Nhỏ Bình thường Lớn

Chỉ là “nước cờ” của ông Trump?

Sau quyết định tiếp tục áp thuế các mặt hàng nhập khẩu gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump, liệu các nước có thể bị cuốn vào một cuộc trả đũa, “ăn miếng trả miếng”?
TIN LIÊN QUAN
tin nhap 20180322155806 ​IMF: "Không có nước nào thắng" trong các cuộc chiến thương mại
tin nhap 20180322155806 Trung Quốc cảnh báo hậu quả cuộc chiến thương mại với Mỹ

Đầu tháng 3/2018, một động thái được coi là “châm ngòi” cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với nhiều đối tác thương mại trên thế giới bằng mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Mới đây lại có thông tin, Tổng thống Trump đang chuẩn bị gói trừng phạt trị giá đến

60 tỷ USD đối với đầu tư và hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, với cáo buộc nước này đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước đó, vào tháng 1/2018, Mỹ đã không ngần ngại, mạnh tay đánh thuế lên máy giặt và pin Mặt trời bởi lý do đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà sản xuất Mỹ.

tin nhap 20180322155806
Tổng thống Donald Trump ký chỉ thị chỉ thị tổng thống về việc áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm trước sự chứng kiến của các công nhân Mỹ. (Ảnh: AP)

Lời hứa “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”

Sau những động thái thẳng thừng đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại vừa gây sốc bằng việc viết lên Twitter rằng, “các cuộc chiến thương mại là tốt và dễ thắng”. Việc Tổng thống Trump đề cập đến “đòi công bằng” cho người Mỹ không có gì mới nữa, nhưng người ta phải giật mình khi thấy cái cách người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới nói đến một cuộc chiến thương mại, dễ dàng và đơn giản.

Tuy nhiên, đây có thể chỉ là một bước chuẩn bị của ông Trump trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm. Ông chủ Nhà Trắng đang muốn chứng minh với các cử tri Mỹ rằng, ông đang “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” như lời ông đã hứa. Ông Trump muốn công khai đòi lại việc làm cho các nhà sản xuất công nghiệp, cũng như đòi lại sự công bằng cho người lao động Mỹ, bằng cách tuyên chiến với các đối thủ là những đối tác đang gây phương hại cho nước Mỹ.

Đứng trên lợi thế của nền kinh tế lớn nhất thế giới, lập luận của ông Trump rất đơn giản, khi nước Mỹ chịu thâm hụt thương mại 100 tỷ USD với một đối tác nào đó, thì chỉ việc áp thuế cao để chặn lại. Một quyết định trúng hai đích, doanh nghiệp nội địa của Mỹ sẽ được giảm áp lực cạnh tranh, mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ.

Tuy nhiên, mới đây, trong bài phân tích dài về chiến tranh thương mại, tờ The Guardian đưa ra nhận định, nước Mỹ sẽ không thể thắng nếu một cuộc chiến tranh thương mại thật sự xảy ra, đặc biệt với Trung Quốc, còn với các nước khác, cái giá phải trả cho chiến thắng là rất đắt. Và trên thực tế, khi những quyết định đánh thuế nhập khẩu có hiệu lực, người tiêu dùng Mỹ chắc chắn sẽ chịu thiệt hại, chi phí doanh nghiệp tăng cao, bởi giá cả trong nước sẽ tăng mạnh và các quốc gia khác sẽ không khoanh tay đứng nhìn…

Là một tỷ phú lão luyện trên thương trường, lại thêm nhóm cố vấn “không phải dạng vừa đâu”, không thể nói ông Trump không biết điều đó. Bởi vậy, việc liên tục sử dụng đòn áp thuế theo kiểu bảo hộ, có thể chỉ là một trong những “nước cờ” chuẩn bị cho bước tiếp theo của chính quyền Trump, nhằm hướng tới đàm phán lại các thỏa thuận thương mại song phương, như ông Trump từng đề cập đến trong kế hoạch sắp xếp lại nền kinh tế khi nhậm chức.

