Đa phần người dân sinh sống tại thị trấn Fossil, nằm giữa những ngọn đồi gần vùng trung tâm bang Oregon, là những người cao tuổi.
Theo bà Sherian Asher, một người dân địa phương cho biết, trung bình mỗi tháng có bốn người tử vong, trong khi thị trấn này chỉ có 450 dân. Không chỉ người dân mà các doanh nghiệp cũng dần dần biến mất. Thị trấn từng có bốn trạm xăng, ba cửa hàng tạp hóa, ba đại lý xe hơi và một xưởng gỗ. Bây giờ, chỉ có một nhà hàng mở cửa vào ban đêm. Bệnh viện gần nhất cách thị trấn hơn một giờ lái xe, còn thành phố gần nhất là Bend thì cách tới hai giờ rưỡi.
Người phụ nữ 74 tuổi cho biết, bà và nhiều người khác đang cảm thấy chết dần chết mòn ở thị trấn. Hiện bà đang chung vốn với ba người bạn thân (trong đó người trẻ nhất đã 68 tuổi) mở một cửa hàng bán nông sản.
Tương tự, Wheeler là hạt đông dân nhất của tiểu bang Oregon, nhưng cũng chỉ có khoảng 1.300 người (94,3 % là người da trắng). Sau khi nhà máy chế biến gỗ Kinzua ở đây đóng cửa vào năm 1978, thành phố bắt đầu “chảy máu thanh niên” – giới trẻ dần dần bỏ đi đến các thành phố lớn kiếm việc làm.
Nhưng Fossil hay Wheeler chỉ là hai trong các ví dụ điển hình ở Mỹ về tình trạng thanh niên rời bỏ các miền quê lên các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm. Theo các số liệu thống kê, từ năm 2010 đến năm 2014, dân số khu vực nông thôn giảm trung bình 33.000 người mỗi năm.
Hiện chỉ có 19% người Mỹ sống tại các khu vực nông thôn, giảm từ 44% vào năm 1930. Khoảng 25% số người cao tuổi sống ở nông thôn, và 21/25 hạt lâu đời nhất tại Mỹ là nông thôn.
Sự suy giảm dân số ở nông thôn Mỹ tập trung chủ yếu ở phía Tây. Đất đai rộng lớn nhưng không thể níu chân được mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Họ thích được chuyển đến sống ở thành phố với hy vọng kiếm được việc làm tốt và thu nhập ổn định hơn. Những người Mỹ vẫn bám trụ ở nông thôn thường vì họ thích cuộc sống yên bình ở đó hoặc đã lớn tuổi.
Tình trạng chung
Nông thôn nước Mỹ không phải là nơi duy nhất bị “chảy máu thanh niên”. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc cũng đang phải đối diện với tình trạng hàng trăm triệu lao động, chủ yếu là lao động trẻ, bỏ nông thôn về các thành phố lớn. Hậu quả của tình trạng này là kinh tế Trung Quốc phải gánh chịu tác động kép: sự thiếu hụt lao động trẻ ở nông thôn và tình trạng dư thừa lao động tại đô thị.
Còn giới trẻ châu Âu thì lũ lượt kéo nhau sang Australia kiếm việc. Những năm gần đây, Australia đã trở thành “miền đất hứa” cho những người châu Âu trốn chạy khỏi khủng hoảng kinh tế tại quê nhà. Các chuyên gia lo ngại rằng, việc thanh niên ở độ tuổi 20 tại Ireland và các nước châu Âu khác di cư ồ ạt bằng visa làm việc tạm thời khiến lực lượng lao động trẻ của Australia đối diện với nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà. “Chúng tôi có 14,5% lao động trong độ tuổi từ 15-19 thất nghiệp. Con số này vẫn thấp hơn so với nhiều nước khác trên thế giới nhưng cũng đủ để nói rằng chúng tôi chưa tạo được cơ hội cho nhiều người trẻ Australia” - ông Thomas Brown thuộc Liên minh Vận tải Australia cho biết.
Nhiều người Ireland đến Australia bằng visa du lịch hoặc visa làm việc một năm, có thể gia hạn hoặc nâng cấp lên visa làm việc dài hạn. Từ đó, họ có thể xin được thẻ cư trú và cuối cùng là quốc tịch, mặc dù quá trình này có thể mất nhiều năm.
Australia đối mặt với làn sóng người nhập cư suốt nhiều thập kỷ qua. Song, giới chuyên gia hiện lo ngại rằng sự thiếu hụt đào tạo có thể khiến giới trẻ nước này không thể cạnh tranh nổi với những người nước ngoài làm việc tại đây, đặc biệt với những công việc được trả lương thấp.
“Điều quan trọng là phải nghĩ xem liệu những người nhập cư tương lai sẽ đi đâu và liệu họ có tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh hay không” – nữ giáo sư Anna Boucher, thuộc trường Đại học Sydney cho biết.