Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một số đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu TTXVN) |
Niềm tự hào dân tộc
Có thể nói, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử, trở thành sự kiện đặc biệt của đất nước, của nhân loại như một mốc son chói lọi mang ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại. Đây là bản anh hùng ca tuyệt vời về tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng, về trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam trong đấu tranh cách mạng.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) không chỉ là dịp để tri ân những cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước cho hòa bình hôm nay, mà còn là dịp để giáo dục lý tưởng cách mạng cũng như truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ. Nói cách khác, Chiến thắng này để lại nhiều bài học quý báu, sống động đối với thế hệ trẻ, là dịp để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước.
Tin liên quan |
Có một “thời hoa lửa”... |
70 năm đã trôi qua, thời gian đã quét đi những dấu tích, mọi thứ đã đổi thay nhưng giá trị của Chiến thắng này còn nguyên vẹn. Vẫn còn đó những dấu ấn lịch sử một thời hào hùng của dân tộc, của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hơn thế, Điện Biên Phủ là biểu tượng của ý chí, nghị lực và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Điện Biên hôm nay không chỉ là chiến trường khốc liệt năm xưa với giao thông hào chằng chịt mà đã trở thành vùng đất phát triển, con người năng động. Nhắc đến Điện Biên không thể không nhắc đến Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ với những hiện vật, hình ảnh chân thực, sống động tái hiện Chiến dịch. Đó là nhân chứng lịch sử về sự hy sinh quên mình của thế hệ đi trước. Đây cũng là cơ hội giáo dục bài học về lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…”.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dịp để mỗi người dân Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài hướng về Điện Biên với mong muốn tìm về cội nguồn chiến thắng và sức mạnh dân tộc. Đồng thời, cần thiết vận dụng sáng tạo, linh hoạt những bài học từ Chiến dịch Điện Biên Phủ vào xây dựng đất nước trong bối cảnh hiện nay, để đạt được mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết của Đảng đề ra.
Khối chiến sĩ Điện Biên trong Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/2024. “Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn”. (Nguồn: Vietnamnet) |
Trách nhiệm của người trẻ
Thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước hoàn toàn thống nhất, nhưng qua những thước phim tư liệu, những nhân chứng lịch sử, các em cảm nhận được ý nghĩa và những bài học sâu sắc từ Chiến thắng này đem lại.
Giới trẻ ngày nay được thừa hưởng thành quả từ sự hy sinh quên mình của cha ông ta nên cần gìn giữ những giá trị, thành quả ấy. Vì vậy, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng. Đồng thời, biến những bài học lịch sử trở thành những hành động cụ thể.
Đặc biệt, người trẻ cần nâng cao nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc, góp phần đưa đất nước vươn lên trong khu vực và thế giới. Muốn vậy, mỗi người trẻ phải nỗ lực, cố gắng học tập không ngừng, cập nhật kiến thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng đặc biệt trong thời đại hiện nay.
Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng nói, lớp trẻ có điều kiện tốt hơn cha anh rất nhiều, vì vậy phải cố gắng học tập, rèn luyện. Không có cách nào khác, thế hệ trẻ cần tự mình chứ không chờ người khác giáo dục mình, đấy chính là văn hóa, hướng tới và kế tục.
TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh, bản thân người trẻ phải có niềm tin, phải học hỏi, lao động, kế thừa những điều ông cha đã làm tốt, khắc phục những điều chưa được. Đó là nhiệm vụ, cũng là khát vọng của giới trẻ. Bây giờ là "bài ca" chống tụt hậu và xây dựng đất nước ngang tầm với khu vực và thế giới. Sứ mệnh vinh quang này giao cho lớp trẻ và lớp trẻ phải kế thừa, kế tục được sự nghiệp của cha anh, phải làm tốt hơn thế hệ đi trước.
Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay cần nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường, không để đất nước bị tụt hậu, đồng thời, phát huy tinh thần sáng tạo, sống có lý tưởng, luyện đức rèn tài, có trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Trong bối cảnh thế giới biến đổi khôn lường, nhiều thách thức và cơ hội đặt ra cho người trẻ. Những thách thức buộc người trẻ phải trân trọng những giá trị lịch sử, phải chuyển mình để bắt kịp thời đại.
Có người nói, Điện Biên Phủ không chỉ là quá khứ, mà còn là nguồn cảm hứng cho tương lai; không chỉ là một bài học về lịch sử, mà còn là động lực cho thế hệ trẻ trong việc đóng góp cho sự phát triển của đất nước, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Trong tương lai, Điện Biên Phủ sẽ tiếp tục là điểm sáng trong giáo dục lịch sử và văn hóa, không chỉ cho thế hệ trẻ Việt Nam mà còn cho bạn bè quốc tế...
Thật vậy, thời trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ, đất nước hội nhập sâu rộng, yêu cầu giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng trở nên quan trọng. Trong đó, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như nỗ lực học tập để đất nước không bị tụt hậu.
Đồng thời, Chiến thắng vĩ đại ấy giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử nước nhà, hiểu hơn về quá khứ, trân trọng những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, từ đó hun đúc ý chí, khát vọng cống hiến cho đất nước cũng như xây dựng lý tưởng cách mạng.
| Ngày 30/4: Nỗi day dứt của anh Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới... Ngày 30/4 với Đại tá Nguyễn Hùng Phong có rất nhiều cảm xúc. Ông từng nghĩ, nếu sống sót qua chiến tranh, ông sẽ mang ... |
| Ký ức người lính Thành cổ Quảng Trị Nhớ về những ngày chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, ông Trịnh Xuân Tính kể, nhiều hôm hầm ngập nước nên bộ đội ta ... |
| Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Tự hào anh bộ đội cụ Hồ Ông Đinh Khánh tâm niệm: "Trong chiến tranh, chúng tôi không sợ chết, khi hòa bình lập lại, những anh lính cụ Hồ luôn cố ... |
| Ký ức chiến tranh giữa thời bình “Ký ức về chiến tranh vẫn khắc khoải trong tôi, nhất là khi gặp lại đồng đội cũ mang thương tích trên người, hay lúc ... |
| Người trở về sau hai lần truy điệu Đại tá Nguyễn Văn Nhã đã dành trọn cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Nhưng cao cả hơn, khi trở về với gia đình ... |