Cần cải cách nhiều thể chế hiện để giúp châu Phi đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của LHQ. (Nguồn: Unsplash) |
Trong một báo cáo do Quỹ Mo Ibrahim công bố ngày 22/10, Chủ tịch quỹ này Mohammed Ibrahim cho rằng, châu Phi đã đạt được tiến bộ lớn về quản trị trong những năm đầu của thế kỷ này.
Tuy nhiên, trong 10 năm qua, châu lục này đạt rất ít tiến bộ và trong 5 năm qua, tình hình quản trị ở châu Phi đã bắt đầu trì trệ, thậm chí xấu đi trong một số trường hợp.
Theo báo cáo, 33 quốc gia châu Phi có sự tiến bộ trong quản trị ở giai đoạn năm 2014-2023, song đối với 21 quốc gia còn lại, tình hình hiện nay còn tồi tệ hơn so với năm 2014.
Quốc đảo Seychelles đã soán ngôi Mauritius để giành vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng nhờ những cải thiện đáng chú ý trong một số lĩnh vực, bao gồm cơ sở hạ tầng, bình đẳng giới, y tế và giáo dục.
Ngược lại, một số quốc gia như Sudan, Nam Sudan và Ethiopia đã phải đối mặt với những cuộc xung đột tàn khốc trong thập kỷ qua, trong khi hàng loạt cuộc đảo chính quân sự ở các khu vực Tây và Trung Phi cho thấy rõ sự bất ổn định của tiến trình chính trị.
Được thành lập hồi năm 2006 với mục đích tạo ra các chỉ số về quản trị, đánh giá hiệu suất của các quốc gia và khuyến khích cải thiện quản trị ở châu Phi, Quỹ Mo Ibrahim đưa ra dữ liệu và phân tích về các vấn đề mà châu Phi đang phải đối mặt. Báo cáo định kỳ 6 tháng của quỹ này xuất bản từ năm 2007, được coi là báo cáo tổng quan toàn diện nhất, thu thập dữ liệu về 322 biến số, bao gồm dịch vụ công, tư pháp, tham nhũng và an ninh tại 54 quốc gia ở châu Phi. |
Liên quan tình hình tại châu Phi, mới đây, hãng thông tấn Tân Hoa xã dẫn lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đánh giá, lục địa này đang phải đối mặt với những thách thức có nguồn gốc sâu xa từ lịch sử và ngày càng trầm trọng hơn do tình trạng biến đổi khí hậu, xung đột và gánh nặng nợ nần.
Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat về kết quả hội nghị thường niên AU-LHQ hôm 21/10 tại trụ sở AU ở Addis Ababa, Ethiopia, ông Guterres kêu gọi cải cách cơ cấu tài chính quốc tế để mở rộng hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn cho châu Phi nhằm giải quyết các thách thức phát triển của châu lục.
Theo người đứng đầu LHQ, các thể chế toàn cầu hiện nay được xây dựng vào thời điểm phần lớn khu vực châu Phi nằm dưới sự cai trị của thực dân, vì vậy, nhiều thể chế hiện cần được cải cách để giúp châu Phi đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của LHQ.
Do đó, cần điều chỉnh cơ cấu tài chính quốc tế để trao thêm tiếng nói và quyền lực cho các nước đang phát triển nói chung và các nước châu Phi nói riêng, đồng thời lưu ý cần tăng cường hỗ trợ tài chính để giúp các nước đang phát triển huy động nguồn lực và đạt được SDGs.
Tổng thư ký LHQ cũng tuyên bố thành lập một nhóm công tác chung giữa Ủy ban Kinh tế LHQ về châu Phi, AU và LHQ để giúp châu Phi thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số, mục đích là để đảm bảo trí tuệ nhân tạo đóng vai trò phương tiện phát triển, cho phép các quốc gia châu Phi "bắt kịp" và đẩy nhanh tiến trình kinh tế.
Nhấn mạnh những tiến bộ đáng kể đạt được trong hợp tác AU-LHQ, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat ca ngợi cam kết của LHQ trong việc đưa châu Phi lên vị trí hàng đầu trong quá trình ra quyết định toàn cầu.
Tuy nhiên, theo ông, châu Phi vẫn đang phải vật lộn với vấn đề kinh tế, đồng thời kêu gọi duy trì những nỗ lực cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ và các tổ chức tài chính toàn cầu.