Châu Á trở thành 'xương sống' của chiến lược 'Nước Anh toàn cầu'. (Nguồn: Reuters) |
Những bước tiến của "Nước Anh toàn cầu"
Kể từ tháng 5/2021, Anh đã gặt hái được thành công đáng kể trong các hoạt động ngoại giao tại châu Á và Thái Bình Dương.
Cụ thể, quốc gia này đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chấp thuận đơn xin trở thành đối tác đối thoại của khối hồi tháng 5, ký kết Hiệp định thương mại tự do với Australia và khởi động nỗ lực trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Những thành công “chớp nhoáng” này chính là "điểm sáng" của nỗ lực thúc đẩy ngoại giao châu Á do Thủ tướng Anh Boris Johnson xúc tiến thời gian gần đây.
Thành tựu trên cho thấy chính sách ngoại giao hậu Brexit của Anh đang được triển khai với hai nhịp độ khác nhau.
Tại châu Á - nơi chính quyền London đặt cược cao cho những tham vọng của mình, các thỏa thuận ngoại giao cấp cao về những cam kết địa chính trị và thương mại khu vực lâu dài được cho là đều gặp rất ít trở ngại và diễn ra khá nhanh chóng.
Ngược lại, tại châu Âu, xứ sở sương mù đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng thương mại và chính trị tại Bắc Ireland cùng mối quan hệ ngày càng tồi tệ hơn với "lục địa già".
Những bước tiến ngoại giao "thuận buồm xuôi gió" ở châu Á đối lập hoàn toàn với thách thức “không có hồi kết” về mặt chính trị và thể chế mà Anh phải đối mặt hiện nay tại châu Âu.
Nguyên nhân là bởi Anh vẫn giữ Bắc Ireland nằm trong Liên minh thuế quan của Liên minh châu Âu (EU) theo quy định của Nghị định thư Bắc Ireland, vốn có hiệu lực đầu năm 2021.
| Nước Mỹ tuyên bố đã trở lại, nhưng G7 có thể thực sự 'xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn'? |
Hai tiến trình ngoại giao đối lập nói trên thực chất có mối liên hệ chính trị với nhau.
Sự suy giảm trong quan hệ Anh-EU đòi hỏi London phải thúc đẩy ngoại giao tại những khu vực ngoài châu lục, nhất là tại châu Á.
Thành công ngoại giao tại châu Á đóng vai trò quyết định đối với cam kết “Nước Anh toàn cầu” của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson, một khái niệm dùng để “che đậy" tương lai bất định của quốc gia này giai đoạn hậu Brexit.
Không phải tất cả thành tựu ngoại giao đạt được tại châu Á đều có ý nghĩa tương đương nhau.
Thỏa thuận thương mại Anh-Australia và khả năng trở thành thành viên của CPTPP đều là minh chứng rõ ràng của thành tựu ngoại giao, tạo nên "xương sống" cho khái niệm “Nước Anh toàn cầu”.
Trong khi đó, những hiệp định thương mại tự do mà Anh ký với Singapore và Việt Nam đều vào tháng 12/2020 chỉ đơn thuần là sự khôi phục những thỏa thuận này do chúng đã tồn tại và được triển khai trong thời kỳ tiền Brexit theo những thỏa thuận với EU.
Việc Anh trở thành Đối tác Đối thoại ASEAN lại phức tạp hơn, bởi London vẫn phải chờ tới tháng 8/2021, thời điểm quy trình kết nạp chính thức bắt đầu.
Nếu quy trình này thành công, Anh sẽ được tiếp cận ASEAN và các đối tác đối thoại ASEAN khác một cách trực tiếp hơn so với các quốc gia thành viên EU, đặc biệt thông qua các kênh về an ninh như Hội nghị Cấp cao Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác.
Tháng 12/2020, ASEAN và EU đã cùng nhất trí nâng cấp quan hệ Đối tác đối thoại thành Đối tác chiến lược sau một thời gian dài trì hoãn.
Động thái này là một phương pháp tinh tế, cho thấy các nhà lãnh đạo ASEAN ý thức được sự ganh đua địa chính trị mới nổi lên giữa Anh và EU.
Việc ASEAN nhanh chóng chấp thuận Anh là đối tác của tổ chức này có thể cho thấy, khối này không muốn phá hỏng tham vọng phát triển của London thời kỳ hậu Brexit, đồng thời công nhận EU là đối tác được ưu tiên trong khu vực.
