Phòng cháy chữa cháy thực ra có hai vế tách biệt, đấy là “phòng cháy” và “chữa cháy”. “phòng cháy” giống như “phòng bệnh”, “chữa cháy” giống như “chữa bệnh”. Bệnh đã phát đi rồi, dù có chữa khỏi cũng không tránh khỏi tổn thương. Bởi thế, “phòng cháy” mới chính là đích nhắm tới trong việc ngăn chặn "bà hỏa".
Hãy dừng "bôi trơn" cả chiếc chuông
Khi luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) được áp dụng, có một quy định “Chỉ được nghiệm thu công trình sau khi đã nghiệm thu xong PCCC". Luật thì đúng, nhưng người thi hành chưa chắc đã đúng. Bên cạnh một số nhà thầu vẫn nghiêm túc thi hành ở cả hai mặt “bôi trơn" lẫn thi công thì vẫn có những nhà thầu chỉ chú trọng việc "bôi trơn".
Thực tế hiện nay vẫn tồn tại nhiều chủ đầu tư chủ quan, lỏng lẻo trong việc thi hành hệ thống PCCC. Vậy là tất cả cùng tạo nên một hệ thống PCCC có dấu nghiệm thu mà thật sự thì chưa chắc đã được nghiệm thu. Chuông báo cháy không kêu ở chung cư Carina sáng nay có thể vì lẽ đó.
Khi phóng viên của VTC phỏng vấn trực tiếp người dân chung cư Carina Plaza tại hiện trường vụ cháy, một câu trả lời khiến tất cả sửng sốt: “Chuông báo cháy không kêu”.
Ngày 31/10/2016, một căn hộ tại tòa nhà Rainbow - khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) bốc cháy khiến dân cư hốt hoảng chạy xuống dưới đất. Một nhân chứng kể lại: "Hệ thống chuông báo cháy không hoạt động". Khi cháy xảy ra, người dân đã gọi báo cho nhau, không có cái chuông nào reo.
Hiện trường cụ cháy chung cư Carina nhìn từ xa. (Nguồn: Người lao động) |
Hai câu chuyện cách nhau hai năm đều có chung một đáp số là “phòng cháy”. Chúng đã tố cáo về sự lỏng lẻo của việc phòng cháy ở các tòa nhà lớn. Nếu hệ thống PCCC hoạt động đúng, khi có khói bốc lên báo hiệu cháy, chuông sẽ reo và nước sẽ tự động xịt xuống. Chung cư cao cấp mà lại cháy như cháy chợ thì chắc hẳn hệ thống ấy đã không được bảo trì nghiêm túc.
Sinh mệnh trong tay chính mình
Ngọn lửa không tự nhiên sinh ra. Đôi khi chính sự kém hiểu biết, chủ quan của người dân là nguyên do của mồi lửa. Sự vô ý thức đã khiến lửa sinh ra, cùng với trách nhiệm của cơ quan quản lý tòa nhà khi bảo trì hệ thống PCCC quá lỏng lẻo.
Năm 2013, khi tôi còn làm giám sát cho một công trình tại Khu công nghiệp Đà Nẵng (tên cũ là Khu chế xuất An Đồn). Trước khi tiến hành nghiệm thu, cảnh sát PCCC sắp xếp hẳn một đợt diễn tập và hướng dẫn PCCC cho ban giám đốc và công nhân nhà máy. Hôm ấy, những người bên mảng kỹ thuật, nhân viên bảo trì nhà máy đều khá nghiêm túc. Ngược lại, công nhân lại rất hững hờ. Họ túm tụm nói chuyện, hoặc bấm điện thoại. Đó có lẽ là căn bệnh chung: rất hờ hững với chuyện về PCCC.
Nếu giả sử đám cháy xảy ra ngay bên cạnh chỗ ngồi của bạn, bạn sẽ làm gì? Hãy thâu nạp những kỹ năng để bảo vệ an toàn cho bản thân. Bởi vì chúng ta đang được sống trong một xã hội đô thị hóa từng ngày, nhưng lại thiếu tính bền vững về bảo vệ cộng đồng. Đô thị hóa thiếu bền vững không vội vã tác động lên con người ngay lập tức, mà nằm đó đợi chờ một ngày, một năm, hay mười năm, đợi khi con người sơ sẩy là nó sẽ quét sạch thành quả và cả tính mạng. Tổng hợp tất cả, chúng ta có hẳn một bức tranh toàn cảnh tạo ra các đám cháy như sáng nay.
Chung cư Carina cháy lại lúc giữa trưa khiến nhiều người hốt hoảng. (Nguồn: Soha) |
"Phòng hỏa hơn cứu hỏa"
Đầu tiên, trong mỗi gia đình, mọi người nên nghiêm túc nhìn nhận tầm quan trọng của các kỹ năng bảo vệ mình, kỹ năng thoát hiểm... Người dân, đặc biệt là trẻ em nên được dạy về các kỹ năng về PCCC. Cùng với đó, việc chấn chỉnh lạ ban quản lý các tòa nhà cũng là điều quan trọng. Đã đến lúc cần một bên thứ ba chuyên nghiệp và trung lập chứng nhận và đảm bảo về PCCC. Và đơn vị thụ hưởng - người dân mua chung cư có quyền yêu cầu đối với đơn vị thứ ba này.
Chung cư sáng nay bị cháy nằm trên đường Võ Văn Kiệt nên thông thoáng, dễ đi lại. Nhưng có một câu giải thích quen thuộc hơn cho mỗi cơn giận dữ của "bà hỏa": “Đám cháy xảy ra trong hẻm nhỏ, xe cứu hỏa không vào được” vốn chẳng phải từ hệ quả của việc đô thị hóa thiếu bền vững hay sao?
Tôi còn nhớ câu chuyện về đám cháy tại quán karaoke phố Trần Thái Tông (Hà Nội) khiến 13 người thiệt mạng. Lúc đó, thông tin về vụ cháy cũng tràn ngập trên truyền thông và mạng xã hội như vụ cháy chung cư sáng nay. Thường thì chỉ khi sự việc xảy ra, báo chí và các lực lượng chức năng mới thực sự "vào cuộc". Tuy nhiên, "nước xa không cứu được lửa gần", nếu như không có biện pháp cụ thể, không có hành động quyết liệt thì nỗi lo chắc hẳn vẫn còn đó. Bao chung cư vẫn mọc lên nhan nhản. Người dân vẫn "mắt nhắm mắt mở" bỏ tiền ra mua nhà chung cư, mua luôn cả nỗi lo mang tên "an toàn cháy nổ".
Nếu cơ quan chức năng không hành động kịp thời và nghiêm túc thì câu chuyện về đám cháy vẫn sẽ tiếp tục, mang theo những mạng người và những tiếng khóc than vì tài sản bỗng chốc thành tro.
Dũng Phan