Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 12/2021. (Nguồn: Getty) |
Theo bài báo của tác giả Chad De Guzman đăng trên tờ Time ngày 20/1, đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ ba và cướp đi hơn 5,5 triệu sinh mạng trên toàn thế giới.
Các bệnh viện ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, một lần nữa lại rơi vào tình trạng quá tải và virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 tiếp tục gây nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc, một trong những nước cuối cùng thực hiện chính sách “Zero Covid-19” (Không Covid-19), quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ ghi nhận chưa đến 6.000 người thiệt mạng vì dịch trong số 1,4 tỷ dân. Đồng thời, năm 2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trưởng 8,1%, thặng dư thương mại đạt kỷ lục.
Có không ít những ý kiến trái chiều về chính sách chống dịch của Trung Quốc, với những đợt phong tỏa trên diện rộng và kéo dài. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có lý do để làm điều này, một trong số đó là năng lực hệ thống y tế chưa thực sự mạnh.
Theo các nhà nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Mỹ có gần 26 giường chăm sóc đặc biệt (ICU) trên 100.000 dân vào năm 2018. Dữ liệu từ năm 2017 cho thấy Đức có gần 34 giường trên 100.000 dân.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, tỷ lệ này chỉ là 4/100.000 người (năm 2017). Vì vậy, nếu thực hiện theo chiến lược của một số nước châu Âu và Mỹ, nhiều khả năng dẫn đến thiệt hại lớn về tính mạng con người.
Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 sẽ khai mạc vào tháng 2 tới và sự xuất hiện của biến thể Omicron rất dễ lây lan sẽ là phép thử đối với chiến lược “Zero Covid-19” của Trung Quốc.
Thủ đô Bắc Kinh đã ghi nhận ca mắc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng đầu tiên, nhưng Thế vận hội sẽ được bảo vệ bằng một “bong bóng khép kín”- một hệ thống mà mọi người tham gia sẽ bị cô lập về mặt thể chất với người dân nói chung.
Nếu không có đợt bùng phát dịch lớn nào xảy ra, điều đó sẽ củng cố lập luận rằng chính sách “Không Covid-19” của Bắc Kinh từ trước đến nay là cách tiếp cận đúng đắn.
Chiến lược này không hề rẻ. Theo số liệu mới nhất hiện có, Trung Quốc đã chi gần 63 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2020 để phòng chống dịch.
Cứu sống nhiều người
Đầu tháng 1 này, ông Liang Wannian, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm phòng chống Covid-19 của Ủy ban Y tế Quốc gia nói với tờ China Daily: “Hiện tại, chúng tôi không có khả năng đảm bảo sẽ không có thêm ca mắc mới trong cộng đồng. Nhưng chúng tôi có đủ khả năng để tiêu diệt các ổ dịch một cách nhanh nhất có thể”.
Theo Reuters, Trung Quốc đã tiêm được 2,93 tỷ liều vaccine Covid-19, con số đủ để bao phủ toàn bộ dân số.
Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng cao như thế nhưng quốc gia này vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược “Zero Covid-19”. Điều này có thể khẳng định rằng, vaccine có tác dụng giảm khả năng bị bệnh nặng nhưng không ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng rất chú trọng đến các biện pháp phòng dịch. Người nhập cảnh Trung Quốc đều được cấp một mã sức khỏe màu sau khi hoàn thành khai báo y tế thông qua ứng dụng trên điện thoại (Những người tham dự Thế vận hội sẽ được yêu cầu sử dụng một ứng dụng phòng dịch riêng).
Người có mã sức khỏe màu xanh được phép di chuyển đến nơi công cộng, tham gia các phương tiện giao thông công cộng.
Người có thẻ màu đỏ (mắc Covid-19 hoặc có nguy cơ mắc) hoặc màu vàng (tiếp xúc gần với người mắc Covid-19) phải được cách ly tập trung cho đến khi có xét nghiệm âm tính.
Theo số liệu được trích dẫn trên SCMP, hơn 8.430 cơ sở y tế trên toàn quốc có thể xét nghiệm Covid-19 với tổng số 12,55 triệu mẫu mỗi ngày.
Khi phát hiện ca mắc mới, việc phong tỏa toàn thành phố và đôi khi trên toàn tỉnh sẽ được thực hiện. Người dân chỉ được phép ra ngoài hai ngày một lần để mua nhu yếu phẩm.
Điều đó nghe có vẻ thật hà khắc, nhưng việc từ bỏ chính sách “Zero Covid-19” có nghĩa là gì?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết, nước này có thể có tới 600.000 trường hợp mắc bệnh mỗi ngày nếu thực hiện phương pháp chống dịch của Mỹ, Anh và các nước châu Âu.