Nhưng dù sao, ông Trump lại một lần nữa khiến thế giới đứng ngồi không yên. Tất cả các nước xuất khẩu vào Mỹ hiện đều không thể không lo lắng, bởi việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu sẽ tác động trực tiếp tới doanh nghiệp và người dân của họ. Nhiều lời tuyên bố, “nắn gân” qua lại cho thấy, nguy cơ về một cuộc chiến thương mại cận kề hơn bao giờ hết.

tin nhap 20180322155806
Không có ai thắng trong chiến tranh thương mại, hoặc nếu có, cái giá phải trả cho chiến thắng là rất đắt. (Nguồn: Poundsterlinglive)

Sẽ không có chiến tranh thương mại

Được cho là đối tượng chính mà các quyết định đánh thuế của Mỹ hướng tới, nhưng khi được hỏi về vấn đề này, giới chức của nền kinh tế số 2 đều khẳng định, “Trung Quốc không muốn gây chiến tranh thương mại với Mỹ”. Mới đây nhất, ngày 20/3, tại phiên họp cuối cùng Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa XIII, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có những tuyên bố được cho là khá cởi mở với nhiều nội dung về cải cách tài chính lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc và khẳng định nước này muốn tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Theo đó, Bắc Kinh sẽ có kế hoạch nới rộng các lĩnh vực đầu tư kinh doanh mới cho doanh nghiệp nước ngoài và cam kết sẽ không ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ như đã từng diễn ra từ trước đến nay. Tuyên bố này của ông Lý được xem như câu trả lời mang tính nhượng bộ cho “lời đe dọa trị giá 60 tỷ USD” nói trên của Tổng thống Trump.

Nói về con số thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc lên tới 375 tỉ USD trong năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc có xu hướng bào chữa khi nói: “Thâm hụt đó không phải là điều Trung Quốc mong muốn. Cũng giống như Mỹ, chúng tôi muốn thấy một quan hệ thương mại cân bằng hơn giữa hai bên, bởi vì nếu không thì mối quan hệ đó sẽ không bền vững”.

Có vẻ như ở thời điểm hiện tại, nước cờ của Tổng thống Mỹ đã khá thành công. Bắc Kinh sẽ đáp ứng các đòi hỏi từ Washington, khi kế hoạch kinh tế mới của nước này sẽ mở rộng quyền tiếp cận thị trường khổng lồ của mình cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài hơn so với trước đây. Một số lĩnh vực trước đây Trung Quốc cấm doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh, nay sẽ được mở ra và một số lĩnh vực khác vốn hạn chế quyền sở hữu nước ngoài cũng sẽ được nới rộng hơn.

Thủ tướng Trung Quốc cũng khẳng định: “Quyền sở hữu trí tuệ sẽ được bảo vệ một cách hoàn toàn. Trung Quốc hy vọng, điều này sẽ góp phần làm cân bằng quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Không nên vì một số mâu thuẫn nhỏ làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế giữa hai bên”. Sự nhún nhường của Trung Quốc được đánh giá là bước đi khá tích cực thay vì trả đũa, bởi với lợi thế của một đối tác kinh tế lớn nhất, Trung Quốc hoàn toàn có thể tung những đòn đáp trả không hề kém cạnh.  

tin nhap 20180322155806
Sẽ không có chiến tranh thương mại.

Mâu thuẫn ở ngay “sân đa phương”

Dẫu sao thì căng thẳng thương mại đã phủ bóng lên các cuộc thảo luận tại Hội  nghị Bộ trưởng Tài chính các nước G20 ở Argentina (19-20/3). Tại đây, trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin một mực khẳng định các hành động thuế quan của Mỹ không phải “chủ nghĩa bảo hộ” mà chỉ là bảo vệ các lợi ích của Mỹ. Một số quan chức G20, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Anh và Đức, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các hiệp định đa phương, song phương và khu vực. Và cho rằng, các vấn đề như thế cần phải được cởi mở, minh bạch và theo quy tắc của WTO.

