📞

Châu Á - Thái Bình Dương: Hoà bình nhưng mua sắm nhiều vũ khí

17:59 | 02/03/2016
Hiện lượng vũ khí ở châu Á – Thái Bình Dương gần gấp đôi ở Trung Đông, khu vực đang bị chiến tranh tàn phá, và gấp bốn lần so với châu Âu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Khu vực này mặc dù không phải trải qua một cuộc chiến tranh toàn diện nào giữa các quốc gia kể từ sau chiến tranh biên giới Trung Quốc với Việt Nam năm 1979, nhưng đang chiếm 1/2 thị trường vũ khí hạng nặng toàn cầu.

Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, 6/10 nhà nhập khẩu vũ khí hạng nặng lớn nhất là ở Châu Á - Thái Bình Dương trong đó bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, Pakistan và Hàn Quốc. Trong giai đoạn 2011 - 2015, khu vực này đã mua tổng cộng 46% lượng vũ khí được bán ra trên toàn thế giới, cao hơn so với tỷ lệ 42% giai đoạn 2010 - 2014.

Sự tăng trưởng của Trung Quốc và những hành động quyết đoán gần đây của nước này trên Biển Đông và Biển Hoa Đông thường được cho là nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng cường mua sắm vũ khí.

Theo ông Tim Huxley, Giám đốc phụ trách về Châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh), sẽ là nhầm lẫn khi đánh giá chi phí quân sự của nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng lên là do yếu tố Trung Quốc. Việc nhiều nước tăng cường mua sắm vũ khí phản ánh xu hướng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của khu vực. Hơn nữa, mỗi nước đều có các mối quan tâm về an ninh bên trong và bên ngoài.

Chính việc mua sắm ồ ạt vũ khí của các nước trong khu vực đang cản trở quá trình hàn gắn rạn nứt chiến lược lớn ở Châu Á. Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan, Hàn Quốc – Triều Tiên, Ấn Độ - Trung Quốc... đều chưa được giải quyết. Chưa có bất đồng nào, kể cả các bất đồng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông được đưa ra thảo luận như một tiến trình hòa bình và cũng chưa có tranh cãi nào được đưa ra thảo luận rộng rãi ở các hội thảo an ninh khu vực. Tại các hội thảo, quân đội các nước thường chỉ nêu lên mối đe dọa có thể châm ngòi dẫn đến xung đột và kêu gọi xây dựng khả năng phòng ngừa mạnh mẽ.

(Tổng hợp)