc sống. Thông thường, ở một số quốc gia ô nhiễm nhất, nó có thể khiến tuổi thọ của người dân giảm từ ba đến sáu năm. Điều này hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu chất lượng không khí được cải thiện”.
PM2.5 sẽ đi sâu vào mô phổi khi bị hít phải và có thể xâm nhập vào máu. Chúng xuất phát từ các nguồn như đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, bão bụi và cháy rừng. PM2.5 có liên quan đến các bệnh lý như hen suyễn, tim mạch, ung thư, các bệnh về đường hô hấp và suy giảm nhận thức ở trẻ em.
Begusarai, một đô thị với 500 nghìn dân ở bang Bihar, miền bắc Ấn Độ, là thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào năm 2023 với nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm là 118.9, gấp 23 lần tiêu chuẩn của WHO. Theo bảng xếp hạng của IQAir, sau Begusarai là các thành phố khác của Ấn Độ: Guwahati, Assam, Delhi, Mullanpur và Punjab.
Đầu bảng ô nhiễm không khí là ai?
Theo báo cáo, 1,3 tỷ người (tương đương 96% dân số) tại Ấn Độ đang phải sống trong môi trường có chất lượng không khí xấu cao gấp 7 lần tiêu chuẩn của WHO. Trung và Nam Á là những khu vực có chất lượng không khí ô nhiễm nhất trên toàn cầu.
Vào năm 2023, chất lượng không khí trung bình ở Bangladesh vượt gần 16 lần tiêu chuẩn an toàn của WHO, khiến nơi này trở thành quốc gia có chất lượng không khí ô nhiễm nhất trên toàn cầu. Tiếp đó là Pakistan và Ấn Độ, trong đó Ấn Độ chiếm tới 9/10 vị trí đầu bảng thành phố ô nhiễm nhất.
Với 29/30 thành phố ô nhiễm nhất nằm ở Ấn Độ, Pakistan hoặc Bangladesh, Nam Á đang trở thành khu vực có mức ô nhiễm đáng báo động. Báo cáo của IQAir đã xếp hạng các thành phố đông dân Lahore, New Delhi và Dhaka lần lượt ở vị trí thứ 5, thứ 6 và thứ 24.
Ông Hammes cho biết, việc cải thiện đáng kể mức độ ô nhiễm trong khu vực có thể sẽ gặp khó khăn nếu không có “những thay đổi lớn về cơ sở hạ tầng năng lượng và hoạt động nông nghiệp”.
“Điều đáng lo ngại ở nhiều nơi trên thế giới là những yếu tố gây ô nhiễm không khí ngoài trời đôi khi cũng chính là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà. Ví dụ, việc nấu ăn bằng nhiên liệu bẩn sẽ tạo ra mức độ ô nhiễm trong nhà cao gấp nhiều lần so với ngoài trời”, ông Hammes nói thêm.
Vấn đề toàn cầu
Năm ngoái, IQAir đã phân tích chất lượng không khí trung bình tại 7.812 địa điểm ở 134 quốc gia, vùng lãnh thổ và phát hiện 92,5% trong số đó vượt quá tiêu chuẩn PM2.5 của WHO.
Chỉ có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có chất lượng không khí lành mạnh là Phần Lan, Estonia, Puerto Rico, Australia, New Zealand, Bermuda, Grenada, Iceland, Mauritius và Polynesia thuộc Pháp.
Thế giới ghi nhận hàng triệu người chết mỗi năm do các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ vào tháng 11, hằng năm, ô nhiễm không khí từ nhiên liệu hóa thạch đang cướp đi sinh mạng của 5,1 triệu người trên toàn thế giới. Trong khi đó, WHO ước tính 6,7 triệu người chết do tác động của ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà mỗi năm.
Báo cáo của IQAir cho biết cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra chủ yếu đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, tác động đến mức độ ô nhiễm không khí. Khủng hoảng khí hậu đang làm thay đổi các mô hình thời tiết, dẫn đến biến động về gió và lượng mưa và ảnh hưởng đến quá trình phân tán các chất ô nhiễm. Biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng khắc nghiệt xuất hiện thường xuyên hơn, làm cho tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, khủng hoảng khí hậu dẫn đến các vụ cháy rừng nghiêm trọng ở nhiều khu vực và khiến mùa phấn hoa kéo dài, làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí.
