📞

Châu Âu lâm khủng hoảng năng lượng, Mỹ kêu gọi Nga phải nỗ lực nhiều hơn

Bảo Hà 07:39 | 15/10/2021
Ngày 14/10, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Nga Alexei Overchuk, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman kêu gọi Moscow nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm đảm bảo an ninh năng lượng châu Âu.
Châu Âu đang đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh mùa Đông tới gần và nhu cầu sử dụng tăng vọt. (Nguồn: List 23)

Bên cạnh đó, thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, cuộc gặp giữa ông Overchuk và bà Sherman tập trung vào cam kết của Mỹ về một mối quan hệ ổn định và dễ đoán với Nga.

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, vốn manh nha từ mùa Đông năm ngoái khi thời tiết giá lạnh bất thường khiến nhu cầu sưởi ấm tăng vọt, làm giảm nghiêm trọng lượng khí đốt dự trữ xuống mức đáng lo ngại là 30% vào tháng 3.

Tình trạng thiếu khí đốt dẫn tới chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 tại các nước Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 3% - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, kèm theo lạm phát tăng.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng cũng khiến 10 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản kể từ đầu tháng 8 trong khi các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng lao đao.

Trước đó, ngày 8/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, nước này sẵn sàng hỗ trợ châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, cam kết rằng, tập đoàn độc quyền khí đốt của Nga Gazprom "đang tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu theo các hợp đồng dài hạn và thậm chí còn hơn thế nữa”.

Ông Lavrov cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) và Mỹ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những căng thẳng hiện nay giữa Nga và châu Âu về nguồn cung năng lượng, viện dẫn việc EC kéo dài các yêu cầu pháp lý đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 1, khiến tuyến đường ống dẫn khí đốt này chỉ hoạt động ở mức 50% công suất tối đa.

Trong khi đó, ngày 13/10, EC đã công bố bộ công cụ nhằm kiềm chế giá năng lượng hiện đang ở mức cao kỷ lục, gồm các biện pháp đề xuất mà các nước Liên minh châu Âu (EU) có thể áp dụng để "hạ nhiệt" giá năng lượng với điều kiện về nguyên tắc đảm bảo tôn trọng thị trường tự do và không vi phạm quy định về cạnh tranh công bằng.

(theo Sputnik, AFP)