📞

Chiến tranh lạnh về công nghệ - Bắc Kinh nỗ lực thay thế Mỹ bằng Nga

Minh Anh 16:19 | 13/06/2019
Cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ sẽ trở nên căng thẳng hơn rất nhiều, sau khi Nga hoàn tất thỏa thuận xây dựng mạng 5G với Huawei.    
Chiến tranh lạnh về công nghệ - Bắc Kinh nỗ lực thay thế Mỹ bằng Nga. (Nguồn: AP)

Nhà cung cấp mạng lớn nhất của Nga đã ký một bản thỏa thuận với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei để xây dựng mạng di động thế hệ thứ 5 (5G). Động thái này đã tạo sự chia rẽ lớn hơn nữa trong cuộc chiến tranh lạnh công nghệ, dự báo sẽ làm rung chuyển hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung.

Không đơn giản là hợp tác Huawei - MTS

Trong một tuyên bố gửi tới Business Insider, Huawei cho biết, Thỏa thuận vừa được ký giữa công ty viễn thông MTS của Nga và Huawei, sẽ "thúc đẩy công nghệ 5G và ra mắt các mạng 5G thí điểm ở Nga vào năm 2019 - 2020".

Nhận định về thỏa thuận được ký ngay vào ngày đầu tiên trong chuyến thăm ba ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga, giới quan sát cho rằng, đây là một tình huống leo thang nguy hiểm của cuộc chiến tranh lạnh giữa Washington và Bắc Kinh, mối quan hệ vốn đã từng chứng kiến sự hợp tác hiệu quả giữa các công ty công nghệ Mỹ với các đối tác Trung Quốc.

Lễ ký kết đã diễn ra ở cấp liên chính phủ tại Điện Kremlin và được cả hai nhà lãnh đạo Nga - Trung là Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình chứng kiến cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay thế vị trí của Mỹ trên con đường phát triển công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo, sau những cú đòn ăn miếng, trả miếng về thuế quan mà hai bên đã áp đặt lẫn nhau.

Trong khi các nhà phân tích vẫn còn dự đoán xem Trung Quốc “sẽ trả ơn” Nga những gì để được thâm nhập vào thị trường này - một thương vụ khiến phương Tây phải lo ngại, thì giới quan sát khẳng định, thương vụ giữa Huawei và MTS cho thấy mức độ tin cậy cao giữa Bắc Kinh và Moscow.

Tờ New York Times viết: “Trong khi Mỹ muốn thuyết phục các đồng minh rằng Huawei là mối nguy hiểm to lớn, thì Nga lại tin cậy trao cho Trung Quốc cơ hội xây dựng công nghệ không dây thế hệ tiếp theo”.

Còn CNN cho rằng, thương vụ giữa Huawei và MTS chỉ càng làm gia tăng thêm mối lo ngại đó khi nó cho phép Nga và Trung Quốc tiến lên phía trước trong công nghệ mạng. Hãng truyền thông này cũng cảnh báo việc Mỹ cấm Huawei sẽ khiến việc triển khai mạng 5G tại Mỹ bị chậm lại và Mỹ có nguy cơ tụt hậu so với Trung Quốc. Giờ đây, ngay cả Nga, vốn là nước không được xếp hàng đầu trong công nghệ cao, cũng có cơ hội vượt lên phía trước.

Trong khi đó, Mỹ còn lo ngại một nguy cơ khác từ sự hợp tác giữa Huawei và MTS. Đó là sự xuất hiện của “bức màn sắt” trong Internet, mạng toàn cầu sẽ bị chia ra thành nhiều mạng quốc gia. Với vị trí dẫn đầu của Trung Quốc, ngày càng có thêm nhiều nước phản đối nguyên tắc Internet mở và các chính phủ bảo vệ chặt chẽ biên giới mạng Internet của mình, buộc các đối thủ cạnh tranh nước ngoài phải lưu dữ liệu tại chỗ và bảo đảm các cơ quan an ninh nội địa có quyền thâm nhập dữ liệu đó.

Cựu Tổng Giám đốc Google Erik Shmidt cũng đã cảnh báo về việc chia nhỏ mạng Internet. Theo ông, thế giới sẽ có mạng Internet do Trung Quốc quản lý và một mạng Internet khác do Mỹ kiểm soát.

