Nhỏ Bình thường Lớn

Chị Anjuska Weil

Chị hẹn gặp tôi tại Nhà ga trung tâm thành phố Berne, Thủ đô của Thụy Sỹ vào trưa ngày thứ Bảy cuối tháng Một.
chi anjuska weil
Chị Veil gặp Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Chỉ còn ít ngày nữa bà con trong nước sẽ đón Tết cổ truyền với đào thắm, mai vàng và chồi biếc xanh trên các hàng cây. Ở đây, tuyết phủ trắng mọi nơi.

Tôi đến khá sớm so với giờ hẹn và nhớ lại lần đầu tiên tôi gặp chị cách đây mười năm, ở nhà riêng của chị tại thành phố Zurich.

Hôm đó là ngày sinh nhật lần thứ sáu mươi của chị và cũng là ngày chị được nhận Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Có rất nhiều người thân trong gia đình và trong Hội hữu nghị Thụy Sỹ - Việt Nam đến chúc mừng.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ, được ủy quyền thay mặt Nhà nước trao Huân chương cho chị, cũng dẫn đầu một đoàn khá đông những người bạn từ thành phố Berne tới Zurich đến chia vui.

Hiếm có một buổi lễ trao Huân chương nào và sinh nhật nào lại vừa trang trọng vừa vui vẻ, thân mật như vậy. Đó thực sự là một ngày đặc biệt đối với chị và chúng tôi, những người luôn khâm phục tấm lòng đối với Việt Nam của chị.

Kể từ ngày đó, tôi nhiều lần được dự những cuộc gặp do những anh chị yêu mến chị như các anh Nguyễn Huy Quang, Nguyễn Ngọc Sơn, Trần Hùng tổ chức tại Hà Nội. Có những cuộc gặp diễn ra ngay sau khi chị vừa đến sân bay Nội Bài để chuẩn bị cho một chuyến đi dài tới những vùng miền rất xa và còn rất nhiều khó khăn. Có những cuộc gặp ngắn ngủi vào trước ngày chị phải về Thụy Sỹ, chị chỉ kịp cho chúng tôi xem những tấm hình khi đến trợ giúp các em nạn nhân chất độc da cam hay những người đang điều trị bệnh phong…

 Có lẽ chị là người Thụy Sỹ có số lần đến Việt Nam nhiều lần nhất trong gần nửa thế kỷ gắn bó với đất nước mà chị coi như quê hương thứ hai của mình. Ngay từ tuổi thanh niên, chị đã xuống đường tham gia phong trào chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Gia đình chị nhận chăm sóc một thiếu niên tên là Sơn bị bỏng nặng trong một trận ném bom gần thành phố Huế vào năm 1968. Coi Sơn như em trai của mình, chị đã trải qua nhiều tháng dài ở các bệnh viện để chăm sóc em. Sơn phải trải qua mười sáu lần phẫu thuật và những kỳ điều trị phục hồi chức năng để có thể đi lại và làm việc. Sau lần đó, chị hiểu hơn về những nỗi đau mà người Việt Nam phải trải qua.

Sau khi hòa bình trở lại Việt Nam, số tổ chức Thụy Sỹ giúp đỡ Việt Nam giảm đi nhưng chị và những người thân cho rằng cần phải tiếp tục việc trợ giúp nhân đạo, đoàn kết với Việt Nam. Năm 1982, chị là một trong những thành viên sáng lập Hội Thụy Sỹ - Việt Nam và trở thành Chủ tịch của Hội từ năm 1994. Năm 1986, chị đến Việt Nam lần đầu tiên trong đoàn đại biểu của Đảng Lao động Thụy Sỹ và đó là bước khởi đầu cho biết bao chuyến đi đến Việt Nam về sau này.

chi anjuska weil
Chị Veil trong một cuộc họp tại Sứ quán Việt Nam ở Berne.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, đích đến trong những hành trình của chị tại Việt Nam là những cơ sở y tế dành cho những người bị bệnh phong và thường những cơ sở này ở cách khá xa khu dân cư. Đó cũng là để thực hiện di nguyện của mẹ chị. Trước khi qua đời, bà ủy thác cho chị bán đi toàn bộ tài sản để ủng hộ những người bị bệnh phong. Nhờ anh Huy Quang, lúc đó đang là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, chị đã thành lập Hội cứu trợ người nhiễm bệnh phong ở Việt Nam và hợp tác chặt chẽ với Chương trình Quốc gia chống bệnh phong trong nước. Số tiền Hội thu nhận được đến nay vào khoảng hơn 800 nghìn francs Thụy Sỹ (tương đương với 800 nghìn USD) góp phần không nhỏ cho việc chữa bệnh và hòa nhập cộng đồng của những người bị bệnh phong trong nước.

Kể từ năm 2000 đến nay, Hội Thụy Sỹ - Việt Nam và chị tập trung cho cuộc đấu tranh vì công lý đối với những nạn nhân chất độc da cam. Hội đã tổ chức hơn mười cuộc triển lãm tại các thành phố lớn của Thụy Sỹ, các cuộc hội thảo, các hoạt động văn hóa, phát các ấn phẩm để kêu gọi giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Gần đây, Hội đang tiến hành cuộc vận động kêu gọi Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối những hành động thôn tính, thay đổi hiện trạng trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, ủng hộ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, vì hòa bình và công lý.     

* * * 

Chia tay tôi, chị nhắc lại câu nói của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khi gặp chị: "Hãy tiếp tục làm gì đó cho hòa bình, công lý và chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi trông cậy vào bạn bè quốc tế"...

Chị xuống tàu với với một túi to đựng các tài liệu về Việt Nam. Chị  vẫn giản dị và nhanh nhẹn như lần gặp cách đây gần một năm tại Hà Nội. Lần ấy, chị vừa xuống xe khách từ Nam Định về sau một ngày đi trao quà tặng cho các em học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn ở một xã cách thành Nam khá xa.

Chị giải thích hôm nay chị tranh thủ hẹn gặp tôi để giới thiệu về ấn phẩm Hòa Bình số ra sắp tới, sau đó sẽ lại đi gặp để trao tài liệu cho các thành viên của đoàn du lịch nghiên cứu sắp thăm Việt Nam kết hợp triển khai các hoạt động từ thiện vào tháng Ba tới.

 Chia tay tôi, chị nhắc lại câu nói của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khi gặp chị: “Hãy tiếp tục làm gì đó cho hòa bình, công lý và chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi trông cậy vào bạn bè quốc tế”.

Nhìn những bông tuyết rơi trắng những nẻo đường, hàng cây… ngoài nhà ga, bất chợt, tôi nghĩ về những cánh đào thắm đỏ trong nắng xuân ở chốn quê nhà.

Nhiệt tâm của chị đối với Việt Nam làm tôi cảm thấy ấm lòng.

Hải Như