Các tác phẩm ở đây như một sự biểu dương chất liệu đồng xứng đáng, bên cạnh đó còn có những tác phẩm được làm từ chất liệu quý như vàng, ngọc, ngà voi hoặc chất liệu truyền thống như gỗ, gốm. Điều đáng nói ở đây là với những chất liệu quý thì tác phẩm hầu như chỉ đạt độ tinh xảo của đồ mỹ nghệ chứ không toát lên được thần thái sinh động của tượng.
Thần Siva đang nhảy múa- chất liệu đồng |
Chân của thần Siva |
Xét về nguyên tắc sắp xếp một phòng triển lãm mỹ thuật thì ở đây rất không ổn: Bố trí các tác phẩm tuỳ tiện không theo chiều lịch đại mà cũng chẳng theo các tôn phái hay theo xuất xứ. Không có một dòng chữ nào thông báo kích thước, chất liệu, tên tác phẩm v.v... Tất cả cứ như một lời thách đố không chỉ với công chúng mà cả với những nhà nghiên cứu mỹ thuật tôn giáo!
Tuy nhiên, phải thừa nhận ngay rằng, đây là cuộc triển lãm có một không hai về Mỹ thuật phật giáo ở Việt Nam từ trước tới nay. Không thể hình dung được nơi đây lại có tác phẩm Thần Siva đang nhảy múa, dù là bản sao và nó phiêu bạt từ đâu đến đi nữa.
Giá trị của tác phấm Thần Siva đang nhảy múa không nằm nhiều ở ý nghĩa tôn giáo mà ở chính giá trị mỹ thuật và phần nào ở kỹ nghệ đúc đồng của các nghệ nhân. Là một trong ba vị thần tối thượng của Ấn Độ cổ xưa nhưng dáng vẻ của thần Siva, vị thần Sáng tạo và Huỷ diệt, ở tác phẩm này không hề nghiêm nghị mang tính biểu tượng thuần tuý như vẫn thấy mà nó toát lên miền vui sướng khoái hoạt cao độ.
Đầu tượng Phật tóc xoăn - chất liệu đá |
Bốn cánh tay chắc khoẻ như nở hoa ở phần trên, một chân trụ, một chân khuỳnh ngang trong vũ điệu đầy cảm hứng sáng tạo. Eo lưng thắt lại, phần hông căng chắc dồn nén vào bước nhảy, con mắt thứ ba chính giữa trán mở ra và một chân của vị thần như vượt ra khỏi vòng tròn hoàn hảo càng làm tăng vẻ hài hoà, cân xứng.
Rất hiếm những pho tượng tôn giáo có độ căng trong hành động mà vẫn thoải mái đến như vậy, kể cả những kiệt tác điêu khắc của Hy Lạp cổ đại và văn minh La Mã sau đó. Nước đồng lên màu nâu bóng, không có vết rỗ dù nhỏ đã cho thấy trình độ đúc đồng đạt đến mức rất cao.
Những pho tượng đồng còn lại hầu hết đều thể hiện vẻ cân xứng, chuẩn mực trong các tư thế thiền. Căn cứ vào kiểu tóc, tư thế của các ngón tay, nếp áo v.v... có thể suy luận gần đúng gốc tích cũng như thời gian xuất hiện của các tông phái nhưng không thể từ đó mà suy ra nơi chế tác cũng như thời gian chế tác được: Tóc xoăn cuốn (gốc Ấn mà ta quen gọi là Bụt ốc), tóc búi ngược thành tháp (gốc Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản...); tay bắt quyết (Mật tông), các ngón tay để tự nhiên, khoan hoà (các dòng thiền công truyền); nếp áo cầu kỳ, quý phái bộc lộ thân phận hoàng tộc hoặc áo có những đinh đồng vàng sáng nói lên phẩm hạnh võ tướng xuất gia cầu đạo; nếp áo tiểu thừa trang nhã hai vạt khép chéo trước ngực, nếp áo đại thừa hở vai với các sóng lượn cong mềm mại v.v ..
Tượng Phật chất liệu gốm có nguồn gốc Nhật Bản |
Với nếp áo trên các tượng đồng, ngoài sự dụng công mềm hóa bởi các đường lượn sóng còn được các nghệ nhân vẽ, chạm nổi tỉ mỉ hình hoa lá, chim muông tinh xảo trên từng xăng-ti-mét một. Sẽ là sự sa hoa đáng trách ở ngoài đời thực nhưng trong những tác phẩm mỹ thuật tôn giáo thì nó lại thể hiện được lòng sùng kính vô biên mà chúng ta quen gọi là sự sa hoa thần thánh.
Đây cũng là điểm đặc biệt hầu như không gặp trong mỹ thuật tôn giáo Việt Nam và nó là dấu chỉ mơ hồ về xuất xứ xa lạ của những pho tượng hiếm có này.
Những pho tượng nữ ở đây được các nghệ nhân sáng tạo thoải mái hơn, giầu cảm hứng hơn và chúng khác hẳn phong cách nghiêm nghị chân phương của các pho tượng nam. Chúng cũng khác biệt một trời một vực với các pho tượng phương tây cùng xuất hiện từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 19 bởi đặc điểm dễ nhận biết sau: các lớp áo choàng che kín cơ thể, dù chúng được làm mềm hoá bởi các nếp gấp chảy dọc thân hoặc lượn phấp phới theo hướng gió hay theo cử động của thân hình thì cũng không hề lộ dáng thân thể ẩn sau lớp áo.
Ngược lại, những phần cơ thể lộ ra ngoài nếp áo cũng chỉ mang tính biểu tượng nhằm chuyển tải ý nghĩa tôn giáo chứ không nhằm tôn vinh vẻ đẹp của cơ thể nữ cũng như hành động của nhân vật này.
Tượng Phật với các vòng cổ. Mạ vàng |
Có những tượng đồng nhỏ tinh xảo thể hiện người nữ gần như khỏa thân, mắt hẹp, bụng to, rốn sâu thể hiện nơi hàm chứa và sinh thành sự sống nhưng vẻ mặt lại nghiêm nghị, chân phương nhằm nói rõ rằng đây không phải là niềm khoái lạc trần thế hay thần thánh mà chỉ là nguyên lý sinh diệt của muôn loài.
Tư thế ngồi của bà cũng rất lạ: hai đùi mở rộng đè lên ống chân, hai bàn tay mở tạo thành đường trục dọc phân chia cân xứng. Từ đó có thể đoán định niên đại của những pho tượng này khá cổ. Với những tượng nữ có niên đại gần chúng ta hơn thì vẻ mặt của họ có bớt nghiêm nghị nhưng cũng không được sinh động cho lắm. Riêng về tư thế thì thoải mái hơn, gần với người thực hơn.
Dù sao thì khoảng cách giữa thần tính và nhân tính ở những pho tượng tại triển lãm này vẫn là khoảng cách sử thi chứ chưa đạt tới khoảng cách của thơ ca hay tiểu thuyết, bất chấp lai lịch của các pho tượng này được nói rõ từ thế kỷ thứ 7 đến tận thế kỷ thứ 19.
Triển lãm mở cửa cho đến hết 31/5/2008.
Chùm ảnh Mỹ thuật Phật giáo châu Á:
Theo VNN