Theo dự báo của ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), ngoại trừ Nhật, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn châu Á chỉ là 5,8%. Không nước nào ở châu Á có thể tránh khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
“Vũng bùn kinh tế”
Từ sau sụp đổ của Lehman Brothers cũng như sự sống dở chết dở của hệ thống ngân hàng phương Tây, bức tranh kinh tế châu Á u tối nhanh hơn những dự đoán của bất cứ chuyên gia nào trên thế giới. Đơn đặt hàng đã giảm xuống rất nhanh kể từ tháng 10.2008 trên toàn châu Á. ADB đã hai lần hạ thấp các ước tính về tăng trưởng trong khu vực. Hàng loạt công ty trong khu vực đã cắt giảm lao động và hạ chỉ tiêu lợi nhuận, khiến cho các dự báo về tăng trưởng càng ảm đạm hơn nữa.
Năm 2009, theo dự báo của ADB, Trung Quốc và Ấn Độ có thể tiếp tục tăng trưởng ở mức trên 5,8%, trong khi nhiều nền kinh tế khác, bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore tăng trưởng rất thấp, thậm chí lâm vào suy thoái.
Tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế 8% được xem là con số đủ để ngăn chặn những bất ổn xã hội xảy ra trong năm tới. Nhằm đạt được điều đó, Bắc Kinh phải thực hiện nhiều biện pháp như: tung ra gói kích thích tăng trưởng khổng lồ, cắt giảm mạnh lãi suất, và tăng cường các chương trình việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, các dự báo cho thấy mức tăng trưởng thực tế của Trung Quốc sẽ thấp hơn con số quan trọng đó.
“Vũng bùn chính trị”
Nếu không vực dậy được nền kinh tế, hơn 10 triệu công nhân thất nghiệp về quê của Trung Quốc có thể trở thành làn sóng đe doạ sự ổn định bất cứ lúc nào. Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc đã trải qua những bất ổn chính trị trong năm ngoái, dù những bất ổn đó không trực tiếp bắt nguồn từ suy thoái kinh tế. Năm nay, suy thoái kinh tế có thể là ngòi kích nổ những bất ổn nói trên thành khủng hoảng toàn diện. Và trong năm 2009, các cuộc bầu cử ở Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia đều có thể bị ảnh hưởng bởi sự bất mãn của công chúng trước tình hình kinh tế ngày càng xuống dốc.
Sau các cuộc ném bom khủng bố ở Mumbai hồi tháng 11 vừa qua, được cho là xuất phát từ bên trong lãnh thổ Pakistan, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đang leo thang. Tổng thống Ấn Độ và tổng thống Pakistan đều đang đối mặt với những căng thẳng chính trị trong nước. Nếu Mỹ đẩy mạnh các cuộc tấn công vào các lực lượng tình nghi Taliban hoặc
al-Qaeda tại Pakistan, thì điều đó sẽ làm phức tạp thêm tình hình vốn đã có nhiều bất ổn. Những chính sách mà “triều đại” Obama sẽ áp dụng với Afghanistan và Pakistan cũng có thể làm tình hình ở đây thêm căng thẳng.
Chính phủ mới của Mỹ cũng phải tiếp tục “vật lộn” với các vấn đề hạt nhân ở Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, sau một thoả thuận nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng được đề xướng vào những tháng cuối cùng của năm 2008.
Đồng cỏ xanh rì xa xa
Mặc dù châu Á sẽ phải cố vượt qua những thử thách về kinh tế, chính trị và ngoại giao, nhưng năm con trâu này cũng là một năm của quyền lực châu Á. Trong một bài viết về các vấn đề ngoại giao, ông Roger Altman, cựu thứ trưởng Tài chính Mỹ, cho rằng các ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu đối với các sự kiện ở châu Á sẽ giảm bớt, bởi vì cả hai thế lực này đang bị suy sụp về kinh tế và khả năng thuyết phục của họ đối với các nước khác cũng đang yếu đi. Đồng thời, về mặt ngoại giao rất khó duy trì nhóm G8 nếu không có Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như khó giữ vững một quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đang bị châu Âu thống trị một cách bất bình đẳng.
Với cặp kính màu đen, các chuyên gia nhận định năm nay con trâu châu Á phải vất vả kéo cày. Nhưng với cặp kính màu hồng, các nhà phân tích lạc quan rằng năm 2009 châu Á phải nắm cơ hội hợp nhất các sức mạnh về kinh tế với chính trị.
Theo FT, SGTT