Bắc Kinh đã thúc đẩy xu thế này từ lâu, đồng thời tích cực xuất khẩu công nghệ và hỗ trợ các đối tác thiết lập mạng Internet riêng được kiểm soát ngặt nghèo. Song, khi tiến hành chiến dịch hiếu chiến chống lại Trung Quốc, Iran và Nga, chính Mỹ đã làm gia tăng mạnh xu hướng chia rẽ mạng Internet. Giờ đây, triển vọng xuất hiện các tiêu chuẩn quốc gia riêng, cũng như các quy định quản lý mạng Internet riêng càng trở nên rõ nét và như vậy mạng Internet theo cách hiểu thông thường của chúng ta sẽ không còn tồn tại.

Vào tháng trước, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã chính thức cáo buộc Huawei - Doanh nghiệp công nghệ số 1 của Trung Quốc và số 2 của thế giới là mối đe dọa an ninh quốc gia. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng cảnh báo, thậm chí đe dọa các đồng minh châu Âu về hậu quả khôn lường, nếu họ không xa rời công ty của Trung Quốc.

Putin - 'người bạn tốt nhất và tốt nhất của tôi'

Trong khi chính quyền Tổng thống Trump tăng cường các cuộc tấn công vào Bắc Kinh, thì mối quan hệ Trung Quốc - Nga dường như trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Moscow và hai nhà lãnh đạo Nga - Trung đã cùng nhau đến St. Petersburg để tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg, nơi các hãng thông tấn lớn như Bloomberg, The Moscow Times và Agence France-Presse thường mô tả như là "Davos của Nga".

Trả lời một cuộc phỏng vấn dài với Hãng thông tấn TASS của Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi mối quan hệ Nga - Trung và gọi ông Putin là "người bạn tốt nhất và tốt nhất của tôi".

Ông Tập còn tiết lộ với truyền thông về mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Putin. "Kể từ năm 2013, Tổng thống Putin và tôi đã gặp nhau gần 30 lần trong các dịp song phương và đa phương, nói chuyện qua điện thoại và cả viết thư cho nhau nhiều lần. Tôi giữ những kỷ niệm đẹp trong những lần được tiếp xúc với Tổng thống của nước Nga”, ông Tập nói.

Thỏa thuận vừa được ký giữa MTS và Huawei sẽ thúc đẩy công nghệ 5G và ra mắt các mạng 5G thí điểm ở Nga vào năm 2019 - 2020. (Nguồn: Echlekhak)

"Chúng tôi đã có những trao đổi sâu rộng và bao trùm nhất về cả hai vấn đề lớn như tình hình quốc tế, quan hệ và quản trị song phương và cả các chủ đề nhẹ nhàng hơn như văn học, nghệ thuật và thể thao. Chúng tôi đã cùng nhau đi tàu cao tốc, xem trận giao hữu khúc côn cầu trên băng giữa các đội trẻ Trung Quốc và Nga, tổ chức sinh nhật ở Bali, trao đổi điện thoại và tin nhắn chúc mừng các lễ hội hay thành quả quan trọng của nhau”, Chủ tịch Trung Quốc tiết lộ.

Ông Tập Cận Bình tự hào: "Tôi đã có những tương tác gần gũi với Tổng thống Putin hơn bất kỳ đồng nghiệp nước ngoài nào khác. Ông ấy là người bạn tốt nhất và tốt nhất của tôi. Tôi trân trọng tình bạn sâu sắc của chúng tôi".

South China Morning Post đưa tin, trong dịp này, hai nhà lãnh đạo Trung – Nga cũng đã chính thức nâng cấp mối quan hệ song phương lên "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới". Ông Tập và ông Putin cũng dự kiến sẽ gặp lại nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng này.

Hồi tuần trước, Bắc Kinh đã chính thức cấp các giấy phép thương mại mạng 5G cho các nhà khai thác viễn thông lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước. Đây được coi là một động thái quan trọng trong nỗ lực hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu về mạng di động 5G trước sự cạnh tranh quyết liệt từ Mỹ.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng, cuộc chiến công nghệ nguy hiểm của Washington với Huawei có thể khiến nước Mỹ tụt lại phía sau trong cuộc đua toàn cầu siêu tốc về Internet. "Mỹ sẽ không có cơ hội thứ hai để giành chiến thắng trong cuộc đua 5G", Meredith Attwell Baker, người đứng đầu hiệp hội thương mại viễn thông CTIA nhận định.

(theo Businessinsider)