Hiện đang xuất hiện một số ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại là yếu tố thúc đẩy sự hồi sinh vai trò của châu Á trên sân chơi toàn cầu. (Nguồn: AP) |
Sự hồi sinh của châu Á
Khi đối mặt với đại dịch Covid-19, hầu hết chính phủ phương Tây đã không thể ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát của dịch bệnh, dẫn đến hậu quả là thiệt hại kinh tế rất lớn. Và do theo đuổi các chính sách hướng nội và bảo hộ, các nước này đã đóng góp tương đối ít vào hành động chung của quốc tế để chống lại đại dịch này.
Trong bối cảnh đó, xuất hiện một số ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện tại là yếu tố thúc đẩy sự hồi sinh vai trò của châu Á trên sân chơi toàn cầu. Lý do là các quốc gia châu Á đã kiểm soát đại dịch tốt hơn so với phương Tây, đồng thời hoạt động kinh tế mạnh mẽ và bền bỉ của khu vực trong nửa thế kỷ qua chứng tỏ tính ưu việt của các hệ thống quản trị của những nước này.
Theo nhận định của ông Lee Jong-wha, Giáo sư kinh tế tại Đại học Hàn Quốc và nguyên là nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thế kỷ XXI sẽ trở thành “thế kỷ của châu Á” nếu khu vực này có thể phát huy sự lãnh đạo tập thể và thống nhất.
Châu Á vốn đã được coi là một khu vực có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, chiếm 60% dân số thế giới và khoảng 40% GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP). Có tới 8 trong số 15 quốc gia đông dân nhất thế giới nằm ở châu Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Bangladesh, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ấn Độ và Nhật Bản, lần lượt là nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư thế giới tính theo PPP, cũng là những siêu cường kinh tế. Trong 50 năm qua, thu nhập bình quân đầu người của Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc đã tăng nhanh và bắt kịp các nước phương Tây. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam hiện đang đi phát triển theo con đường tương tự.
Và châu Á được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những thập kỷ tới. Công ty tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh McKinsey & Company dự báo đến năm 2040, khu vực này sẽ chiếm hơn 50% GDP thế giới và 40% tiêu dùng toàn cầu.
Tuy nhiên, những người hoài nghi cho rằng triển vọng tăng trưởng dài hạn của khu vực đối mặt với một số thách thức trong nước nghiêm trọng.
Ví dụ như một số nền kinh tế Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có dân số già hóa nhanh chóng và quy mô đang thu hẹp. Các nước này sẽ không còn được hưởng lợi từ nhân khẩu học - yếu tố đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực này.
Một lý do khác là việc nới rộng bất bình đẳng trong thu nhập và phân hóa giàu nghèo đang làm suy yếu sự gắn kết xã hội và ổn định chính trị. Và những biến động chính trị có thể dễ xảy ra hơn nếu các chính phủ ở châu Á không thể thúc đẩy mức sống cao hơn và đáp ứng các nhu cầu khác của người dân.
Tin liên quan |
Kịch bản phục hồi kinh tế thế giới hình chữ K: Những vết sẹo lâu dài và vai trò đầu kéo của Mỹ |
Năng động, nhanh nhẹn nhưng còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, nhìn lại giai đoạn trước đây, các nhà hoạch định chính sách ở châu Á đã giải quyết thành công những trở ngại và duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ.
Nhiều nước đã ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực công quan trọng như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Vai trò quản trị tốt của nhà nước cũng đã hỗ trợ hoạt động hiệu quả của thị trường.
Bên cạnh đó, các nước châu Á đã trở thành môi trường tốt để khu vực tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ. Lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng tốt cùng với các đường lối chính sách kinh tế phù hợp là chìa khóa để xây dựng các ngành công nghiệp xuất khẩu đa dạng và theo hướng tập trung vào hàng công nghệ cao.
Các doanh nghiệp châu Á đã thể hiện được sự năng động và nhanh nhẹn trong việc ứng phó với cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đại dịch Covid-19.
Dù vậy, một “thế kỷ của châu Á” dường như vẫn là một viễn cảnh xa vời, chủ yếu là do sự thiếu thống nhất của khu vực.
Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ nằm trong số các nền kinh tế hàng đầu của khu vực và thế giới. Australia, Indonesia và Hàn Quốc đều là các thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và cũng đóng những vai trò chính trị và kinh tế quan trọng.
Do đó, có chút ngạc nhiên rằng một thể chế khu vực chính thức hiệu quả như Liên minh châu Âu (EU) đã không có cơ hội hình thành.
Và với căng thẳng địa chính trị gia tăng ở một số vùng biển, bán đảo Triều Tiên và dọc theo biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, xung đột quân sự vẫn có thể là mối đe dọa đối với sự hòa bình và thịnh vượng của châu Á.
Các tác nhân bên ngoài sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khu vực, một phần là do các nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ và EU. Khi đại dịch Covid-19 làm đứt gãy các mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các công ty ngày càng tăng cường nội địa hóa hoặc khu vực hóa mạng lưới sản xuất của họ.
Sự thay đổi này có thể làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại giữa các nước châu Á, với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng được kỳ vọng sẽ tạo ra nhu cầu sản xuất của chính khu vực.
Dù vậy, Mỹ và EU, cũng như các thị trường mới nổi ở châu Phi và Mỹ Latinh, sẽ vẫn là những đối tác thương mại quan trọng của châu Á. Do đó, quỹ đạo tương lai của khu vực sẽ phụ thuộc vào khả năng của các nhà lãnh đạo châu Á trong việc ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu và giảm thiểu tác động của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Xung đột Mỹ-Trung được đánh giá là thách thức lớn nhất cho sự phát triển mang tính thống nhất của châu Á. Nhiều quốc gia lớn trong khu vực không muốn phải chọn phe. Trong khuôn khổ Đối thoại An ninh Bộ tứ (Quad), Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đang thắt chặt quan hệ để đối đầu với ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực của Trung Quốc.
Quad mới đây công bố kế hoạch cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước Đông Nam Á, trong khi Trung Quốc đang đẩy mạnh cung cấp vaccine mà nước này sản xuất cho phần lớn các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới.
Cuối cùng, tác giả bài viết nhấn mạnh, châu Á sẽ cần gánh vác những trách nhiệm và nghĩa vụ lớn hơn. Các chính phủ trong khu vực nên tích cực tham gia giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, đồng thời hợp tác một cách xây dựng với các khu vực khác. Sẽ không có “thế kỷ châu Á” cho đến khi các nhà lãnh đạo của khu vực nhận ra rằng đó cũng phải là một thế kỷ của sự thịnh vượng chung trên toàn thế giới.