Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ thông tin về chiến lược ngoại giao vaccine. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Liên quan đến vấn đề ngoại giao vaccine, tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 6/9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, vấn đề tiếp cận vaccine là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, để góp phần phục hồi sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng cho nền kinh tế, doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.
Với sự chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine (Tổ công tác) đã triển khai hết sức quyết liệt, khẩn trương, tận dụng các mối quan hệ song phương, đa phương, thông qua các tổ chức quốc tế, thông qua cơ chế Covax; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao vaccine để tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất, không chỉ vaccine mà thuốc đặc trị và trang thiết bị cho nhân dân.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh ngoại giao vaccine trong và ngoài nước với ba mũi tiếp cận, đồng thời tìm kiếm thêm các nguồn tiếp cận thuốc đặc trị Covid-19.
Thứ nhất, đẩy mạnh, đôn đốc triển khai cam kết theo các hợp đồng cung ứng vaccine mà Chính phủ đã ký với các hãng lớn như AstraZeneca, Pfizer.
Thứ hai, Tổ công tác sẽ tranh thủ mối quan hệ với các đối tác song phương, đa phương cũng như đối tác quan trọng, hữu nghị của Việt Nam để tiếp cận vaccine từ các nước này bằng nhiều hình thức khác nhau như viện trợ, thương mại, vay...
Thứ ba, thúc đẩy ký kết hợp đồng mua vaccine mới với các hãng lớn, đồng thời tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác về sản xuất vaccine ở trong nước, để có nguồn cung ổn định, lâu dài.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, thời gian qua việc tiếp cận vaccine không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới rất khó khăn do biến chủng Delta phức tạp, nhu cầu về vaccine là rất lớn. Hơn nữa, việc tiếp cận vacicne đang có sự bất bình đẳng giữa nước giàu và nước nghèo trong khi nguồn cung trên toàn cầu chưa đáp ứng yêu cầu. Nửa đầu năm 2021, thế giới cần 11 tỷ liều vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng, nhưng các hãng mới sản xuất được 4,5 tỷ liều. Vì vậy, tình trạng khan hiếm vaccine đặt ra với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam đã nhận khoảng 33 triệu liều vaccine. Dự kiến đến cuối tháng 10 chúng ta có thể huy động hơn 30 triệu liều vaccine. Trong tháng 9 sẽ có khoảng 17 triệu liều vaccine về Việt Nam.
Ngoài tiếp cận vaccine, Tổ công tác cũng tìm kiếm nhiều nguồn khác nhau để tiếp cận thuốc đặc trị Covid-19. Bộ Y tế cùng các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đang phấn đấu nhập khẩu hàng triệu liều thuốc đặc trị từ các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Sỹ. Tổ công tác cũng đẩy mạnh tiếp cận trang thiết bị y tế từ các nguồn. Đến nay, có 17 quốc gia, vùng lãnh thổ và nhiều kiều bào đã hỗ trợ các thiết bị y tế trị giá hàng triệu USD.
Công tác ngoại giao vaccine trong thời gian vừa qua đã đạt nhiều kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, có thể thấy trong tình hình dịch bệnh và biến chủng Delta diễn biến phức tạp, nhu cầu về vaccine, nhu cầu về trang thiết bị y tế còn rất lớn. Chúng tôi chân thành cảm ơn các đối tác, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, kiều bào đã hỗ trợ Chính phủ, nhân dân trong nước rất nhiều trong việc tiếp cận vaccine, tiếp cận thuốc đặc trị, trang thiết bị y tế...
Nhưng sắp tới nhu cầu còn rất lớn, chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các nước đối tác của Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng bà con ở nước ngoài, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để có nhiều vaccine và thuốc đặc trị hơn sẽ đến với Việt Nam để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.