Bốn mục tiêu của tái cân bằng
“Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trong những nơi nhiều hứa hẹn nhất hành tinh và tương lai, an ninh và triển vọng của nước Mỹ ngày càng liên quan chặt chẽ với khu vực này”. Đây là đánh giá của Ngoại trưởng John Kerry được đưa ra trước khi ông bắt đầu chuyến công du châu Á Thái Bình Dương trong vài ngày tới.
Đi kèm với nhận định này, ông Kerry chỉ ra 4 cơ hội khi nước Mỹ thực hiện tái cân bằng với khu vực này. Đây cũng chính là những mục tiêu định hình nên chính sách tái cân bằng với khu vực.
Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế bền vững, trong đó bao gồm cả việc hoàn thiện các Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây không chỉ là một hiệp định thương mại mà còn là cơ hội chiến lược cho Mỹ và các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác đến với nhau, liên kết với nhau, để tất cả có thể cùng phát triển thịnh vượng.
Thứ hai, thúc đẩy một cuộc cách mạng năng lượng sạch giúp nước Mỹ giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu đồng thời thúc đẩy các nền kinh tế trên thế giới.
Thứ ba, giảm căng thẳng và thúc đẩy hợp tác khu vực thông qua việc tăng cường các các thể chế và củng cố các quy tắc đóng góp vào một khu vực ổn định trên cở sở luật pháp.
Thứ tư, trao quyền cho người dân trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương để người dân được sống với các giá trị, sự an toàn và các cơ hội.
Quan hệ giúp định hình thế kỷ 21
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh sẽ giúp định hình thế kỷ 21 và nó cần được "kiểm soát cẩn thận". Trong chiến lược tái cân bằng, thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc là một nội dung quan trọng. “Bởi khi hai nước có quan hệ tốt đẹp sẽ không chỉ có lợi cho riêng hai nước, cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn cho toàn thế giới”, ông Kerry nói.
“Là hai cường quốc trên thế giới và có nền kinh tế lớn nhất, chúng tôi có cơ hội để thiết lập lộ trình mang tính xây dựng trên nhiều vấn đề, từ biến đổi khí hậu đến thương mại toàn cầu", ông Kerry nhấn mạnh. Quan hệ hai nước cần được kiểm soát và định hướng thận trọng "bằng một tầm nhìn chiến lược lâu dài, tích cực làm việc, ngoại giao tốt và các mối liên hệ tốt".
Theo ngoại trưởng Mỹ, chính sách về Trung Quốc của Mỹ được xây dựng trên hai trụ cột. Các mục tiêu gồm "quản lý mang tính xây dựng những khác biệt và hợp tác trên những vấn đề mà hai nước đều có lợi ích". Tuy nhiên, Washington sẽ làm việc với Bắc Kinh về căng thẳng khu vực và vấn đề nhân quyền.
"Chúng tôi sẽ có quan điểm mạnh mẽ về cách theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và cách giải quyết chúng", ông Kerry nói và cho biết thêm rằng Mỹ "quan ngại sâu sắc" khi căng thẳng trong khu vực gia tăng ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Washington cũng thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề tin tặc và vi phạm sở hữu tài sản trí tuệ có liên quan đến chính phủ Trung Quốc.
Sau khi thăm Paris để gặp Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, ông Kerry sẽ tới Bắc Kinh tham dự Hội nghị Ngoại trưởng của các nền kinh tế thành viên Tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), chuẩn bị cho Tổng thống Barack Obama sang Trung Quốc dự hội nghị cấp cao APEC vào tuần tới.
Đoàn Ngọc (tổng hợp)