Những tín hiệu kinh tế khả quan cho thấy châu Âu có thể tránh được một cuộc suy thoái đáng sợ trong năm 2023. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu trước cuộc họp hàng tháng với các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng Euro (Eurozone) tại Brussels (Bỉ), Ủy viên kinh tế EU Paolo Gentiloni cho biết, mặc dù tình hình kinh tế của khối vẫn chưa chắc chắn nhưng đã có một số tín hiệu đáng khích lệ.
Ông Gentiloni nói: “Chúng tôi đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng, giá mặt hàng này giảm đáng kể và lạm phát đã đạt đỉnh cuối năm 2022. Vì vậy, có cơ hội để châu Âu tránh được suy thoái sâu và có thể bước vào một giai đoạn kinh tế giảm chậm lại và hạn chế hơn”.
Có chung đánh giá với ông Gentiloni, Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis nói thêm rằng, châu Âu vẫn nên thận trọng.
Phát biểu trước báo giới, ông nói: “Rõ ràng, chúng ta đang chứng kiến một số dấu hiệu tích cực, như thị trường lao động của EU vẫn rất mạnh. Cũng có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh. Nhưng tôi muốn nói rằng chúng ta phải cảnh giác”.
Những đánh giá trên được đưa ra ngay sau một báo cáo hồi đầu tháng này nhấn mạnh rằng hoạt động kinh doanh trong khu vực tư nhân của Eurozone giảm ít hơn dự đoán.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của S&P Global cho biết nền kinh tế Eurozone tiếp tục giảm trong tháng 12/2022, nhưng mức nghiêm trọng của suy thoái đã được điều chỉnh trong tháng thứ hai liên tiếp, điều này cho thấy sự trì trệ trong nền kinh tế có thể nhẹ hơn so với dự đoán ban đầu.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), công bố ngày 16/1, gần 2/3 các nhà kinh tế cấp cao của khu vực công và tư nhân cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra trong năm nay. Khoảng 18% số người được hỏi coi suy thoái kinh tế là rất có thể xảy ra.
Mặc dù 1/3 cho rằng có thể tránh được suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn có sự đồng thuận về quan điểm cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế ở châu Âu và Mỹ là ảm đạm.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi cho biết: “Môi trường lạm phát cao, tăng trưởng thấp, nợ công và phân hóa cao hiện nay đang làm giảm động lực cho các khoản đầu tư cần thiết để phục hồi tăng trưởng và nâng cao mức sống cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”.