Bảng xếp hạng khu vực ô nhiễm không khí
Bắc Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vụ cháy rừng hoành hành ở Canada từ tháng 5 đến tháng 10 năm ngoái. Báo cáo cho thấy, vào tháng 5, mức ô nhiễm không khí trung bình hàng tháng ở Alberta cao gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2022. Canada lần đầu tiên vượt Mỹ trong bảng xếp hạng ô nhiễm khu vực.
Các vụ cháy rừng cũng ảnh hưởng đến các thành phố của Mỹ như Minneapolis và Detroit, nơi mức ô nhiễm trung bình hàng năm tăng 30% đến 50% so với năm trước. Columbus, Ohio tiếp tục là thành phố lớn ô nhiễm nhất nước Mỹ vào năm 2023, đây là năm thứ hai liên tiếp hai thành phố này đứng đầu. Ngược lại, các thành phố lớn khác như Portland, Seattle và Los Angeles đã giảm đáng kể mức trung bình ô nhiễm hàng năm.
Tại châu Á, mức độ ô nhiễm đã tăng trở lại ở hầu khắp các khu vực.
Mặc dù báo cáo của IQAir cho thấy Trung Quốc đã đảo ngược xu hướng giảm ô nhiễm kéo dài 5 năm. Các thành phố Trung Quốc từng thống trị bảng xếp hạng toàn cầu về chất lượng không khí ô nhiễm nhất thế giới, nhưng nhờ hàng loạt chính sách về không khí sạch trong thập kỷ qua đã mang lại những thay đổi tích cực cho Trung Quốc.
Theo báo cáo của IQAir, một nghiên cứu năm 2023 cho thấy chiến dịch cải thiện không khí đã giúp kéo dài tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc thêm 2,2 năm. Tuy nhiên, sương mù dày đặc quay trở lại Bắc Kinh vào năm ngoái khiến mức độ PM2.5 trung bình hàng năm tăng 14%. Hotan, thành phố ô nhiễm nhất của Trung Quốc, đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng của IQAir.
Ở Đông Nam Á, chỉ có Philippines ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí hàng năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Indonesia là quốc gia có không khí ô nhiễm nhất khu vực, với mức độ ô nhiễm tăng 20% so với năm 2022. Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đều có các thành phố gấp hơn 10 lần tiêu chuẩn PM2.5 của WHO.
Theo Reuters, chính quyền Thái Lan trước đó đã yêu cầu nhân viên chính phủ làm việc tại nhà do tình trạng ô nhiễm không khí ở mức độ “không lành mạnh” tại thủ đô Bangkok và các khu vực lân cận. Ngày 15/3, điểm nóng du lịch Chiang Mai của Thái Lan bất ngờ trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới do khí độc từ hoạt động đốt đồng theo mùa của nông dân.
Bất bình đẳng trong việc theo dõi chất lượng không khí
Báo cáo cũng nhấn mạnh sự bất bình đẳng từ việc thiếu các trạm quan trắc ở các quốc gia châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dữ liệu về chất lượng không khí ở những khu vực này.
Mặc dù số lượng quốc gia châu Phi có mặt trong báo cáo năm nay tăng so với các năm trước, lục địa này phần lớn vẫn là khu vực ít được quan tâm nhất. Theo IQAir, chỉ có 24 trong số 54 quốc gia châu Phi có đủ dữ liệu từ các trạm quan trắc. 7 quốc gia châu Phi nằm trong số những địa điểm mới được đưa vào bảng xếp hạng năm 2023, bao gồm Burkina Faso (quốc gia ô nhiễm thứ năm thế giới) và Rwanda (đứng thứ 15).
Một số quốc gia xếp hạng cao trong danh sách các nước ô nhiễm nhất năm 2023 không được đưa vào bảng xếp hạng do thiếu dữ liệu. Trong đó có Chad, quốc gia ô nhiễm nhất thế giới năm 2022.
Ông Hammes cho biết: "Vẫn còn rất nhiều hiện trạng ô nhiễm không khí chưa được biết đến trên hành tinh của chúng ta". Một tín hiệu tích cực là người dân, các tổ chức phi chính phủ, công ty và nhà khoa học đang ngày càng quan tâm và tham gia tích cực vào việc theo dõi chất lượng không khí.