Các khách mời trao đổi tại lễ phát động. |
Bạo lực phụ nữ và trẻ em là không thể chấp nhận được – đó là thông điệp được truyền tải ngày hôm nay bởi các tổ chức Liên hợp quốc, Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác. Trong Lễ khởi động chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ trong các trường hợp khẩn cấp như đại dịch Covid-19, các bên cùng nhau lên tiếng và kêu gọi hành động để tạo mội trường sống an toàn và bảo vệ tất cả các nạn nhân của bạo lực.
Chiến dịch Trái tim xanh được thực hiện bởi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với các đối tác lâu dài là UNICEF, UNFPA, UN WOMEN và các tổ chức phi chính phủ quốc tế như Save the Children, Plan International, World Vision, ChildFund và các tổ chức khác
Chiến dịch kêu gọi công chúng, cha mẹ/người chăm sóc trẻ/các thành viên trong gia đình, phụ nữ, nam giới, trẻ em gái, trẻ em trai, hàng xóm, các thầy cô giáo cũng như chính quyền địa phương lên tiếng chống lại và tố cáo bạo lực. Chiến dịch cũng cung cấp những kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em nhằm ngăn ngừa bạo lực, xâm hại, cải thiện sức khỏe tâm thần và tâm lý của những người bị ảnh hưởng đồng thời đảm bảo tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em.
Đại dịch Covid-19 có tác động lớn trên toàn thế giới. Những nỗ lực nhằm ngăn chặn vi-rút lây lan để đảm bảo sức khỏe cho người dân, nhưng cũng làm cho trẻ em đối mặt với nguy cơ bạo lực ngày càng gia tăng như bị ngược đãi, bị bạo lực trên cơ sở giới và bị xâm hại tình dục. Những báo cáo gần đây ở những nước có đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự hạn chế di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp cách ly khác cùng với những áp lực về xã hội và kinh tế hiện hữu hoặc gia tăng ở các gia đình đã làm tăng bạo lực gia đình, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ.
Ở nhiều nước trên thế giới, tỉ lệ bạo lực gia đình tăng ít nhất 30%. Tại Việt Nam, trong thời gian Covid-19, số người tìm đến trú ẩn tại Ngôi nhà bình yên, trung tâm của Hội Phụ nữ Việt Nam dành cho phụ nữ và trẻ em gái nạn nhân của bạo lực gia đình và xâm hại, đã tăng gấp đôi. Trẻ em và phụ nữ vừa là nạn nhân vừa là người chứng kiến bạo lực, bị tổn thương cả về cơ thể và tâm lý.
“UNICEF, UNFPA và UN WOMEN cùng lên tiếng đề nghị tất cả các công dân tố cáo bạo lực để các kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm. Bạo lực xuất hiện trong các gia đình và ở cộng đồng, cả giàu có lẫn nghèo khó, cả trình độ học vấn cao và trình độ thấp. Đó luôn là vấn đề về quyền lực đối với nạn nhân và điều này không bao giờ có thể chấp nhận được. Trong những thời điểm bấp bênh, nhiều áp lực và lo lắng, điều đáng buồn là tình hình bạo lực vốn đã xấu lại càng xấu hơn. Phụ nữ thì sợ hãi không dám tố cáo, còn trẻ em thường không ở địa vị để có thể tố cáo những hành động bạo lực”, bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF phát biểu thay mặt các tổ chức LHQ tham gia chiến dịch. “Chúng tôi yêu cầu chính quyền địa phương, cộng đồng, cha mẹ và chính phủ cần hành động để đảm bảo trẻ em và phụ nữ được bảo vệ và được an toàn”
“Cho dù bạo lực xảy ra ở đâu, dưới hình thức nào và tác động đến ai, thì đều phải chấm dứt. Cải thiện các dịch vụ để giải quyết hiệu quả bạo lực ở phụ nữ và trẻ em trong và sau khủng hoảng, bao gồm cả thời kỳ Covid-19 sẽ tăng cường chiến lược chuẩn bị và ứng phó của Việt Nam”, bà Elisa Fernandez Saenz, Đại diện UN WOMEN phát biểu.
Hoa hậu H'hen Niê phát biểu tại buổi lễ. |
Các trường học đóng cửa trong thời gian đại dịch đã gây ảnh hưởng tới hơn 20 triệu trẻ em Việt Nam. Trẻ em trở nên phụ thuộc vào các diễn đàn trực tuyến và học tập từ xa và điều này cũng làm cho các em có nhiều nguy cơ tiếp xúc với các nội dung không phù hợp và những kẻ xâm hại trên mạng. Gia tăng công nghệ số cũng làm cho trẻ em dễ bị tổn thương hơn.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: "Trong nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm giải quyết các tác động tiêu cực đến đời sống người dân trong và sau đại dịch bằng các chính sách an sinh xã hội cấp bách. Những hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tai nạn thương tích đối với trẻ em cũng được thực hiện kịp thời trong thời gian trẻ em giãn cách xã hội tại gia đình hoặc tại các cơ sở cách ly tập trung.
Việt Nam đã nhận được sự đồng hành tích cực nhất của UNICEF và các tổ chức quốc tế vì trẻ em trong những hoạt động này. Chúng ta có được những bài học rất thiết thực về tăng cường bảo vệ trẻ em, phụ nữ trong tình trạng khẩn cấp".
Theo chia sẻ của bà Dragana Strinic, Giám đốc Quốc gia của Save the Children, “Trong nhiều cuộc thảo luận mà các thành viên của Nhóm hành động vì Quyền trẻ em (CRWG) với trẻ em, chúng tôi biết rằng chấm dứt bạo lực, xâm hại và trừng phạt về thân thể và tinh thần là những mong muốn hàng đầu của trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều lo lắng trong đại dịch Covid-19.
Chúng tôi, những thành viên của Nhóm hành động vì Quyền trẻ em cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam, với cha mẹ và với cộng đồng, và với tất cả các đối tác khác nhằm đảm bảo tất cả trẻ em có thể được sống trong một môi trường an toàn, thân thiện để có thể phát triển hết tiềm năng của mình".
Chiến dịch Trái tim Xanh được khởi động vào Tháng hành động vì Trẻ em, diễn ra vào tháng Sáu hàng năm tại Việt Nam. Chiến dịch nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các nghệ sỹ Việt Nam như Bảo Thanh, H’Hen Niê, Hoàng Bách, Minh Trang, Trọng Hiếu, Kim Lý, Duy Khoa, Xuân Bắc…, những người đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch và giúp lan tỏa thông điệp bảo vệ trẻ em và phụ nữ.
Bài hát chủ đề của chiến dịch có tựa đề “Dưới cùng một bầu trời” (Under the same sky) do ca sỹ Trọng Hiếu và các nghệ sỹ quốc tế biểu diễn nhằm lan tỏa tình yêu thương, sự bảo vệ và sự bình đẳng. Bài hát được chính ca sỹ sáng tác trong thời gian ở nhà mùa dịch và được công bố hôm nay tại Lễ Khởi động chiến dịch.