Còn nhiều thách thức chờ đợi nước Anh
Bất chấp sự cạnh tranh ngoại giao mới nảy sinh này, những thách thức thực sự đối với vai trò của Anh tại Đông Nam Á sẽ xuất phát từ những thay đổi trong tương lai về thương mại, viện trợ phát triển và chính sách ngoại giao địa chính trị.
Thế nhưng, những thay đổi này sẽ diễn ra phức tạp.
Nếu Anh “ngả” về phía ASEAN nhằm chuẩn bị cho một thỏa thuận thương mại “toàn ASEAN”, London sẽ khó có thể thực hiện tham vọng này.
Mặc dù giới lãnh đạo chính trị tại Đông Nam Á vẫn ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa thương mại đa phương, song áp lực chính trị trong nước cùng những lo ngại về khả năng cạnh tranh, đặc biệt tại Indonesia và Philippines, sẽ đặt ra thách thức đối với nỗ lực của London nhằm ký kết các thỏa thuận thương mại tự do mới.
Ví dụ, một số chính phủ trong khu vực như Thái Lan và Malaysia đã thể hiện mong muốn triển khai các sáng kiến thương mại mới nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các luồng tư tưởng chống thương mại tự do vẫn tồn tại ngầm ẩn trong lòng công luận tại nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Tin liên quan |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Đông Nam Á: Chính trị, an ninh là trọng tâm chiến lược |
Viện trợ phát triển của Anh sẽ thay đổi trong ngắn hạn bởi Bộ Ngoại giao Anh đã cắt giảm viện trợ phát triển nước ngoài xuống dưới mức 0,7% tổng thu nhập quốc dân, tức dưới mức cam kết theo yêu cầu pháp lý.
Các chính phủ bảo thủ của Anh gần đây cũng đã điều chỉnh lại viện trợ phát triển, từ hỗ trợ phát triển con người chuyển sang hỗ trợ quốc phòng và thương mại.
Trong suốt thập kỷ qua, Anh đã viện trợ 3,5 tỷ USD cho các quốc gia Đông Nam Á dưới dạng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Hiện vẫn chưa rõ những thay đổi kể trên sẽ ảnh hưởng thế nào tới tính hiệu quả dài hạn của các khoản viện trợ phát triển của Anh trong khu vực, song các dấu hiệu đầu tiên đã cho thấy ODA tại Đông Nam Á sẽ bị cắt giảm mạnh tay.
Cuối cùng, việc triển khai nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông hồi tháng 5 đã thể hiện rằng khái niệm “Nước Anh toàn cầu” không chỉ liên quan tới hình ảnh và những hiệp định thương mại.
Việc triển khai này còn cho thấy tầm nhìn địa chính trị mới của Anh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tầm nhìn này xuất hiện trong bối cảnh London vừa có được sự tự tin mới trong giai đoạn hậu Brexit mà như Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss gọi là “chủ nghĩa toàn cầu ái quốc”.
Tuy nhiên, trải nghiệm Brexit cũng gợi lại nỗi luyến tiếc ở Anh về cái kết của vị thế đế quốc.
Trong một bài phát biểu năm 2016, ông Boris Johnson khi đó là Ngoại trưởng Anh đã coi việc bãi bỏ sự hiện diện quân sự của Anh tại khắp các vùng lãnh thổ thuộc Đế quốc Anh trước đây là một sai lầm, được ví như hành động “rút lui khỏi phía Đông Suez”.
Ngày nay, với tư cách là Thủ tướng Anh, ông Johnson đang “ngả” về phía ASEAN nhằm đảo ngược sai lầm này.
Châu Á chính là nơi mà tiềm năng của Anh có thể được phát huy vô hạn và cũng là nơi những khó khăn mà Anh có thể phải đối mặt thời kỳ hậu Brexit sẽ dần biến mất.
*Carlo Bonura là Giảng viên cao cấp về Chính trị Đông Nam Á tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi (SOAS), Đại học London, Anh.
| Nhóm tác chiến tàu sân bay của London tập trận tại Ấn Độ Dương, thực hiện tầm nhìn 'Nước Anh toàn cầu' Ngày 16/7, Bộ Quốc phòng Anh thông báo, nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu HMS Queen Elizabeth dẫn đầu đã tiến vào Ấn ... |
| Đông Nam Á là thử nghiệm ưu tiên trong chiến lược “Nước Anh Toàn cầu” Chính phủ Anh đang thể hiện sự quan tâm tới việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư với các nước Đông Nam ... |