Tuy nhiên, trên thực tế tại WTO, chính Tổng thống Trump đã sử dụng điều khoản nhằm bảo vệ an ninh quốc gia để đặt ra một thách thức chưa từng có đối với hệ thống giải quyết các tranh chấp của tổ chức này. Để biện minh cho những khoản thuế mới, ông Trump đã dựa vào một thủ tục ít được viện dẫn trong luật thương mại Mỹ - Điều 232, “cho phép Tổng thống hạn chế nhập khẩu một số sản phẩm nhất định để bảo vệ an ninh quốc gia”. Trong khi đó, WTO lại có riêng một Điều 21 - quy định không một quốc gia nào có thể bị cản trở “áp dụng bất kỳ quyết định nào được coi là cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh thiết yếu của quốc gia đó, ngay cả khi không có bằng chứng cho thấy hàng nhập khẩu đang tăng, được trợ cấp hoặc bán dưới giá thành”.

Như vậy, bằng lý do “an ninh quốc gia”, thay vì đưa ra một vụ án tranh chấp thương mại “thường tình”, ông Trump đã khởi động cơ chế hạn chế trừng phạt bằng hành động trả đũa và do đó ngăn chặn các vụ tranh chấp thương mại có thể xảy ra.

Trên thực tế, hàng chục năm qua, Tòa án chưa bao giờ đưa ra được phán quyết cuối cùng liên quan đến Điều 21. Thực tế này khiến nhiều nước không khỏi lo ngại, nếu lập luận của Tổng thống Trump được chấp thuận, sẽ mở đường cho xu hướng gia tăng các loại thuế, mà theo đó, mỗi quốc gia chỉ hành động vì lợi ích của riêng mình. Đó là vấn đề mâu thuẫn với quy tắc thương mại thế giới và WTO đang hướng tới.

Thay lời kết

Đến nay thì việc Tổng thống Trump hay gây sốc bằng những chia sẻ trên Twitter có vẻ không còn mới mẻ, bởi người ta hiểu rằng ông ấy thích ồn ào và tạo dấu ấn mạnh. Người ta cũng dần quen với việc những dòng Tweet ấy đều có một hàm ý nào đó về những việc mà Chính phủ đương nhiệm sẽ thực hiện. Tuy nhiên, việc Chính quyền của ông Trump sẽ làm thế nào và làm được hay không lại là một câu chuyện khác.

Ông Trump còn được cho là người có thể đổi chiều khi tình thế không như dự tính. Hơn thế, trước khi là một chính trị gia, ông Trump là một doanh nhân thành công, ông không phải là người chống lại thương mại một cách cực đoan, mà mục đích chỉ đơn giản là tạo dấu ấn bằng các thỏa thuận thương mại mới, như cách ông “để ngỏ cửa” cho Canada và Mexico đàm phán miễn trừ thuế nhôm thép, hay tuyên bố sẵn sàng đàm phán trở lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên TBD (CPTPP), nếu có lợi.

tin nhap 20180322155806
EU công bố danh sách các sản phẩm của Mỹ có thể bị áp thuế

Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/3 đã công bố một danh sách các sản phẩm của Mỹ mà EU dự định áp thuế, nếu ...

tin nhap 20180322155806
Doanh nghiệp thép và nhôm Mỹ cũng mất 90 ngày để được miễn trừ thuế

Các doanh nghiệp liên quan đến mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu tại Mỹ có thể phải chờ tới 90 ngày để được miễn trừ ...

tin nhap 20180322155806
Mỹ cân nhắc đánh thuế cao nhiều hàng hóa Trung Quốc

Trong một diễn biến có nguy cơ làm bùng nổ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Mỹ ...

Minh Anh