Thế nhưng, với chính sách phòng dịch không khoan nhượng, kể từ đầu năm nay, mỗi ngày quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ ghi nhận từ 155-230 ca mắc mới.
Nhà dịch tễ học Wu Zunyou thuộc CDC Trung Quốc ước tính, chính sách nghiêm ngặt trong phòng dịch của nước này cho đến nay đã ngăn chặn được khoảng 200 triệu ca mắc và 3 triệu ca tử vong.
Theo dữ liệu của Đại học John Hopkins, khoảng 2.500 người trên 1 triệu dân ở Mỹ và khoảng 2.200 người trên 1 triệu dân ở Anh đã thiệt mạng vì Covid-19. Nhưng tỷ lệ này ở Trung Quốc là 3/1 triệu người.
Tiến sĩ Huang Yanzhong, chuyên gia chính sách y tế cấp cao thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) cho biết, Trung Quốc đã tạo ra một “nơi trú ẩn an toàn” trong bối cảnh đại dịch hoành hành khắp thế giới.
Bao giờ nới lỏng?
Đương nhiên, không có chính sách nào đáp ứng được ý nguyện của toàn bộ dân chúng.
Đã có tin về việc người dân bị từ chối nhập viện vì không có giấy xét nghiệm Covid-19. Phương tiện truyền thông xã hội cũng xuất hiện tin tức về tình trạng thiếu lương thực khi thành phố bị phong tỏa để phòng dịch.
Tuy nhiên, các nhà chức trách nhanh chóng đã tăng gấp đôi nỗ lực để phân phối thực phẩm cho các hộ gia đình.
Giám đốc dữ liệu của thành phố Tây An bị đình chỉ công tác sau khi ứng dụng liên hệ giữa người dân và chính quyền gặp trục trặc. Các quan chức bệnh viện hoặc bị đình chỉ công việc hoặc bị sa thải nếu để xảy ra sự cố.
Chính quyền yêu cầu các cơ sở y tế không được từ chối bệnh nhân vì bất kỳ lý do gì.
Trên bình diện quốc tế, trước chiến lược “Zero Covid-19” của Trung Quốc, một số chuyên gia đã đi từ những lời khen ngợi thận trọng ban đầu đến những gợi ý rằng Bắc Kinh ít nhất nên nới lỏng một phần.
Tiến sĩ Ooi Eng Eong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Trường Y Duke, Đại học Quốc gia Singapore, nói với Time rằng Covid-19 sẽ không bao giờ biến mất trong tương lai gần. Vì vậy, tại một số thời điểm, các chính phủ nên thực hiện từng bước để khôi phục lại tình trạng bình thường trong cuộc sống người dân.
Chuyên gia này nói: “Cuộc sống không chỉ nằm ở việc có Covid-19 hay không. Còn rất nhiều điều khác nữa để làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú…”.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ làm việc bên trong phòng xét nghiệm Covid-19 dã chiến được thiết lập tại một trung tâm hội nghị trong đợt bùng phát dịch ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 22/12/2021. (Nguồn: Reuters) |
Ngày càng có nhiều người mất kiên nhẫn trước tác động tiêu cực của chiến lược chống dịch này đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, với những dự đoán về hậu quả đáng kể đối với kinh tế thế giới.
Nhà kinh tế cấp cao tại Moody’s Analytics Katrina Ell nói với CNBC: “Chính sách ‘Không Covid-19’ của Trung Quốc và cách họ có xu hướng đóng cửa các cảng và nhà máy quan trọng thực sự làm gia tăng sự gián đoạn chuỗi cung ứng”.
Theo bà, chiến lược “sẽ có những tác động quan trọng đối với lạm phát và việc hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương trong vài tháng tới”.
Ở chiều ngược lại, người ta cảm thấy thật khó để tranh luận với lập luận của Chen Long, người sáng lập công ty nghiên cứu Trung Quốc Plenum, khi ông trả lời Fortune: “Nếu Bắc Kinh không thực hiện phong tỏa, sẽ có hàng triệu ca mắc bệnh, dẫn tới cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng tồi tệ hơn".
Thêm vào đó, nhà nghiên cứu địa chính trị Radhika Desai (Canada) nói, thế giới không nên đặt câu hỏi khi nào Trung Quốc sẽ dừng chính sách “Zero Covid-19” mà nên tìm ra những bài học kinh nghiệm từ chiến lược này.